Những đại tá hạng nhất đầu tiên: Phạm Trinh Cán – nhà giáo cầm quân pháp

28/08/2021 12:27 GMT+7

Khi về làm Chánh Văn phòng Bộ Giáo dục giúp việc Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, ít ai biết rằng nhà giáo Phạm Trinh Cán là một trong những vị đại tá hạng nhất đầu tiên của quân đội.

Khởi đầu vụ án Trần Dụ Châu

Theo lời kể của người con trai thứ, TS Phạm Công Cường, ông Cán còn là người chấp bút để soạn ra luật Tòa án binh của quân đội khi phụ trách Cục Quân pháp (nay là Cục Điều tra Hình sự - Bộ Quốc phòng).
Tuy nhiên, còn một điều thú vị khác trong cuộc đời ông, đại tá Phạm Trinh Cán là người đầu tiên điều tra về vụ án tham nhũng của đại tá Trần Dụ Châu – Cục trưởng Cục Quân nhu (người đã bị kết án tử hình sau đó).
Dưới đây là lời kể của ông Phạm Trinh Cán lúc sinh thời về diễn biến sự việc với gia đình Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên. Tài liệu này, được bà Nguyễn Kim Nữ Hạnh lúc sinh thời đã cung cấp cho người viết bài này.
Bấy giờ hoàn cảnh rất khó khăn. Về gạo ăn, mới kháng chiến nên anh em Quân nhu chưa có kinh nghiệm bảo quản tốt, kho cất gạo dùng bồ, ẩm thấp nên mục nát nhiều. Cục Quân chính do ông Phan Tử Lăng làm Cục trưởng và Cục Quân pháp do ông Phạm Trinh Cán làm Cục trưởng cùng đóng chung cơ quan ở Thái Nguyên, tổng cộng đến 30 người. Gạo lĩnh về không dám vo mạnh, chỉ rửa gạo qua suối để về nấu ăn. Vì vo kỹ thì gạo sẽ tan biến theo nước. Để chống đói, bộ đội phải lấy măng rừng làm thức ăn, còn quân đội chủ lực phải ăn cháo để truy kích địch. Về cái mặc, người được chia nhiều nhất thì mỗi người một áo trấn thủ và tấm chăn kháng chiến chỉ có một lượt bông rất mỏng. Còn có người không có chăn, không có áo, đứng gác trên đèo phong phanh vải mỏng.
“Anh em đều thấm thía cảnh khổ, than phiền, oán trách Cục Quân nhu làm không tròn nhiệm vụ. Càng oán trách vì nghe từ ba thằng cha Châu, Cửu, Toàn sống sa hoa lắm (…) chúng ăn toàn thứ ngon, rượu Tây, đường sữa, sô-cô-la trong thành mang ra... Đặc biệt nổi đình đám nhất là đám cưới linh đình của Cửu làm xôn xao cả vùng Thái Nguyên! Bộ đội và nhân dân công phẫn. Chuyện đến tai Bộ Quốc phòng và Trung ương Đảng”, ông Phạm Trinh Cán kể lại.
Một hôm Thiếu tướng Trần Tử Bình –Cục phó Cục Thanh tra quân đội đến tìm Cục trưởng Cục Quân pháp Phạm Trinh Cán. Theo quy định lúc đó, những vụ phạm pháp mức độ nào thì có thể xử lý trong quân đội sẽ do Cục Thanh tra giải quyết. Nếu nặng thì chuyển sang Cục Quân pháp. Vẫn theo lời kể của ông Cán:
- Anh Bình tìm tôi hỏi: “Anh nghe tin tức gì về vụ Châu không?”. Tôi trả lời: “Tôi có nghe. Bộ đội công phẫn lắm”. Xong anh Bình nói với tôi về Chỉ thị của Trung ương Đảng: “Ta phải mở cuộc điều tra về vụ này. Chỉ thị này tối mật. Ngoài mấy ông Trung ương, chỉ có tôi và anh biết. Nếu để lộ, Trần Dụ Châu mà dinh-tê vào thành thì chúng mình mất đầu”.
Thế là tôi cử 1, 2 anh em rất tâm phúc nghe ngóng tình hình về Cục Quân nhu. Điều tra sơ bộ xong, anh em về báo cáo lên Trung ương. Sau khi được nghe báo cáo, anh Trần Tử Bình có hỏi tôi: “Theo điều tra sơ bộ như vậy, có thể truy tố ra Tòa án binh không?”. Tôi đã nói rằng: “Đáng truy tố theo tội trạng như vậy. Nhưng cần tiếp tục điều tra nữa để có thêm tài liệu dẫn chứng cụ thể để căn cứ mà kết tội”.

Đại tá Phạm Trinh Cán về dự kỷ niệm 40 năm thành lập Bộ Tổng tham mưu

ẢNH: T.L GIA ĐÌNH

Sang năm 1950, Bộ Quốc phòng phải tổ chức lại. Ông Phạm Trinh Cán được cử sang làm Chánh Văn phòng Bộ Tổng Tham mưu kiêm Chánh án Tòa án binh khu Trung ương. Vì thế vụ này được bàn giao cho Cục trưởng Cục Quân pháp mới. Hè năm 1950, Tòa án binh tối cao xét xử đã quyết định tử hình đại tá Trần Dụ Châu.

Hội ngộ thầy trò trên chiến khu Việt Bắc

Đại tá Phạm Trinh Cán (1912 – 2003) nguyên quán xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội.Tốt nghiệp cử nhân Luật ở trường Đại học Đông Dương, ông được bổ nhiệm làm việc tại Tòa án Long Xuyên, sau đó làm việc ở Tòa sứ Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, ông được cử làm Phó Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời tỉnh Bình Định. Từ năm 1953, đại tá Phạm Trinh Cán chuyển sang làm Chánh Văn phòng Bộ Giáo dục, rồi Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội) cho đến năm 1973 thì nghỉ hưu.
Một hôm, trên đường công tác ở chiến khu Việt Bắc, đại tá Phạm Trinh Cán đi qua tòa soạn báo Sự thật. Ông ghé vào định nghỉ chân và xin nước uống.Vừa gõ cửa thì thấy từ phía trong một thanh niên đi ra, trông thấy ông liền vừa cười vừa nói: “Lê Quang Đạo xin chào anh Cán”.
Nhận ra ngay người học trò cũ của mình ở trườngTư thục Thăng Long trước đây, ông đáp liền một cách hóm hỉnh: “Tôi không biết ông Lê Quang Đạo, tôi chỉ biết anh là anh Nguyễn Đức Nguyện thôi”.
Thế rồi hai anh em cùng ôm lấy nhau, cười. Trong lúc uống nước, ông lại hỏi đùa Lê Quang Đạo: “Hồi ở trườngThăng Long, tại sao anh dám tuyên truyền cộng sản cho thầy giáo Cán?”. Ông Lê Quang Đạo trả lời ngay: “Tiếp xúc với thầy dăm ba tháng thì biết thầy là người như thế nào”.
Hồi đó, hai học sinh Dương Đình Hợi và Nguyễn Đức Nguyện đã nhiều lần đến nhà thầy Cán chơi, và sau vài lần nói chuyện thân tình, các anh đã giải thích cho thầy nghe thế nào là Chủ nghĩa Cộng sản và thế giới đại đồng.
“Trên chiến khu, đi đến đâu tôi cũng gặp rất nhiều học sinh cũ của trường Thăng Long: ở Bộ Quốc phòng, tại các Quân khu, trên những ngả đường lớn và cả trên những con đường mòn xuyên rừng…”, thầy giáo Phạm Trinh Cán thuật lại. (còn tiếp)
Ngày 19.6.1948, nhân kỷ niệm 1.000 ngày kháng chiến chống Pháp, để tỏ lòng biết ơn 6 vị liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Bảng vàng Danh dự truy phong chức đại tá cho 4 cán bộ Nam bộ, trong đó có 2 ông: liệt sĩ Thái Văn Lung – Ban Chỉ huy Trung đoàn 6 tỉnh Gia Định (hy sinh ngày 1.1946); liệt sĩ Nguyễn Hùng Phước – Khu phó Khu 9 (hy sinh ở Mặt trận Hậu Giang 9.1946).
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.