Những điều cần tránh để ngăn ngừa tái phát viêm họng

Ngọc Quý
Ngọc Quý
15/03/2023 10:04 GMT+7

Viêm họng do liên cầu khuẩn là một trong những loại viêm họng phổ biến nhất. Bệnh đặc trưng với triệu chứng đau họng, khó nuốt. Viêm họng liên cầu khuẩn thường xuất hiện ở trẻ từ 5 đến 15 tuổi. Dù vậy, ai cũng có thể dễ dàng mắc bệnh, thậm chí tái phát nhiều lần.

Viêm họng liên cầu khuẩn do vi khuẩn Streptococcus nhóm A gây ra. Triệu chứng đặc trưng của viêm họng liên cầu khuẩn là đau họng. Tuy nhiên, một số bệnh khác cũng có thể gây triệu chứng tương tự, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

Viêm họng liên cầu khuẩn có thể tái phát và gây đau họng

Viêm họng liên cầu khuẩn có thể tái phát và gây đau họng

MINH HỌA: SHUTTERSTOCK

Viêm họng do virus, chẳng hạn như cúm, cũng có thể gây ra các triệu chứng tương tự viêm họng liên cầu khuẩn. Các triệu chứng giống nhau giữa 2 bệnh này là đau họng, sốt và nhức đầu. Tuy nhiên, viêm họng liên cầu khuẩn lại không gây sổ mũi, nghẹt mũi và ho như cúm.

Một căn bệnh khác dễ bị nhầm lẫn với viêm họng liên cầu khuẩn là viêm amidan. Nguyên nhân gây viêm amidan có thể do vi khuẩn hay virus. Nếu viêm amidan chỉ gây đau họng, khó nuốt thì viêm họng liên cầu khuẩn kèm theo sốt, nhức đầu, đôi khi là nôn mửa, đau nhức cơ thể.

Viêm họng liên cầu khuẩn tuy không nguy hiểm nhưng có thể dẫn đến biến chứng nếu không điều trị kịp thời. Các biến chứng có thể nghiêm trọng, chẳng hạn như sốt thấp khớp, đau khớp, nhiễm trùng thận hoặc da.

Sau khi điều trị viêm họng liên cầu khuẩn, vi khuẩn Streptococcus nhóm A vẫn có thể tiếp tục tồn tại bên trong cơ thể. Nguyên nhân có thể là do vi khuẩn kháng thuốc, tiếp xúc gần với người đang nhiễm bệnh hoặc hệ miễn dịch suy yếu. Điều này làm tăng nguy cơ tái phát bệnh.

Ngăn ngừa viêm họng liên cầu khuẩn tái phát

Có những trường hợp người bệnh mang vi khuẩn trong cổ họng nhưng không xuất hiện triệu chứng. May mắn là một số cách có thể giúp ngăn ngừa viêm họng liên cầu khuẩn tái phát.

Trước tiên, người bệnh cần uống đủ liều kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ. Ngay cả khi đã cảm thấy khỏe chỉ sau vài liều thuốc thì cũng phải uống hết các liều bác sĩ đã kê.

Ngoài ra, mọi người cần tránh tiếp xúc với người nhiễm bệnh. Thực hành vệ sinh tốt bằng cách rửa tay thường xuyên, che miệng khi ho, hắt hơi.

Tăng cường hệ thống miễn dịch cũng rất quan trọng vì có thể giúp ngăn ngừa viêm họng liên cầu khuẩn tái phát. Để hiện miễn dịch khỏe mạnh, mọi người cần ngủ đủ giấc, ăn uống lành mạnh, tránh hút thuốc và hạn chế rượu bia, theo Healthline.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.