Những dấu hiệu cảnh báo cơ thể thiếu chất sắt, chớ xem thường!

06/09/2018 10:08 GMT+7

Xem ngay để phát hiện các dấu hiệu cho thấy cơ thể của bạn đang cần bổ sung sắt.

Sắt rất quan trọng để vận chuyển ô xy đi khắp cơ thể và giữ cho hệ miễn dịch khỏe mạnh cũng như giảm nguy cơ mắc bệnh tim và phổi.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thiếu sắt ảnh hưởng đến 8/10 người trên toàn thế giới. Ủy ban tư vấn khoa học của Chính phủ Anh về Dinh dưỡng cho hay phụ nữ trong độ tuổi 35-49, những cô gái tuổi từ 15-18, trẻ từ 1-2 tuổi và nam giới từ 65 tuổi trở lên có nguy cơ thiếu chất quan trọng này.
Sự gia tăng chế độ ăn chay và thuần chay có thể là một phần tác động đến tình trạng nói trên vì cơ thể hấp thu sắt trong thịt dễ dàng hơn, theo Daily Mail.
Các chuyên gia cũng cho rằng một lý do khác khiến thiếu sắt trở nên phổ biến - mặc dù việc điều trị tương đối dễ dàng - đó là các bác sĩ thường bỏ lỡ một số triệu chứng thường gặp.
Dưới đây là 9 dấu hiệu thiếu sắt dễ bị bỏ qua, được nhà dinh dưỡng hàng đầu Greg Weatherhead chia sẻ trên Healthista.
Luôn mệt mỏi
Đây là một trong những dấu hiệu phổ biến nhất của tình trạng thiếu sắt. Quá ít chất sắt làm mất đi các mô năng lượng, khiến bạn kiệt sức.
Hụt hơi
Biểu hiện này do cơ thể không thể vận chuyển đủ ô xy đến cơ bắp và mô một cách hiệu quả. Theo trang web của NHS, hụt hơi cùng với da nhợt nhạt, mệt mỏi và tim đập nhanh là những triệu chứng phổ biến nhất của thiếu sắt.
Làn da (hoặc lưỡi) nhợt nhạt
Nếu không có đủ chất sắt, cơ thể không thể tạo ra đủ lượng tế bào hồng cầu khiến da, móng tay, mí mắt… tái hơn bình thường. Nếu bạn vẫn không chắc chắn, hãy kiểm tra lưỡi.
Một nghiên cứu được công bố vào năm 2010 trên tạp chí PLOS phát hiện lưỡi là chỉ báo phổ biến nhất của thiếu máu do thiếu sắt, thậm chí phổ biến hơn so với sắc tái xanh trên mặt.
Hội chứng chân không yên
Hội chứng chân không yên (Restless Legs Syndrome - RLS) thường tệ hơn vào buổi tối và ban đêm. Nó gây ra cảm giác buồn khó chịu ở bàn chân, bắp chân và đùi, đôi khi, cánh tay cũng bị ảnh hưởng.
Các nghiên cứu đã xác nhận rằng người RLS thường gặp khó khăn trong hấp thụ sắt từ ăn uống. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2009 trên tạp chí Sleep Medicine cho thấy những người RLS uống sắt trong 12 tuần, triệu chứng được cải thiện đáng kể.
Đau đầu và chóng mặt
Greg Weatherhead giải thích, thiếu hemoglobin trong máu do thiếu sắt làm cho oxy đến não không đủ, dẫn đến mạch máu sưng lên và tạo ra áp lực, gây ra đau đầu.
Nghiên cứu năm 2010 của Bệnh viện Đại học Zagreb (Croatia) phát hiện ra đau đầu kinh nguyệt và đau nửa đầu là triệu chứng phổ biến ở những phụ nữ bị thiếu sắt.
Ngoài ra, mức độ sắt thấp còn tác động đến sức khỏe tâm thần. Greg Weatherhead khẳng định: "Sự lo lắng, các cơn hoảng loạn, thay đổi tâm trạng, trầm cảm và thiếu tập trung tất cả có thể là triệu chứng của thiếu hụt sắt".
Móng giòn
"Mức độ sắt thấp có thể khiến móng tay giòn hơn. Điều này thường đi kèm với các triệu chứng khác như mệt mỏi và da nhợt nhạt. Thiếu máu do thiếu sắt nghiêm trọng còn tác động khiến móng lõm và tràn khỏi ngón tay như một cái muỗng", Weatherhead nói.
Tim đập nhanh
Trong trường hợp thiếu sắt, tim phải làm việc chăm chỉ hơn để vận chuyển ô xy.
"Điều này có thể dẫn đến nhịp tim không đều hoặc nhịp tim nhanh và thậm chí tiếng thổi của tim (heart murmurs - gây ra do máu lưu thông hỗn loạn khi van tim bị hư hại, khuyết tật, thu hẹp… Đây là tiếng động thêm hoặc bất thường khi tim co bóp, có thể rất nhỏ hoặc ồn to), hoặc trong trường hợp hiếm là suy tim", Greg Weatherhead cho biết.
Sưng và đau nhức trong miệng
Weatherhead cảnh báo "lưỡi lở, sưng hoặc láng không bình thường”, “khóe miệng nứt, loét hay viêm lưỡi” đều là dấu hiệu thiếu sắt.
Tóc và da khô
Khi da và tóc nhận được ít oxy từ máu do thiếu sắt, chúng trở nên khô và hư hại, nghiêm trọng hơn, có thể gây rụng tóc.
Chúng ta cần bao nhiêu sắt mỗi ngày?
Hiệp hội Dinh dưỡng Anh (RDA) khuyến cáo chế độ ăn uống dành cho phụ nữ từ 19-50 tuổi là cần 18mg sắt/ngày. Weatherhead quy đổi lượng sắt này để chúng ta dễ hình dung: "tương đương hơn 1,6 kg gà tây, 24 quả trứng hoặc 1,2 kg cải xoăn mỗi ngày".
Đối với phụ nữ mang thai, nhu cầu sắt tăng lên 27 mg. Nhưng "đối với nam giới từ 19-50 tuổi, thì chỉ cần 8 mg/ngày, tức gần 800g gà tây, khoảng 11 quả trứng hoặc hơn 530g cải xoăn mỗi ngày", ông nói.
Khi thấy cơ thể có một vài dấu hiệu kể trên, hãy đi kiểm tra nồng độ sắt thông qua xét nghiệm máu đơn giản để điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.