Khu trưởng tuổi 24
Tháng 10.1945, khi mới 24 tuổi, Hoàng Minh Thảo đã được giao làm Khu trưởng Chiến khu ba, thay tướng Nguyễn Bình vào Nam làm Tư lệnh Nam Bộ. Chiến khu ba lúc này bao gồm các tỉnh duyên hải và đồng bằng Bắc Bộ. Chàng thanh niên mới ngoài tuổi đôi mươi đã đứng trấn giữ cả một vùng duyên hải rộng lớn từ Hải Dương đến Móng Cái (thuộc tỉnh Hải Ninh lúc đó) nơi đối mặt trực tiếp với thực dân Pháp đổ bộ từ cửa biển Hải Phòng vào.
Đặc biệt, những trận đánh với quân đội nhà nghề của thực dân Pháp trên đường số 5 từ Hải Dương ngược lên Hưng Yên sau ngày Toàn quốc kháng chiến (19.12.1946) đã cho thấy bản lĩnh của một vị tướng cầm quân ở con người ông.Một câu hỏi được đặt ra, từ đâu mà Hoàng Minh Thảo có kiến thức quân sự khi tuổi đời còn trẻ đến vậy?
Năm 1941, Tổng bộ Việt Minh cử một đoàn cán bộ thanh niên đi học quân sự ở Liễu Châu (Trung Quốc). Trường này do chính quyền Tưởng Giới Thạch lập ra, để đào tạo sĩ quan chống phát xít Nhật. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khi đó, với tầm nhìn xa của mình, đã tiên đoán được sự phát triển của cách mạng cần một lực lượng quân đội hùng mạnh. Dựa vào chủ trương của chính quyền Tưởng Giới Thạch, để có những vị tướng giỏi chỉ huy quân đội sau này, Nguyễn Ái Quốc yêu cầu lựa chọn các nam thanh niên ưu tú sang học quân sự này. Học viên từ các nước Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện (nay là Myanmar)… đều được thu nhận. Đoàn học viên đến từ Việt Nam do Tổng bộ Việt Minh cử đi có Hoàng Văn Thái, Đàm Quang Trung, Vũ Lập, Nam Long… Trong số đó có học viên Tạ Thái An, sau này mang tên Hoàng Minh Thảo.
|
Mùa hè năm 1944, tốt nghiệp trường quân sự ở Liễu Châu (Trung Quốc), đại bộ phận đoàn học sinh quân sự Việt Minh, trong đó có Tạ Thái An, được chuyển về Nam Ninh để tiếp tục học một lớp bổ túc về quân sự do Mỹ huấn luyện. Để có được những thông tin kịp thời báo về các đồng chí trong nước, ông thường xuyên đi lại các vùng Nam Ninh, Liễu Châu... để nắm tình hình.Lúc này, tình hình Chiến tranh Thế giới lần thứ hai biến chuyển rất mau lẹ. Tổ chức yêu cầu các cán bộ quân sự phải về nước để tranh thủ thời cơ giành chính quyền. Hoàng Minh Thảo khẩn trương về Lạng Sơn.
Chỉ huy đội du kích Tràng Định
Ở Lạng Sơn, ông đã tham gia tổ chức đội du kích huyện Tràng Định. Sau này, năm 2008, cùng với Đại tá Đào Văn Trường và Thượng tướng Phùng Thế Tài, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo đã đại diện cho các đội quân du kích tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam lên nhận Huân chương Quân công hạng nhất do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao tặng. Đó là đội Cứu quốc quân Bắc Sơn do ông Chu Văn Tấn chỉ huy; đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân do ông Võ Nguyên Giáp chỉ huy; đội du kích Ba Tơ do ông Phạm Kiệt chỉ huy; đội Đệ tứ chiến khu do ông Nguyễn Bình chỉ huy…
Để tổ chức đội du kích huyện Tràng Định, Hoàng Minh Thảo và các đồng chí cốt cán tập hợp được chừng 20 người, vận động đồng bào đóng góp tiền của để sang Trung Quốc mua sắm vũ khí. Sau đó đội du kích Tràng Định được Cao Bằng tăng cường một tiểu đội và một khẩu trung liên.
Tháng 5.1945, đội du kích Tràng Định lập chiến công đầu tiên đánh chiếm đồn Pò Mã. Sau trận đánh đồn Pò Mã, đội chiêu tập thêm người, đi các địa phương xây dựng cơ sở. Bằng việc tổ chức đánh thổ phỉ bảo vệ cuộc sống nhân dân, uy tín đội quân cách mạng được dân chúng tin yêu.
Thời cơ đến, sáng ngày 22.8.1945, đội du kích Tràng Định vũ trang đầy đủ chia làm hai mũi tiến vào phủ đường Tràng Định. Lực lượng vũ trang cách mạng đã nhanh chóng làm chủ tình hình, nắm chính quyền. Lập chính quyền mới ở Tràng Định xong, Hoàng Minh Thảo cùng các đồng chí về thị xã Lạng Sơn tham gia khởi nghĩa nhưng chưa đến nơi thì thị xã cũng đã giành được chính quyền. Tỉnh trưởng Linh Quang Vọng đầu hàng, bàn giao ấn tín cho Việt Minh.
Từ Tư lệnh Chiến khu ba, Hoàng Minh Thảo được cử vào Chiến khu bốn thay tướng Nguyễn Sơn. Năm 1950, Đại tá Hoàng Minh Thảo được cử làm Đại đoàn trưởng Đại đoàn 304 - đơn vị bộ đội chủ lực chiến đấu vừa được thành lập. Cuộc đời binh nghiệp của Thượng tướng Hoàng Minh Thảo là một bản anh hùng ca gắn liền với những chiến công vang dội.
Năm 1975, ông là Tư lệnh mặt trận Tây Nguyên, đã giáng đòn điểm huyệt vào quân đội VNCH, mở đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975, tiếp nối là Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975). Chiến tranh kết thúc, ông tập trung trí tuệ viết nên nhiều tác phẩm tổng kết về lý luận quân sự, làm cẩm nang cho các thế hệ mai sau: Tìm hiểu một số vấn đề về nghệ thuật chỉ huy; Nghệ thuật tác chiến: mấy vấn đề lý luận và thực tiễn; Về cách dùng binh; Mấy vấn đề về nghệ thuật quân sự…
Thượng tướng, Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân Hoàng Minh Thảo (1921 - 2008) tên thật là Tạ Thái An, sinh tại huyện Tràng Định (Lạng Sơn) trong một gia đình tiểu thương: bố làm thợ may với một cửa hiệu nhỏ ở thị trấn Thất Khê. Còn quê nội của ông là xã Bảo Khê, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên.
Ông được phong Giáo sư ngành Khoa học quân sự và danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Năm 2005, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho cụm công trình về nghệ thuật quân sự Việt Nam.
|
Bình luận (0)