Những điều kiêng cữ, không nên làm ngày Tết của người Việt theo tập tục xưa để may mắn

12/02/2021 12:02 GMT+7

Dù tin hay không tin nhưng nhiều người Việt vẫn giữ nếp kiêng cữ ngày Tết như: kiêng quét nhà, kiêng cho lửa, kiêng làm vỡ đồ... vì cho rằng 'đầu xuôi đuôi lọt' hoặc 'có kiêng có lành'. Vậy người Việt còn kiêng cữ những gì?

Theo một chuyên gia nghiên cứu tôn giáo thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM, dù biết rằng những điều được truyền miệng về tập tục kiêng cữ ngày Tết có những điều phi lý nhưng nhiều gia đình Việt đến nay vẫn thực hiện theo vì người Việt vốn quan niệm "đầu xuôi đuôi lọt" và "có thờ có thiêng, có kiêng có lành". 
Những tập tục ấy chủ yếu được truyền miệng phổ biến trong dân gian và vì được gọi là tập tục nên giá trị chân lý của những điều này gần như không thể kiểm định được. Tết Nguyên Đán là tiết lễ đầu tiên của năm mới, vì vậy người ta tin rằng nếu đầu năm làm những điều tốt đẹp thì cả năm sẽ gặp may mắn, suôn sẻ, thuận lợi.
Những tập tục này cũng không biết có từ bao giờ nhưng nhiều thế hệ vẫn giữ gìn và duy trì. Dưới đây là những điều kiêng cữ của người Việt được truyền tai nhau:
- Kiêng quét nhà, đổ rác trong ngày Tết: Người Việt cho rằng, đầu năm mà quét nhà thì mọi điều may mắn, tài lộc sẽ theo rác đi mất. Chính vì vậy, ngay trong chiều 30 Tết, nhiều gia đình tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, tổng vệ sinh cho sạch sẽ để đón năm mới tươm tất, sạch sẽ. 
Trong 3 ngày Tết, nếu phải quét dọn nhà thì những gia đình Việt thường quét dồn vào một góc nhà, khi nào đốt vàng, cúng hết Tết thì mới dọn phần rác này đi đổ. 
Ngày nay, một số gia đình ở Nam bộ sau khi quét dọn nhà ngày 30 Tết, người ta sẽ cất hết chổi để tránh việc quét nhà hoặc tránh mất chổi vì một số quan niệm cho rằng đầu năm mất chổi thì năm đó gia đình sẽ bị mất của cải. 
- Kỵ tang ma: Ngày Tết, người nào đang chịu tang thường kỵ đi chúc Tết gia đình người khác. Người ta cho rằng người đang có tang đi chúc Tết gia đình khác sẽ ảnh hưởng đến niềm vui chung ngày Tết, do vậy, gia đình có tang chỉ ở nhà đón khách đến chúc Tết.
Vì lẽ đó mà những người mất vào ngày giáp Tết, các gia đình thường cố gắng lo hậu sự cho xong trong năm cũ, tránh kéo dài qua ngày đầu năm. Tuy nhiên, một số trường hợp vẫn phải để sang năm mới vì chưa chọn được ngày lo hậu sự phù hợp. Một số gia đình có người thân mất vào ngày mồng 1 Tết cũng chưa vội phát tang mà chờ đến mồng 2.
- Kiêng cho vay mượn tiền bạc đầu năm: Người ta quan niệm rằng ngày đầu năm mà cho mượn tiền hay trả nợ giống như dâng tài lộc của cả năm vào tay người khác, khiến gia đình năm đó rơi vào cảnh túng thiếu, nợ nần nên rất kiêng cữ chuyện vay mượn tiền bạc, của cải đầu năm.

Ngày Tết là ngày mở đầu của cả năm nên người dân mong muốn mọi chuyện đều suôn sẻ, may mắn

Ảnh: Phạm Hữu

- Kiêng làm vỡ đồ đạc: Chén bát, ly tách mà bị bể, sứt mẻ ngày đầu năm được xem là điềm xui vì cả gia đình có thể bị rạn nứt, bất hòa trong năm mới. Chuyện ly chén bể luôn là những điều không hay ở mọi thời điểm.
- Kiêng nói to, cãi nhau: Ngày Tết là ngày vui vẻ, cả gia đình sum họp, quây quần bên nhau nên các gia đình thường duy trì không khí đầm ấm, hạnh phúc. Các gia đình quan điểm, dù có như thế nào thì mấy ngày Tết cũng phải vui vẻ, hồ hởi và thân mật với người xung quanh để tạo bầu không khí vui tươi của ngày xuân.
- Kiêng ăn thịt chó, vịt, chuối, trứng vịt lộn: Tập tục người Việt quan niệm những món ăn này gắn liền với những điều không may nên không chỉ kiêng cữ ngày Tết mà ngay cả những ngày đầu tháng âm lịch người ta cũng kiêng ăn. 
Riêng "chuối" thì do cách phát âm của người miền Nam mà chuối đọc thành "chúi" mang ý "chúi rủi" - làm mọi việc thất bại, đi xuống hoặc còn hiểu là trượt vỏ chuối nên người ta kiêng cữ. 
Còn trứng vịt lộn người miền Bắc kiêng ăn đầu tháng nhưng với người miền Nam thì trứng vịt lộn lại là món ăn giải xui phổ biến. 
- Kiêng mặc quần áo màu trắng hoặc đen: Dân gian cho rằng màu trắng, màu đen là màu của tang ma nên tránh mặc màu này vào ngày Tết. Ngày Tết là phải tươi vui nên người Việt xưa hay chọn mặc đồ màu đỏ, màu xanh, hồng. Tuy nhiên, ngày này tập tục này đang dần mai một vì cuộc sống hướng tới nhiều điều đơn giản hơn, màu trắng và màu đen cũng là hai màu quần áo được ưa chuộng vì không kén người mặc. Mặt khác, người ta cho rằng mặc quần áo mà bản thân thấy phù hợp là đã giúp chính mình tự tin và phấn chấn hơn trong những ngày đầu xuân.
Ngoài ra, người Việt còn truyền tai nhau rất nhiều điều kiêng cữ ngày Tết như: kiêng xuất hành vào ngày mồng 5, kiêng từ chối ăn uống khi đi chúc Tết, những đứa trẻ đi chơi thường phải về trước giao thừa, kiêng khóc lóc nên ngày Tết người lớn thường chiều những đứa trẻ nhõng nhẽo để không nghe tiếng khóc,...
Ngoài những điều kiêng cữ ngày Tết, người Việt còn nhiều tập tục khác trong dịp Tết Nguyên Đán như chưng mâm ngũ quả, chưng hoa ngày Tết, tục gói bánh chưng, bánh tét, tục dựng cây nêu,...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.