Vì sao người Việt dựng cây nêu ngày Tết, mua cây mía đêm giao thừa?

11/02/2021 12:22 GMT+7

Theo phong tục của người Việt , một số nơi vẫn dựng cây nêu ngày Tết, mua cây mía đêm giao thừa về đợi hết Tết thì róc ra cùng nhau ăn. Nguồn gốc của những phong tục này từ đâu, vì sao vẫn được lưu truyền?

Tập tục dựng cây nêu ngày Tết dù không còn phổ biến như xưa, nhưng tại các làng quê khu vực Bắc Trung bộ và Bắc bộ, tập tục này vẫn được duy trì cho đến ngày hôm nay. Đi dọc đường quốc lộ hay vào sâu trong làng, nhà nào cũng dựng một cây nêu cao, nhiều nhà còn lắp thêm đèn nháy để cây nêu nổi bật trong đêm tối.
Đêm giao thừa ở các tỉnh Nam Trung bộ và Nam bộ, người dân cũng thường mua cây mía về để trong nhà ngay trong đêm giao thừa. Những tập tục này có xuất xứ từ đâu?
TS Trần Long - Trưởng bộ môn Văn hóa Việt Nam, khoa Văn hóa học, trường ĐH KHXH&NV TP.HCM cho biết, nhiều tập tục ngày Tết có từ lâu đời nhưng vẫn được duy trì đến ngày nay vì một phần ăn sâu vào nếp sống, một phần người dân thực hiện vì có gửi gắm mong muốn của mình ở trong đó.

Tục dựng nêu ngày Tết (trồng nêu ngày Tết) vẫn còn được duy trì ở một số tỉnh, thành

Anh: Minh Văn

Theo TS Trần Long, câu chuyện lý giải về tục dựng cây nêu ngày Tết được dân gian lưu truyền là, ngày xưa con người và quỷ cùng chung sống trên phần đất liền, nhưng không rõ vì sao con người bị quỷ thống trị. Thấy con người trồng cây gì thì quỷ lại đặt ra quy tắc để trấn lột cho bằng hết. 
Ví dụ con người trồng lúa thì quỷ bảo để con người ăn rễ, thân, còn nó chỉ ăn bông hạt. Khi lúa chín, quỷ lấy hết phần hạt lúa, để con người chỉ còn mỗi xác rạ. Khi con người chuyển sang trồng khoai thì quỷ đòi ăn củ. Con người chuyển sang trồng bắp thì quỷ đòi ăn trái, không ăn đọt, không ăn thân. 
Một số sách vở khác thì lại viết rằng ban đầu, quỷ thấy người trồng lúa nên đặt ra thể lệ "ăn ngọn cho gốc", con người đến vụ thu hoạch chỉ còn gốc rạ nên khóc lóc kêu than. Phật từ phương Tây lại gợi ý người trồng khoai lang thay lúa. Đến vụ, quỷ hậm hực nhìn thấy những gánh khoai lang con người thu hoạch nên ra thể lệ mới là "ăn gốc cho ngọn".
Thấy vậy, con người chuyển lại trồng lúa. Quỷ không thu được lúa mà chỉ thu mấy gốc rạ. Quỷ bực tức đặt ra thể lệ mới "ăn cả gốc lẫn ngọn". Con người chuyển sang trồng bắp, sung sướng thu hoạch còn quỷ tiếp tục uất ức nên quỷ đòi lại đất, không cho con người làm lụng nữa.
Lúc này, Phật đứng ra thương lượng với quỷ cho con người xin một mảnh đất nhỏ vừa bằng bóng chiếc áo cà sa. Nghĩa là con người sẽ trồng một cây tre có mắc một chiếc áo cà sa trên ngọn, bóng cà sa che bao nhiêu diện tích ở mặt đất thì là đất của người sở hữu ở đó.
Quỷ nghĩ bụng tưởng hời vì "bóng một chiếc áo cà sa" có là bao, nhưng không ngờ, khi con người trồng xong cây tre, Phật đứng trên ngọn tung áo cà sa bay tỏa ra thành một mảnh vải tròn. Cây tre cứ cao mãi lên, bóng của áo cà sa dần che kín cả mặt đất.
Quỷ không có đất ở nữa, phải chạy ra biển Đông. Quỷ nào chịu yên, sau nhiều trận quyết chiến giành lại đất không thành nên rập sát đầu cầu Phật thương tình một năm được hai ba ngày vào đất liền thăm phần mộ của tổ tiên cha ông. Phật thương tình đồng ý.
Từ đó, cứ đến ngày Tết Nguyên Đán hằng năm là quỷ lại vào thăm đất liền, con người thấy vậy thì trồng cây nêu ngày Tết để quỷ không dám bén mảng vào chỗ người đang ở. Trên cây nêu thường có khánh đất, mỗi khi gió rung thì có tiếng động phát ra như tiếng nhắc nhở quỷ biết mà tránh. Cũng có nơi ở trên buộc một bó lá dứa hoặc cành đa mỏ hái.
Nhiều gia đình ở Bắc Trung bộ hiện nay vẫn còn giữ tục vẽ hình cung tên hướng mũi nhọn về phía đông và rắc vôi bột xuống đất vào những ngày Tết để cấm cửa quỷ, nhà nào không trồng nêu thì treo một bó lá dứa ở cổng.
Ca dao Việt Nam cũng có câu:
"Cành đa lá dứa treo cao
Vôi bột rắc ngõ chớ trêu mọi nhà
Quỷ vào thì quỷ lại ra
Cành đa lá dứa thì ta cứa mồm".

Thông thường, mồng 7 tháng Giêng sẽ hạ nêu

Ảnh: Trương Điện Thắng

Theo TS Trần Long, ngày nay sau 23 tháng Chạp đưa ông Táo về trời kéo dài đến 30 Tết các gia đình bắt đầu dựng nêu, cho đến ngày mồng 7 tháng Giêng, mồng 10 hoặc thậm chí để đến Rằm tháng Giêng thì hạ nêu.
Cây nêu của người Việt thường là cây tre, cao hơn nóc nhà, từ gốc đến ngon phải róc cành cho trơn tru. Trên ngọn nêu, một số nhà còn để một cái giỏ có trầu cau, vàng mã, quanh giỏ có lá dứa, đèn xếp, giấy tua màu đỏ, màu vàng. TS Trần Long cho rằng một số gia đình treo trên ngọn cây nêu chiếc đèn màu đỏ để cầu mong năm mới may mắn, sáng suốt.  
Ở miền trong, các tỉnh Nam Trung và Nam bộ, một số gia đình còn mua mía đêm giao thừa. Người ta thường chọn cây mía to, nhiều nước về để trong nhà, trưng vài ngày Tết rồi róc nha cả nhà cùng nhau ăn.
Theo chuyên gia văn hóa học, tục mua cây mía đêm giao thừa về để bên bàn thờ tổ tiên ít nhiều gắn bó với văn hóa nông nghiệp. Người Nam bộ thường cúng sản vật gắn với họ trong thời kỳ vào mở đất phương nam. Và cây mía gắn liền với đời sống của người dân trong những ngày đầu khai hoang, giúp họ đỡ khát. 
Hiểu theo một nghĩa khác, người Nam bộ cúng mía cũng được xem là cầu mong năm mới cuộc sống ngọt ngào như vị ngọt của mía. Mía còn thể hiện sự vươn lên mạnh mẽ, sự rắn chắc nên còn được gửi gắm ước nguyện vươn cao đến sự thành công và mong cầu sức khỏe.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.