Có lẽ, 18 năm sống trên mảnh đất này, cảm nhận, thẩm thấu thói quen, nhịp sống của thành phố đã biến tôi thành “Người Sài Gòn chính hiệu”. Và, Sài Gòn thành quê hương của tôi. Tôi yêu thành phố của mình – yêu Sài Gòn!
Từ năm 2000, Sài Gòn bắt đầu chuyển mình mạnh mẽ với những khu chế xuất, khu công nghiệp được xây dựng rầm rộ, tạo ra hàng trăm ngàn công ăn việc làm thu hút lao động khắp nơi dồn về. Sài Gòn bắt đầu “chật” hơn. Song hành với quá trình công nghiệp hóa là sự phát triển của các khu dân cư, khu đô thị mới, người ta lại tràn về Sài Gòn định cư, sinh sống làm cho thành phố này chật càng thêm chật. Và, kẹt xe trở thành “món đặc sản” của giao thông trong thành phố.
|
Mười tám năm trước, tôi bắt đầu hành trình trở thành “Người Sài Gòn” bằng một buổi kẹt xe. Tôi bắt đầu yêu thành phố của mình. Nó – Sài Gòn của tôi không ghê gớm như những gì tôi nghe kể, không kinh khủng như lời mẹ dặn khi xa nhà đi học. Sài Gòn hiện lên trong mắt tôi bằng cảm giác thân tình, nồng ấm và vô cùng dung dị.
Số là ngày đi thi đại học, anh họ tôi chờ tôi ở phía đối diện cổng trường Đại học Sư phạm trên đường Lê Văn Sỹ. Hết giờ thi, cũng vào lúc tan tầm, đường kẹt xe kinh khủng! Thấy tôi cứ thấp thỏm ở vỉa hè, cô bán nước gần đó hỏi:
- Cháu chờ ai hả?
Tôi chỉ sang cái quán nằm xéo bên kia đường rồi nói:
- Anh cháu đứng bên đó mà giờ đông quá cháu không qua được!
Cô bán nước vừa bán vừa nói:
- Cháu ngồi chơi chút đi, cô làm mấy chai nước rồi dắt cháu qua.
Và rồi, cô dắt tôi qua bằng “kỹ thuật qua đường lúc kẹt xe”!
Sự nồng ấm của người Sài Gòn bắt đầu “nhập” vào tôi. Tôi bắt đầu yêu Sài Gòn!
Trở thành sinh viên, sống ở Sài Gòn, tôi quen dần với “nhịp điệu kẹt xe” và cũng trang bị đủ kỹ năng, bí kíp để tránh kẹt xe. Nhưng, lạc đường trở thành nỗi đau mới của tôi và cũng là nỗi khổ của bất cứ ai mới đến Sài Gòn vào những năm tháng ấy, thời mà công nghệ dẫn đường bằng GPS chỉ là sự tưởng tượng. Thời đó, những người mới tới Sài Gòn chạy xe vòng vòng rồi quay về chỗ cũ là chuyện “bình thường như ngủ trên giường”. Tôi cũng không trở thành ngoại lệ, dù khả năng đọc bản đồ và đoán hướng của tôi không tệ.
|
Năm 2003, tôi tìm lớp dạy kèm trong hẻm trên đường Nguyễn Thiện Thuật (khu Bàn Cờ, quận 3). Tôi hỏi đường tất cả 3 lần, đạp xe vòng vòng theo những chỉ dẫn đó và cuối cùng... trở lại đúng điểm tôi đã hỏi lần đầu. Chị chủ xe cà phê nhận ra vẻ mặt ngơ ngác của tôi, chị hỏi:
- Tìm hông được hả em?
Tôi lắc đầu đầy thất vọng.
Chị bán cà phê nói:
- Em ngồi uống nước đi, tí chồng chị về chị kêu ảnh dẫn cho, ảnh chạy xe ôm!
Vậy là, tôi đến được nơi nhận lớp dạy kèm.
Đó! Sài Gòn của tôi thân tình vậy mà sao không yêu Sài Gòn cho được chứ? Tôi yêu Sài Gòn!
Thành phố của tôi vẫn tiếp tục chuyển mình, là đầu tàu kinh tế của cả nước. Hạ tầng giao thông phát triển mạnh mẽ: Đại lộ Phạm Văn Đồng, Đại lộ Đông Tây, các đường hầm, cầu vượt,...lần lượt khánh thành đem lại một diện mạo mới, khang trang cho giao thông thành phố. Đường sá mở rộng nhưng dân số tăng cơ học nhanh, người nhập cư về Sài Gòn sinh sống không ngừng nên kẹt xe vẫn là “món đặc sản” khó đổi thay của giao thông thành phố. Thế đấy, người ta yêu – mến – quý Sài Gòn thì mới chọn nơi này sinh sống, làm việc, học tập nên Sài Gòn mới kẹt xe chứ!
Nếu tưởng tượng một ngày mà Sài Gòn không bận rộn, đường phố vắng hoe thì không biết thành phố của tôi sẽ ra sao...? Có lẽ:
Sài Gòn không kẹt xe
Sài Gòn đang trong tết
Vào ngày xuân năm mới
Người dân đã đi về
Thăm cố hương, họ hàng!
Hòa vào nhịp sống bận rộn, chật chội của những con đường Sài Gòn, thấu cảm tấm chân tình, lối sống chân thành và dung dị của người dân thành phố tôi nhận ra rằng mình yêu Sài Gòn hơn bất cứ nơi nào! Bởi vì, dù cho có kẹt xe, đường sá có chật chội đến đâu thì sự nồng ấm, khẳng khái, chân thành và tấm lòng rộng mở của Người Sài Gòn vẫn cứ rộng thênh thang, lan tỏa một cách nhẹ nhàng.
Tôi yêu thành phố của tôi, yêu Sài Gòn!
|
Bình luận (0)