Được nhấn mạnh là dự án luật mới, rất quan trọng, giải quyết nút thắt cho vốn đầu tư hạ tầng trong giai đoạn tới, bít lại các lỗ hổng khiến dư luận bức xúc trong các dự án BOT trước đó, nhưng dự thảo luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) lại chỉ được dành khoảng 1 giờ thảo luận tại tổ sáng nay, 11.11.
Với kinh nghiệm kiểm toán hàng trăm dự án BOT, giảm trừ thu phí hàng trăm năm, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc băn khoăn về việc chia nguồn vốn công - tư rõ ràng để quản lý theo 2 cách khác nhau.
Điều 80 của dự thảo luật này quy định, Kiểm toán Nhà nước thực hiện việc kiểm toán về sử dụng tài chính công, tài sản công trong dự án PPP quy định tại điều 65 và điều 67 của luật này. Điều này đồng nghĩa với việc Kiểm toán nhà nước kiểm được kiểm toán vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng (điều 65) và vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (điều 67) .
“Chỉ kiểm toán vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thế còn những dự án to đùng được nhà nước hoàn trả về đất đai thì không ai kiểm toán à? (dự án BT - đổi đất lấy hạ tầng - PV). Còn cả công trình có đúng giá trị không, có đạt chất lượng không, hoàn trả thế nào thì phải được kiểm toán mới đúng chứ, ví dụ dự án BOT giao thông nhà nước có bỏ đồng nào đâu mà vẫn kiểm toán và chỉ ra rất nhiều sai phạm”, ông Phớc băn khoăn, đồng thời nhấn mạnh “PPP là dự án huy động vốn tư nhân đầu tư công trình công chứ không phải đầu tư công trình tư nhân”.
|
Do đó, ông Phớc muốn kiểm toán, thanh tra các công trình này như quy định tại luật Kiểm toán và luật Thanh tra.
Về vấn đề chia sẻ 50% phần hụt thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng (doanh nghiệp dự án cam kết chia sẻ với Chính phủ không thấp hơn 50% phần tăng thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng), Tổng Kiểm toán cũng đề nghị cần cân nhắc và nghiên cứu thật kỹ, bởi quy định về thanh tra, kiểm toán như dự thảo không đủ cơ sở để thanh quyết toán và chia sẻ rủi ro.
Theo dự thảo, chỉ có thanh tra chuyên ngành mới được thanh tra, còn thanh tra cấp tỉnh hay Thanh tra Chính phủ là không được thanh tra dự án PPP; kiểm toán cũng chỉ được kiểm toán phần vốn công như đã nói ở trên.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) cũng đồng tình với ý kiến của Tổng Kiểm toán và nhắc đến những dư luận xã hội và ngay trong Quốc hội về các dự án BOT trước đây.
Tại sao các dự án BT không trả nhà đầu tư bằng tiền mà cứ trả bằng đất?
Đứng dậy lần hai, ông Phớc nhấn mạnh, với bản chất của các dự án PPP thì phải kiểm tra chặt chẽ từ đầu đến cuối, tài sản công phải quản thật chặt tránh tình trạng ở nhiều dự án BOT và BT vừa rồi. Thêm vào đó, ông Phớc cũng đặt câu hỏi tại sao các dự án BT không trả nhà đầu tư bằng tiền mà cứ trả bằng đất, vì thực tế có thể đấu giá đất lấy tiền trả cho nhà đầu tư sòng phẳng?
Cũng quan tâm đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho rằng, cần phải xem xét rất kỹ câu chuyện đổi đất lấy hạ tầng này, dự thảo Luật nên bổ sung một chương quy định về các dự án đổi đất lấy hạ tầng. Bộ trưởng TN-MT cũng đồng tình với Tổng Kiểm toán là nếu để chủ đầu tư tính toán thiết kế, lập dự toán rồi sau đó đấu thầu chọn nhà đầu tư thì không thể công khai minh bạch được; mà nhà nước phải làm quy hoạch, tổ chứ chuẩn bị dự án thì mới biết rõ dự án đó thế nào, công nghệ nào phù hợp, đưa danh mục ưu tiên rồi mới đấu thầu thì sẽ tốt hơn nhiều.
Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) thì đặt vấn đề nên đấu thầu dự án chứ không phải đấu thầu chọn nhà đầu tư như hiện nay. Sau khi đấu thầu được dự án, lựa chọn được nhà đầu tư rồi thì quan trọng là cái hợp đồng, bởi từ trước đến nay, “tất cả hợp đồng của dự án BT còn có vấn đề”, nên theo đại biểu, từng loại hợp đồng cụ thể phải có những điều khoản quy định trong luật, nếu không, mỗi người làm 1 kiểu, khi xảy ra tranh chấp trách nhiệm sẽ không rõ.
Về việc bù 50% doanh thu sụt giảm so với hợp đồng, ĐB Bình cũng cho rằng đặt ra sẽ rất khó xử lý. “Ta đã có đấu thầu dự án, đã ký hợp đồng PPP rồi, thì lời ăn lỗ chịu. Giờ chúng ta lại bù trừ doanh thu thì bất hợp lý, không công bằng, sẽ tạo ra sự ỷ lại của đối tác đầu tư. Trừ trường hợp những dự án đặc biệt - thì Chính phủ phải định nghĩa ra thế nào là dự án đặc biệt để ưu tiên chỉ định thầu, ưu tiên doanh thu… Mà phải quy định cụ thể trong luật”, đại biểu Bình nhấn mạnh.
Bình luận (0)