Những đại tá hạng nhất đầu tiên: Cục trưởng ra tiền phương chống địch

30/08/2021 11:00 GMT+7

Tháng 2.1947, kỹ sư công chính Lê Khắc từ Cục Quân giới chuyển sang làm Cục trưởng Giao thông Công binh (Bộ Quốc phòng).

Công binh xung kích tác chiến

Tốt nghiệp tốt nghiệp kỹ sư cầu đường, năm 1944, ông Lê Khắc vào làm kỹ sư đường sắt ở Quảng Ngãi và Đà Nẵng. Cách mạng Tháng Tám làm đổi thay cả đất nước Việt Nam, đổi thay thân phận người dân nô lệ thành công dân một đất nước độc lập, tự do. Chính quyền cách mạng giao cho ông phụ trách hỏa xa quận 2 (Thừa Thiên - Huế), đến đầu năm 1946, ông chuyển ra phụ trách hỏa xa quận 5 (Hà Nội).
Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, kỹ sư Lê Khắc tham gia kháng chiến, ban đầu ông được điều động về công tác ở Cục Quân giới (Bộ Quốc phòng). Tháng 2.1947, trên đường rút quân lên Việt Bắc, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Thời gian công tác trong quân đội, ông đã lần lượt trải qua các chức vụ: Cục trưởng Cục Giao thông Công binh (gọi tắt là Cục Công binh), Chính ủy Trung đoàn Công binh 151, Bí thư Đảng ủy Trung đoàn 151 (Đại đoàn 351).
Khi đứng đầu Cục Công binh, nhận thấy đây là một ngành mới, thiếu thốn cán bộ chuyên môn, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Cục trưởng Lê Khắc đã tổ chức mở lớp và phụ trách lớp đào tạo cán bộ trung cấp công binh với 30 học viên, theo kế hoạch sẽ đào tạo trong 3 năm rưỡi, bắt đầu từ tháng 6.1949. Chính từ lớp học này, cán bộ chuyên môn công binh được mở rộng và nâng cao tay nghề, phục vụ đắc lực trong các chiến dịch Biên giới (1950) mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954).
Cho đến cuối năm 1948, theo thống kê của Cục trưởng Lê Khắc, kể từ Liên khu IV trở ra toàn ngành có 7 đại đội và 8 trung đội công binh. Trong năm 1949, số đơn vị tăng lên 2 tiểu đoàn, 9 đại đội, 26 trung đội, hầu hết là các đơn vị công binh tác nghiệp nằm cạnh các đơn vị bộ binh để phối hợp chiến đấu.
Về đào tạo cán bộ, trong hai năm 1947-1948, Cục Công binh đào tạo được 103 cán bộ trung đội, 268 cán bộ tiểu đội. Riêng năm 1949, Cục Công binh đào tạo được 92 cán bộ trung đội và 118 cán bộ tiểu đội. Về mặt tác chiến, năm 1948, công binh đã tham dự hai trận công đồn, 14 trận phục kích, phá 96 cầu ở hậu phương. Năm 1949, công binh tham dự 32 trận công đồn, 103 trận phục kích và phá 12 cầu sát địch…

Kỹ sư Lê Khắc (thứ 2, từ phải sang) cùng đoàn cán bộ cao cấp Trung ương Đảng tại Đồ Sơn (Hải Phòng) năm 1972

ẢNH: T.L GIA ĐÌNH

Không có chiến dịch nào là không có công binh

Theo Cục trưởng Lê Khắc, không có chiến dịch nào là không có công binh tham dự, không có một trận diệt vị trí quan trọng nào là không có công binh phối hợp. “Công binh bao giờ cũng làm tròn nhiệm vụ của mình, xung phong tiến trước mở phá hoại khẩu, diệt hỏa điểm để tạo điều kiện cho xung kích xung phong…”, Cục trưởng Lê Khắc tổng kết.
Lịch sử Công binh Việt Nam ghi rõ, tại chiến dịch Biên giới (1950), Ban Công binh tiền phương do kỹ sư Lê Khắc và kiến trúc sư Phạm Hoàng trực tiếp phụ trách. Hướng chính chiến dịch có Tiểu đoàn 333 (Cục Công binh), Tiểu đoàn 60 (Đại đoàn 308), Đại đội 150 (Trung đoàn 174), Trung đội công binh của Tiểu đoàn 888 (bộ đội chủ lực tỉnh Lạng Sơn) và cơ quan Cục cùng học viên lớp trung cấp, tiểu đội trưởng công binh. Chiến thắng Biên giới đã mở rộng cánh cửa nối Việt Nam với Trung Quốc và các nước XHCN.
Ngày 24.3.1950, Cục Công binh mở Hội nghị Công binh toàn quốc lần thứ ba. Đại tá - Cục trưởng Công binh Lê Khắc đọc báo cáo tổng kết tình hình công binh trong cả nước từ năm 1947 đến năm 1949. Báo cáo nêu rõ: Lực lượng công binh phát triển tương đối lớn, không có chiến dịch nào là không có công binh tham gia và bao giờ công binh cũng làm tròn nhiệm vụ.
Nội dung báo cáo cho biết trong năm 1949, việc thành lập các ban công binh liên khu quân đội địa phương, sự xuất hiện các ban công binh mặt trận, các đoàn bộ, sự thành lập các đơn vị công binh tương đối lớn, là những điểm đáng chú ý. Nó đánh dấu một giai đoạn trong quá trình phát triển của binh chủng công binh về mặt nhiệm vụ và tổ chức… Phương hướng của Cục Công binh không chỉ chú trọng chủ lực mà còn phải hướng mạnh cả về quân đội địa phương… Ngoài ra, Cục Công binh còn có nhiệm vụ gây dựng cơ sở vũ trang cho nhân dân, cụ thể là giúp cho nhân dân về mặt trang bị và kỹ thuật công binh…
Tháng 5.1949, Bộ Tổng tư lệnh điều kiến trúc sư Phạm Hoàng, Cục phó Cục Quân nhu sang làm Cục phó Công binh. Được thêm một người bạn trí thức, là một trong những kiến trúc sư thế hệ đầu tiên của Đông Dương, kỹ sư Lê Khắc có thêm điều kiện củng cố vững chắc Cục Công binh về chuyên môn nghiệp vụ. Lúc này, quân số của Cục Công binh có trên 1.000 người. Nhưng về công tác Đảng chỉ có 1 chi bộ với 6 đảng viên do kỹ sư Lê Khắc làm Bí thư chi bộ. Cục trưởng Lê Khắc đã cùng Cục phó Phạm Hoàng gấp rút củng cố nội bộ, tăng cường quản lý phát triển Đảng. Chỉ trong gần 1 năm, Đảng bộ Cục Công binh ra đời, có gần 100 đảng viên, gồm nhiều chi bộ.
Sang năm 1951, trước tình hình biến chuyển mau lẹ của cuộc kháng chiến sau khi cánh cửa biên giới được mở thông, Cục Công binh được giải thể, tăng cường lực lượng cho đơn vị chiến đấu để phát triển đánh lớn. Ngày 23.1.1951, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng tư lệnh Quân đội quốc gia và dân quân Việt Nam, ra quyết định: “Phê chuẩn việc thành lập trung đoàn Công binh trực thuộc Bộ, mang phiên hiệu trung đoàn 151”. Ban chỉ huy trung đoàn gồm có kỹ sư Lê Khắc làm Chính ủy và kiến trúc sư Phạm Hoàng làm Trung đoàn trưởng. (Còn tiếp)
Đại tá Lê Khắc (1916-1990) sinh tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội. Từ năm 1953, ông chuyển ngành, làm Phó giám đốc Nha Giao thông – Bộ Giao thông Công chính. Sau đó, ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ: Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, Chủ nhiệm báo Khoa học Thường thức, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước, là thành viên Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), Đại biểu Quốc hội khóa VII, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký sáng lập Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.