Những dòng kênh chết

Đình Sơn
Đình Sơn
19/03/2022 06:34 GMT+7

Theo thống kê, TP.HCM hiện có khoảng 2.000 km kênh, rạch, trong đó nhiều tuyến kênh, rạch chảy qua nội đô đang bị ô nhiễm bởi rác thải , lục bình, cỏ dại gây hạn chế dòng chảy, gây ô nhiễm khu vực nội thành và tăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh.

Hôi thối gây bệnh

Ghi nhận cho thấy gần như toàn bộ hệ thống kênh rạch chảy qua nội đô TP.HCM như ở các quận Bình Tân, Tân Phú, Bình Thạnh, Q.12... nước chuyển màu đen kịt, tràn ngập các loại rác thải. Rạch Xuyên Tâm (Q.Bình Thạnh) dài 6,2 km được xem là nơi ô nhiễm nhất của TP. Trước đây, con rạch này nằm trong dự án trọng điểm được UBND TP.HCM phê duyệt từ năm 2002. Đến nay, dự án đã đội vốn lên đến gần 9.000 tỉ đồng nhưng vẫn giậm chân tại chỗ. Những người dân sống dọc rạch Xuyên Tâm đã chịu cảnh ô nhiễm hôi thối từ rất lâu. Trời nắng còn đỡ, trời mưa nước bẩn và rác thải tràn cả lên đường, trôi vào nhà.

Để cải tạo kênh rạch, TP.HCM không chỉ cần khơi thông nguồn vốn, mà còn phải khơi thông cả những vướng mắc trong sự phối hợp thiếu đồng bộ của các sở, ngành, UBND các quận huyện

KTS Ngô Viết Nam Sơn

Vừa qua khỏi cầu Sài Gòn hướng từ khu vực trung tâm TP.HCM tới TP.Thủ Đức, chạy song song giữa xa lộ Hà Nội và đường Song Hành, một đoạn kênh rạch dài khoảng hơn 1 km bị ô nhiễm, đầy rác thải và bùn đất, gây nhức nhối, bức xúc cho người dân. Nhiều đoạn đã bị đất bồi lấp gần hết, trở thành nơi tập kết rác, cỏ cây mọc um tùm. Chị Thanh, một người dân sống trên đường xa lộ Hà Nội, đối diện với dòng kênh, bức xúc cho biết mỗi khi nước rút đi, để lại trơ trọi dòng kênh với bùn đất đen ngòm và bốc mùi hôi thối không chịu nổi. “Con rạch nằm ngay cửa ngõ TP.Thủ Đức cũng như TP.HCM, là nơi có các khu đô thị, khu dân cư rất cao cấp, hạ tầng được đầu tư khá bài bản, đồng bộ nhưng vẫn còn tồn tại sự ô nhiễm, hôi thối nhiều năm nay. Chỉ một đoạn kênh rất ngắn, TP có thể nạo vét, làm lại cảnh quan để dòng kênh được sâu hơn, nước ra vào được trong và sạch hơn thay vì để bùn đất lấp đầy cả dòng kênh, gây ô nhiễm môi trường và làm xấu bộ mặt đô thị”, chị Thanh nói.

Chảy từ Q.Tân Phú qua Q.6, rạch Bàu Trâu dài khoảng 3 km hàng chục năm nay gây ô nhiễm, ngập nặng vì không được duy tu. Rác ứ đọng khiến rạch bị thu hẹp, chặn dòng thoát khiến nước không thể lưu thông... Từ đó, các loại rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng, hộp xốp, xác động vật... nổi lềnh bềnh, bủa vây những ngôi nhà lụp xụp, tạm bợ hai bên bờ. Điều đáng nói, con rạch này lại len lỏi giữa khu dân cư đông đúc nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hằng ngày của người dân. Những người dân sinh sống bên con rạch này cho biết từ sau năm 1975 đến nay, họ phải sống chung với tình trạng ô nhiễm nặng nề như thế. Cứ trời nắng lên, rác thải, xác chết động vật lại bốc mùi hôi thối. Những nhà sống ngay sát lòng con rạch phải bít cả cửa sổ để hạn chế mùi. Nhiều gia đình có con nhỏ thường xuyên bị bệnh ho, sổ mũi.

Theo Trung tâm chống ngập nước TP.HCM (trung tâm), năm 2008 UBND TP giao trung tâm làm chủ đầu tư nạo vét, cải tạo rạch Bàu Trâu đoạn từ kênh Tân Hóa đến kênh Hiệp Tân. Đến năm 2012, trung tâm có tờ trình thẩm định thiết kế cơ sở dự án và đã được Sở GTVT thông qua hồ sơ, trong đó nạo vét cải tạo rạch Bàu Trâu với chiều dài 1.517 m, bề rộng rạch từ 6 - 8 m, xây dựng bờ kè đứng toàn tuyến, xây dựng đường cảnh quan dọc bờ kênh với quy mô chiều rộng 13 m, lắp đặt cống tròn thu gom nước thải sinh hoạt nhà dân... với tổng mức đầu tư hơn 1.282 tỉ đồng. Thế nhưng đến nay công tác cải tạo rạch chưa được triển khai do vốn ngân sách TP còn hạn hẹp.

Con kênh chạy song song giữa xa lộ Hà Nội và đường Song Hành luôn trong tình trạng ô nhiễm

ĐÌNH SƠN

“Chết” vì đói vốn

Trong một kiến nghị gửi UBND TP.HCM và Sở KH-ĐT TP, Sở Xây dựng cho biết hiện trên địa bàn TP có 25 dự án cải tạo, chỉnh trang kênh rạch, trong đó có nhiều dự án trọng điểm, thuộc nhóm ưu tiên như cải tạo kênh Hy Vọng, rạch Xuyên Tâm, rạch Văn Thánh… vẫn chưa cân đối được nguồn vốn. Trong đó nhóm ưu tiên số 1 gồm 3 dự án đã triển khai các bước chuẩn bị đầu tư như dự án nạo vét, cải tạo, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm có mức vốn khoảng 9.350 tỉ đồng. Hai dự án tiếp theo là cải tạo kênh Hy Vọng (Q.Tân Bình) với mức vốn khoảng 1.980 tỉ đồng; và nạo vét, cải tạo rạch Văn Thánh (Q.Bình Thạnh) với mức vốn khoảng 1.200 tỉ đồng. Nhóm dự án ưu tiên số 2 gồm 14 dự án di dời nhà trên và ven kênh đã triển khai xong các bước chuẩn bị đầu tư, như: cải tạo kênh Hàng Bàng (Q.6) giai đoạn 3, cải tạo rạch nhánh cầu Sơn (Q.Bình Thạnh), cải tạo mương Nhật Bản và kênh A41 (Q.Tân Bình), cải tạo rạch Bà Tiếng, lắp đặt cống hộp kênh Liên Xã (Q.Bình Tân)... Ngoài ra, còn 8 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư công, đã được giao kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư hoặc đã có quyết định phê duyệt dự án đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên do thời gian thực hiện dự án kéo dài hoặc điều chỉnh làm thay đổi tổng mức đầu tư nên phải lập lại thủ tục trình phê duyệt chủ trương đầu tư công. Nhóm dự án này gồm: cải tạo kênh Hàng Bàng giai đoạn 2 đoạn từ Ngô Nhân Tịnh đến kênh Vạn Tượng (Q.5); dự án thoát nước rạch Bàu Trâu (Q.6 và Q.Tân Phú); bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư cải tạo rạch Nhảy - rạch Ruột Ngựa (Q.8)... Sở Xây dựng đề xuất ưu tiên đưa 25 dự án trên vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 nhằm đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu theo kế hoạch trên. Dù tất cả các dự án trên thuộc diện ưu tiên, cấp bách nhưng không thể triển khai do thiếu vốn.

Trước mắt phải khơi thông lại kênh, rạch

GS-TS Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng chính công tác xử lý nước thải chưa triệt để cũng trực tiếp khiến tình trạng ô nhiễm kênh rạch ở TP.HCM trở nên phức tạp. Đồng thời vẫn còn khá nhiều bất cập chưa được xử lý triệt để như tình trạng lấn chiếm, xả rác xuống kênh rạch. Do vậy, để các dòng kênh “chết” được hồi sinh, cần kiên quyết hơn trong việc xử phạt các cá nhân xả thải gây ô nhiễm, lấn chiếm kênh rạch. Nếu không mạnh tay thì hệ thống kênh rạch, thoát nước của TP.HCM sẽ còn bị ảnh hưởng cho dù đã được cải tạo lại.

Hiện nay TP.HCM đang kêu gọi triển khai dự án cải tạo nạo vét rạch Bàu Trâu theo hình thức xã hội hóa và kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP nhằm giảm áp lực cho ngân sách TP bằng hình thức đấu thầu công khai lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

Trong khi đó, KTS Ngô Viết Nam Sơn thì cho rằng để cải tạo hay làm sống lại những dòng kênh “chết” là một việc làm đòi hỏi sự quyết tâm, kiên nhẫn và tinh thần hợp tác của các bên có liên quan, mà trước mắt phải khơi thông lại, nạo vét và dọn rác tại các dòng kênh, rạch này. Với những con kênh đã lỡ làm cống hộp thì cần xem xét trả lại hiện trạng hay không, vì kênh hở vẫn tốt hơn kênh ngầm. Ngoài ra cũng cần kết nối lại những hạ tầng thoát nước, đặc biệt là thoát nước mưa. Khi các dòng kênh tự lưu thông được thì nó sẽ tự làm sạch và chất lượng môi trường sẽ được gia tăng.

Để cải tạo kênh rạch, TP.HCM không chỉ cần khơi thông nguồn vốn, mà còn phải khơi thông cả những vướng mắc trong sự phối hợp thiếu đồng bộ của các sở, ngành, UBND các quận huyện để xác định rõ ranh thực hiện dự án. Một trong những nguồn lực để tiến hành dự án cải tạo, chỉnh trang kênh, rạch là giải pháp xã hội hóa, khai thác quỹ đất ven kênh, rạch. Trong lúc ngân sách chưa thể bố trí cần phải nạo vét, khơi thông lại để bản thân nó tự “thanh lọc”, tự làm sạch lại, bảo đảm sức khỏe cho người dân cũng như cảnh quan cho TP.HCM.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.