Những công trình 'làm nghèo' đất nước: Đập chợ cũ, xây chợ mới rồi bỏ hoang

Thanh Quân
Thanh Quân
14/04/2022 06:00 GMT+7

Tại tỉnh Đắk Nông, có một câu chuyện có thể nói là “cười ra nước mắt”: đập chợ cũ, xây chợ mới, rồi bán đi chợ mới vừa xây vì không hiệu quả.

UBND tỉnh Đắk Nông đã có văn bản chỉ đạo H.Tuy Đức khẩn trương rà soát lại nội dung đề xuất chủ trương bán đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản trên đất chợ nông sản của huyện. Đáng nói, chợ này đã tiêu tốn gần 7 tỉ đồng và “phơi nắng mưa” nhiều năm liền.

Chợ nông sản H.Tuy Đức bỏ hoang nhiều năm cỏ mọc um tùm

THANH QUÂN

Lãng phí chợ tiền tỉ

Năm 2009, chợ nông sản H.Tuy Đức (Đắk Nông) được khởi công xây dựng tại thôn 4, xã Quảng Tâm với tổng mức đầu tư gần 7 tỉ đồng từ nguồn ngân sách. Chợ được xây dựng với quy mô 2 tầng, diện tích rộng gần 2.000 m2 với 176 sạp buôn bán. Mục đích ban đầu của chợ là phát triển thương hiệu nông sản (chủ yếu là khoai lang) của địa phương và thay thế chợ Đắk Búk So đã xây trước đó. H.Tuy Đức cũng có chủ trương đưa tất cả các tiểu thương đến chợ để hình thành nên khu chợ trung tâm huyện.

Đến năm 2014, chợ nông sản H.Tuy Đức hoàn thành, tuy nhiên, chợ xây dựng xa khu dân cư, không thuận lợi nên rất vắng khách. Sau một thời gian ngắn hoạt động không hiệu quả, chợ đã đóng cửa và bỏ hoang nhiều năm. Hầu hết các hạ tầng bên trong chợ đều bị hư hại hoàn toàn.

Anh Công Huấn (ở xã Đăk Búk So, H.Tuy Đức) cho biết, năm 2012 anh có mua một ki ốt trong chợ với giá 39 triệu đồng, thời hạn 10 năm để kinh doanh. Tuy nhiên, do chợ vắng khách, buôn bán ế ẩm nên chỉ hoạt động được một thời gian ngắn thì chợ đóng cửa. Số tiền bỏ ra ban đầu 39 triệu đồng mua ki ốt được chính quyền địa phương hoàn trả, còn số tiền đầu tư vào ki ốt thì xem như bỏ. Không chỉ riêng anh Huấn, các hộ dân chuyển đến chợ nông sản buôn bán đều chịu chung số phận.

Đập chợ rồi lại xây chợ

Đáng nói, trước khi xây dựng chợ nông sản, người dân xã Quảng Tâm và Đắk Búk So buôn bán rất tốt tại chợ Đắk Búk So cũ. Chợ Đắk Búk So cũ được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 1999, theo Chương trình 135 của Chính phủ hỗ trợ dân các xã biên giới. Khi đi vào sử dụng, chợ đã thu hút gần 200 tiểu thương vào kinh doanh, buôn bán. Nhiều hộ đến từ các tỉnh Bình Định, Quảng Nam, Hà Tĩnh… đã nhờ vào việc buôn bán ở chợ này mà khấm khá lên.

Việc buôn bán của họ đang thuận buồm xuôi gió thì ngày 4.11.2014, UBND H.Tuy Đức cho đập bỏ chợ Đắk Búk So cũ để xây trạm y tế. Khi ấy, hàng trăm tiểu thương không đồng tình, nhưng rồi họ cũng chấp nhận trao trả mặt bằng. Một số người chuyển đến chợ nông sản H.Tuy Đức xây dựng mới để buôn bán, còn một số người nghỉ hẳn việc kinh doanh.

Sau một thời gian buôn bán ở chợ nông sản H.Tuy Đức không hiệu quả, người dân phải chuyển ra lề đường ở trục đường chính của huyện để tiếp tục buôn bán trái phép vì không ai vào chợ mua hàng. Đến năm 2015, tỉnh Đắk Nông đã chấp thuận cho một doanh nghiệp xây dựng thêm một khu chợ mới ở xã Đắk Búk So, với tổng số vốn gần 30 tỉ đồng theo hình thức xã hội hóa, ngay gần với chợ đã đập bỏ trước đó.

Như vậy, việc luẩn quẩn đập chợ cũ, xây chợ mới từ tiền ngân sách rồi “phơi nắng mưa” chợ mới xây khiến lãng phí thêm chồng chất.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Phạm Ngọc Ẩn, Chủ tịch UBND H.Tuy Đức xác nhận, UBND tỉnh đã có chỉ đạo rà soát đề xuất chủ trương bán đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản trên đất thuộc chợ nông sản. Theo đó, UBND tỉnh đã yêu cầu H.Tuy Đức chủ trì, phối hợp với Sở TN-MT, Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan đánh giá tính khả thi của việc đề xuất bán đấu giá trên khu đất nêu trên với mục đích sử dụng đất là đất chợ. Khi yêu cầu đánh giá về sự lãng phí của khu chợ này, ông Ẩn đã từ chối trả lời.

Việc chi ngân sách 7 tỉ đồng xây mới chợ nông sản H.Tuy Đức rồi sau đó bỏ hoang gây ra nhiều bức xúc về sự lãng phí. Bởi cho đến năm 2021, xã Quảng Tâm thu ngân sách chỉ khoảng 327 triệu đồng, toàn xã có 1.600 hộ dân với hơn 6.000 khẩu trong đó khoảng 22% hộ nghèo.

Những công trình 'làm nghèo' đất nước

'Trường bắn trong mơ' vĩnh viễn dừng triển khai

Bỏ hoang hạ tầng nước sạch tiền tỉ

Còn 'làm nhỏ xin to, lợi ích nhóm' thì còn lãng phí

'Đại công trình' trăm tỉ lay lắt

Kỷ lục buồn của một trung tâm văn hóa - thể thao

Xây nhà tang lễ nhưng không sử dụng

Dân dùng nước phèn mặn bên công trình nước sạch bỏ hoang

Đắp chiếu chờ… khai tử

Hàng loạt chợ xây xong không sử dụng

Siêu dự án 4.300 tỉ đồng bỏ hoang

Bao giờ dự án thủy lợi 90 tỉ thôi 'hành' dân?

Cầu trăm tỉ hoang phế

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.