Làng nghề cơ khí Bình Yên (thuộc xã Nam Thanh, H.Nam Trực, tỉnh Nam Định) là làng nghề truyền thống có từ nhiều năm trước. Theo báo cáo của Phòng TN-MT H.Nam Trực, đến năm 2022, làng nghề cơ khí có 222/446 hộ sản xuất, kinh doanh (chiếm 49,7%), nguyên liệu sản xuất là vỏ lon bia và nhôm phế liệu. Mỗi tháng, làng nghề Bình Yên thải ra môi trường khoảng 7.500 m3 nước thải có lẫn hóa chất, 25 - 30 tấn xỉ than, 50 - 60 tấn xỉ nhôm (là chất thải nguy hại). Để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm do các hộ sản xuất xả thải ra môi trường, năm 2013, UBND tỉnh Nam Định phê duyệt Dự án khắc phục giảm thiểu ô nhiễm môi trường làng nghề Bình Yên với kinh phí gần 90 tỉ đồng giao Sở TN-MT Nam Định làm chủ đầu tư.
Khu vực xử lý nước thải xuống cấp |
Sau hơn 4 năm vẫn… treo
Theo báo cáo của Phòng TN-MT H.Nam Trực (tỉnh Nam Định), Dự án khắc phục giảm thiểu ô nhiễm môi trường làng nghề Bình Yên (thuộc địa phận xã Nam Thanh) gồm các hạng mục: Xử lý chất thải tồn dư và bùn kênh mương bị ô nhiễm nguy hại; Trạm xử lý nước thải (TXLNT); Trạm trung chuyển chất thải; Hệ thống thu gom nước thải; Nạo vét sông thoát nước xung quanh làng nghề; Xây dựng, lắp đặt hệ thống xử lý nước thải và khí thải tại các hộ gia đình (ống khói); Xử lý tại chỗ đất ruộng đang ô nhiễm. Năm 2018, TXLNT (một trong các hạng mục trong dự án) được vận hành nhưng chỉ vài ngày sau đó đã “đắp chiếu” suốt… 4 năm đằng đẵng. Đến nay, tất cả máy móc đã bị hoen ố, gỉ sét hoàn toàn.
Theo tìm hiểu của PV, do các hộ sản xuất nằm rải rác khắp làng nghề Bình Yên, mỗi hộ thực hiện một công đoạn sản xuất khác nhau nên sẽ thải ra những loại chất thải khác nhau. Do đó, hệ thống thu gom nước thải khi vận hành đã phải thu gom toàn bộ nước thải (gồm nước thải sản xuất, nước thải sinh hoạt, nước mưa) dẫn đến TXLNT bị quá tải bởi lượng nước thải gom về xử lý quá lớn. Do không thống nhất được việc thu phí xử lý nước thải của người dân dẫn đến không có ngân sách để vận hành TXLNT nên trạm buộc phải dừng hoạt động. Bên cạnh đó, do môi trường vận hành máy móc tại trạm quá ô nhiễm, nên chỉ trong một thời gian ngắn đi vào hoạt động, toàn bộ thiết bị của trạm nhanh chóng bị ô xy hóa, hỏng hóc.
Vậy nên, dù có hẳn Dự án nhà máy xử lý nước thải của làng nghề nhưng người dân ở đây vẫn sống trong cảnh ô nhiễm môi trường.
Tuy không làm nghề như các hộ khác nhưng hộ gia đình nhà ông Trần Văn Quang (xã Nam Thanh) nhiều năm phải chịu đựng cảnh ô nhiễm bởi khói, bụi và nguồn nước. “Chúng tôi đã phải tham gia hơn 20 cuộc họp để thống nhất mức thu phí xử lý nước thải. Gia đình tôi không sản xuất nhưng cũng chịu phí chung như những hộ dân khác. Điều này chúng tôi không đồng tình”, ông Quang nói.
Các thùng hóa chất cùng toàn bộ máy móc ngưng hoạt động hơn 4 năm nay |
Cù HiỀn |
Chi thêm 14 tỉ đồng và 24 ha đất nhưng… chưa có hồi kết
Để khắc phục những bất cập trên, UBND H.Nam Trực đưa ra 3 vấn đề phải giải quyết trong thời gian tới: xây dựng hồ điều hòa, cải tạo lại nhà máy và quy hoạch các hộ sản xuất thành cụm công nghiệp.
Ông Nguyễn Xuân Hưởng, Trưởng phòng TN-MT H.Nam Trực, cho biết năm 2021, UBND H.Nam Trực làm chủ đầu tư, xây dựng hồ lắng phía sau TXLNT. Hồ lắng có diện tích mặt nước 1.500 m2, sâu 4 m với kinh phí gần 14 tỉ đồng nhằm thu gom toàn bộ nước thải vào hồ. Theo đó, nước thải tập trung tại hồ điều hòa sẽ lắng đọng các hóa chất độc hại xuống đáy, phần nước phía trên với nồng độ chất thải ít hơn, sau khi được pha loãng sẽ được đổ ra ruộng đồng, phần nào giảm tải ô nhiễm môi trường nước.
Rất khó duy trì nếu chờ tiền thu phí môi trường của dân
Trao đổi với Thanh Niên, ông Phạm Văn Tính, Chủ tịch UBND xã Nam Thanh, cho biết UBND xã đã nhiều lần gửi kiến nghị cấp lãnh đạo hỗ trợ, sửa chữa, nâng cấp để đưa TXLNT vào hoạt động. “Chúng tôi đã thực hiện nhiều buổi họp dân để thống nhất đưa ra mức thu phí đối với các hộ để duy trì trạm. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có phương án thống nhất”, ông Tính nói. Bên cạnh đó, ông Tính cũng nhiều lần làm đơn đề xuất UBND cấp H.Nam Trực quan tâm, sớm khắc phục để đưa trạm vào hoạt động trở lại, xử lý nước thải nhằm ngăn chặn tình trạng nước xả thải ứ đọng trong môi trường.
“Vấn đề cải tạo TXLNT, UBND tỉnh giao cho cấp nào làm chủ đầu tư thì cấp đó thực hiện hoặc nếu có một doanh nghiệp tư nhân đứng ra đầu tư để hoạt động cũng rất tốt.
Đến nay, các phòng ban chuyên môn vẫn chưa khảo sát mức độ hỏng hóc của thiết bị tại trạm nên chưa thể đưa ra con số cụ thể để cải tạo lại máy móc tại đây”, ông Nguyễn Xuân Hưởng nói.
Đối với việc quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề, năm 2021, UBND H.Nam Trực đã dành quỹ đất diện tích 24 ha để đưa các hộ sản xuất tách biệt khỏi khu vực dân cư. Nếu hộ nào không phối hợp di dời, buộc hộ dân đó phải đóng cửa. Nhưng đến nay vẫn chưa có kế hoạch cụ thể về thời điểm di dời các hộ sản xuất cũng như chưa biết khi nào sẽ thực hiện xong.
Bình luận (0)