Ô nhiễm trầm trọng
Việc chậm đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, H.Phú Ninh, Quảng Nam), khiến nạn khai thác vàng trái phép tại khu vực này vẫn diễn ra rầm rộ, gây nhiều hệ lụy. Đáng chú ý, việc khai thác vàng trái phép rồi xả hóa chất trực tiếp ra sông Tam Lãnh, chảy về sông Quế Phương và sông Tiên, ảnh hưởng đến đời sống của hàng ngàn hộ dân ở xã Tam Lãnh (H.Phú Ninh) và các xã Tiên Lập, Tiên Lộc, Tiên Thọ, Tiên Châu… (H.Tiên Phước). Nguồn nước sông Quế Phương và sông Tiên bị ô nhiễm nghiêm trọng từ hệ lụy khai thác vàng trái phép tại xã Tam Lãnh từng “làm nóng” kỳ họp thứ 8, HĐND H.Tiên Phước và các buổi tiếp xúc cử tri.
Nguồn nước sông Quế Phương giáp với xã Tam Lãnh ô nhiễm nặng do tình trạng khai thác vàng trái phép |
MẠNH CƯỜNG |
Anh Nguyễn Minh Luân (35 tuổi, ở xã Tiên Lộc) bức xúc cho biết những năm gần đây tình trạng khai thác vàng trái phép tại xã Tam Lãnh đã khiến sông Quế Phương và sông Tiên bị ô nhiễm nặng nề vì xyanua và thủy ngân. Hầu như cá trên hai con sông này không còn, nhiều trâu bò chết cũng do uống nước sông ô nhiễm. “Sông Tiên là nguồn nước duy nhất cung cấp cho Nhà máy nước Tiên Kỳ với công suất 15.000 m3/ngày đêm, cung cấp nước cho hàng ngàn hộ dân ở TT.Tiên Kỳ và 3 xã. Việc sông Tiên bị ô nhiễm thế này khiến người dân rất bất an, lo lắng. Đặc biệt, do chất độc trực tiếp thải ra môi trường khiến nguồn nước ngầm bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, anh Luân nói.
Ông Nguyễn Văn Bảy (60 tuổi, ở xã Tiên Lập) cho biết sông Quế Phương và sông Tiên phục vụ nước sinh hoạt và sản xuất, nhưng hiện nay mức độ ô nhiễm quá nặng, nguồn nước ở hai con sông này luôn trong tình trạng có màu vàng đục, đe dọa rất lớn đến sức khỏe người dân. “Nguyên nhân không đâu khác mà chính tình trạng khai thác vàng trái phép trên địa bàn xã Tam Lãnh là tác nhân trực tiếp gây ô nhiễm các con sông này. Hiện nay tình trạng khai thác vàng trái phép vẫn diễn ra nhưng chưa được xử lý dứt điểm”, ông Bảy nói.
Người dân rất hoang mang
Theo UBND H.Tiên Phước, nguyên nhân nguồn nước ô nhiễm xuất phát từ hoạt động khai thác vàng tại xã Tam Lãnh với quy mô lớn, thực hiện bằng cách xay đất đá và hóa chất, sau đó xả trực tiếp ra sông Tam Lãnh rồi chảy về sông Quế Phương và sông Tiên làm nguồn nước có màu vàng đục, ảnh hưởng nghiêm trọng nguồn nước sinh hoạt, sản xuất của người dân H.Tiên Phước. Đặc biệt, nguồn nước cung cấp cho Nhà máy nước Tiên Kỳ bị ô nhiễm, người dân rất hoang mang, không dám sử dụng nước của nhà máy. Tình trạng bức xúc, lo lắng của người dân diễn ra thường xuyên trong nhiều năm qua. UBND H.Tiên Phước đã đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các sở, ngành liên quan của tỉnh và H.Phú Ninh kiểm tra, xử lý dứt điểm hoạt động khai thác, chế biến vàng trái phép trên địa bàn xã Tam Lãnh.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trầm Quế Hương, Chủ tịch UBND H.Tiên Phước, cho hay vấn đề ô nhiễm nguồn nước từ sông Quế Phương và sông Tiên do việc khai thác vàng trái phép đã được người dân phản ánh qua nhiều kênh như họp HĐND, tiếp xúc cử tri. Để xử lý triệt để việc nguồn nước từ các sông bị ô nhiễm, huyện cũng đã chỉ đạo Phòng TN-MT đi khảo sát, điều tra xem tại khu vực giáp ranh với xã Tam Lãnh có tình trạng khai thác vàng trái phép hay không, nhưng chưa phát hiện ra.
“Việc người dân lén lút làm vàng trái phép ở Tam Lãnh khiến mỗi lần mưa xuống là nước sông Quế Phương và sông Tiên lại có màu vàng đục. Để đảm bảo an toàn, huyện cũng đã chỉ đạo Phòng TN-MT lấy mẫu nước sông Tiên đoạn chảy qua TT.Tiên Kỳ kiểm tra mức độ ô nhiễm, kết quả vẫn nằm ở ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, tâm lý người dân vẫn lo lắng khi dùng nước tại Nhà máy nước Tiên Kỳ”, ông Hương nói.
Phê duyệt chủ trương đóng cửa mỏ vàng Bồng Miêu
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh vừa ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đóng cửa mỏ khoáng sản quặng vàng tại mỏ Bồng Miêu ở xã Tam Lãnh. Mục tiêu của việc đầu tư đóng cửa mỏ với diện tích 368 ha là để phục hồi các khu vực đã khai thác, các bãi thải, đập thải và công trình phụ trợ khai thác, tuyển và luyện quặng vàng về trạng thái an toàn; cải tạo, phục hồi môi trường sau khi kết thúc khai thác, góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản. Kinh phí để đóng cửa mỏ gần 19,5 tỉ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022 - 2024.
Ông Thanh yêu cầu bịt kín và xây tường chắn cửa lò chính, đánh sập các cửa lò khai thác trái phép; tháo dỡ công trình trên bề mặt, san lấp mặt bằng, thu gom xử lý chất thải, xử lý môi trường, trồng cây, trồng cỏ cải tạo môi trường và giám sát môi trường sau khi kết thúc đóng cửa mỏ.
Bình luận