Chúng tôi tìm đến một khu trọ bình dân dành cho công nhân và người lao động trên đường TL16, KP3B, P.Thạnh Lộc (Q.12, TP.HCM). Khu nhà trọ có hàng trăm phòng, nhưng giờ này chỉ có vài đứa trẻ tụ tập vui chơi, nô đùa phía trước vì ba mẹ chúng vẫn chưa tới giờ tan ca.
“Ước mơ của mẹ là gì?”
Ở phòng 23, chị Thạch Thị Kim Ngọc (36 tuổi, quê Sóc Trăng) đang tranh thủ dọn dẹp lại căn phòng trọ chừng 20 m2 và chuẩn bị cơm chiều, trong lúc 2 đứa con trai rủ mấy đứa bạn phòng bên chạy vòng vòng dãy trọ chơi.
Khu trọ công nhân có hơn 150 phòng |
cao an biên |
Cùng chồng lặn lội từ Sóc Trăng lên TP.HCM kiếm sống, mười mấy năm qua anh chị đều làm công nhân, chuyển từ dãy trọ này đến dãy trọ khác. Có lẽ, chị không đếm hết được số lần mình chuyển trọ, và những đứa nhỏ cũng đã quen với cuộc sống ở những khu nhà như thế này.
Chị ở trọ khu này ngót nghét cũng hơn 4 năm. Ông chủ đối đãi quá tốt, điều kiện sống thuận tiện, giá cả hợp lý khi mỗi tháng chị đóng hơn 2 triệu và con cũng có nhiều bạn bè.
Nhìn mấy đứa nhỏ hiếu động, chị cười nói đó là kho báu, là niềm tự hào lớn nhất trong cuộc đời của vợ chồng chị. Dẫu với đồng lương công nhân ít ỏi, anh chị quyết tâm nuôi con ăn học thành tài, quyết “hy sinh đời bố để củng cố đời con” để con có một tương lai tươi sáng hơn ba mẹ. Nay, đứa lớn đã lớp 6, đứa nhỏ lớp 2, còn cả một chặng đường dài phía trước.
3 mẹ con chị Ngọc |
cao an biên |
Từ sau đợt dịch Covid-19 vừa rồi, vì vấn đề sức khỏe nên chị vẫn chưa đi làm lại mà ở nhà lo cơm nước cũng như chăm sóc cho mấy đứa nhỏ. Mọi thu nhập trong nhà đều nhờ vào tiền lương hơn 11 triệu/tháng của anh. Anh thường tăng ca đến tận 9 giờ tối mới về.
“Vậy mà mấy tháng qua giá xăng tăng, vật giá leo thang nên hai vợ chồng cũng chắc bóp dữ lắm. Vậy mới có tiền cho tụi nhỏ học hành, ăn uống rồi mới gửi về quê cho cha mẹ khi cần. Quay đi quay lại thì tiết kiệm cũng chẳng được bao nhiêu”, chị thở dài.
2 đứa con chị, vì khó khăn nên gia đình không có điều kiện cho con học bán trú, chỉ học một buổi rồi đưa rước về. Chị tủi thân khi những đứa trẻ khác được ba mẹ dẫn đi chơi mấy ngày cuối tuần, đi siêu thị, đi công viên giải trí, còn anh chị thì vùi mình vào công việc kiếm tiền nuôi con.
Chị Ngọc tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị bữa tối |
cao an biên |
Các con chính là niềm tự hào của vợ chồng công nhân này |
cao an biên |
Nhưng em Võ Văn Gia (12 tuổi, con lớn chị Ngọc) lại không nghĩ vậy. Em biết rằng ba mẹ đã cho mình tất cả những điều tốt nhất mà ba mẹ có. Em nghĩ mình đã hạnh phúc và may mắn hơn rất nhiều người, và đó cũng là động lực để 2 anh em ráng học không phụ công cha mẹ. Hằng ngày, bên cạnh việc học trên lớp, Gia cùng em trai phụ mẹ việc nhà.
“Có khi con hỏi ước mơ của mẹ là gì, không cần mẹ trả lời con cũng biết là mong cho tụi con thành tài với người ta. Nhưng mà, con chỉ mong đi làm tài xế xe tải, sớm đi kiếm tiền để báo hiếu cho cha mẹ”, Gia tâm sự.
Cho con điều tốt nhất
Lát sau, tiếng xe máy của vợ chồng anh Nguyễn Hoàng Trọng Tín (27 tuổi) và chị Lê Thị Tú Huệ (25 tuổi) cũng vừa dừng trước phòng, đối diện với căn trọ của chị Ngọc. Nay anh chị về sớm, không tăng ca vì bà nội vừa dẫn bé Nguyễn Lê Khánh Đăng (gần 3 tuổi, con trai anh chị) từ Long An lên chơi.
Con trai là động lực lớn nhất để vợ chồng anh Tín cố gắng |
cao an biên |
Chị Huệ tranh thủ nấu bữa cơm chiều, mùi thơm đồ ăn tỏa ra khắp dãy trọ. Còn anh Tín cởi bộ đồ công nhân, hào hứng chơi cùng với con trai cưng. Tính ra từ đợt dịch tới giờ, con trai mới lên với anh chị.
“Lúc xa nó nhớ gì đâu, nhớ không chịu được nên tối nào làm về cũng gọi cho bà nội để nhìn mặt hết. Mấy nay con bị bệnh tiêu hóa, mới ra Nhi đồng khám, may là đỡ rồi. Từ giờ con ở với vợ chồng tôi, nhưng đi làm tối ngày, có hôm tăng ca hơn 9 giờ mới về nên chắc gửi con cho nhà trẻ”, anh Tín dự định.
Chị Huệ tranh thủ nấu cơm cho cả nhà trong lúc chồng chăm con |
cao an biên |
Lên TP.HCM cũng hơn chục năm, anh chị cũng làm công nhân để kiếm sống. Hiện tổng thu nhập cả cũng gần 20 triệu đồng, giữa bão giá phải tiết kiệm lắm mới đủ tiền trang trải các chi phí, nuôi con và dành dụm về sau.
Đang nấu ăn, nghe nhắc tới con trai chị, Huệ chia sẻ: “Cha mẹ nào mà không thương con, không mong cho con điều tốt nhất. Hai vợ chồng em ráng làm ngày làm đêm cũng để nuôi cái của nợ này nè. Đời tụi em khổ nên không để cho đứa nhỏ khổ nữa. Từ ngày có con không hiểu sức lực đâu mà vợ chồng làm không thấy mệt”.
Trong một thoáng, bữa cơm gia đình cũng vừa chuẩn bị xong, cả nhà vừa chăm con vừa cùng nhau ăn uống, tâm sự quên đi những mệt mỏi của một ngày đi làm vất vả. Và có lẽ tất cả những yêu thương, hy vọng của gia đình nhỏ này đều gửi gắm vào Khánh Đăng, cậu bé mới biết bập bẹ những câu nói đầu tiên…
Bữa cơm gia đình ấm cúng của gia đình anh Tín |
cao an biên |
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thành Tâm, chủ khu nhà trọ cho biết ở đây có 152 phòng trọ, trong đó 2/3 số phòng là công nhân thuê. “Trọ này có hơn 81 cháu nhỏ, mấy cháu nào mà tới tuổi đến trường đều được cha mẹ cố gắng cho đi học hết. Thường ở đây mỗi dịp trung thu, 1.6 thì đều chúng tôi đều tổ chức hoặc có các tổ chức, đoàn thể đến phát quà cho mấy cháu, tụi nhỏ vui lắm”, ông Tâm nói thêm.
Bình luận (0)