Tính đến nay, TP.HCM có 4 bệnh viện có sân đỗ trực thăng trên nóc nhà cao tầng, gồm: Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Ung bướu và Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn. Riêng Bệnh viện Nhi đồng Thành phố có sân đỗ trực thăng dưới đất.
Tuy nhiên, đối với Bệnh viện Nhân dân 115, sân đỗ trực thăng được thiết kế ở Khu chẩn đoán và điều trị kỹ thuật cao (818 Sư Vạn Hạnh, P.12, Q.10) đối diện bệnh viện hiện hữu. Thông nối giữa 2 khu này là đường hầm dưới lòng đất. Đây là đường hầm chuyển bệnh dưới lòng đất đầu tiên tại VN.
Đường hầm chuyển bệnh xuyên lòng đất
TS-BS Trần Văn Sóng, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết Khu chẩn đoán và điều trị kỹ thuật cao (hiện là khu ngoại trú và hành chính) được đầu tư 322 tỉ đồng bằng vốn ngân sách thành phố. Khu này có quy mô 10 tầng (diện tích sàn 19.400 m²), có 2 tầng hầm, có sân đỗ trực thăng. Tòa nhà mới của Bệnh viện Nhân dân 115 sẽ khai thác dịch vụ y tế hàng không, giúp bệnh nhân các tỉnh tiếp cận dịch vụ chuyên sâu ở TP.HCM một cách nhanh chóng.
Điểm nhấn của Khu chẩn đoán và điều trị kỹ thuật cao này là có tầng hầm kết nối với khu cấp cứu, điều trị nội trú đối diện bên kia đường. Đường hầm có chiều rộng 4,8 m, dài 80 m, xuyên qua đường Sư Vạn Hạnh ở dưới lòng đất, xe điện có thể di chuyển thoải mái. Đường hầm còn có hệ thống bơm dự phòng.
"Đường hầm kết nối khu hành chính và điều trị, nhân viên thông thương giữa 2 nơi. Đặc biệt hướng đến kết nối cấp cứu đường không đến khu cấp cứu", TS-BS Trần Văn Sóng cho hay. Không chỉ mang ý nghĩa chuyên môn, đường hầm này còn giúp giảm cảnh kẹt xe thường thấy ở đường Sư Vạn Hạnh trước đây, cũng như giảm tai nạn khu vực này.
"Lúc đầu mọi người chưa quen, cứ đi phía trên để qua lại 2 nơi, còn bây giờ hầu hết đều sử dụng lối đi tầng hầm cho an toàn", TS-BS Trần Văn Sóng nói.
Sắp tới, Công đoàn Bệnh viện Nhân dân 115 tổ chức triển lãm tranh. Cán bộ - công nhân viên bệnh viện sẽ mua ủng hộ để vừa gây quỹ, vừa tặng lại cho bệnh viện để treo ở đường hầm. Cùng với đó là triển khai âm nhạc trong đường hầm. Như vậy, đường hầm sắp tới còn xem như lối đi tham quan, thư giãn cho cán bộ nhân viên sau giờ làm việc căng thẳng.
"Nếu đi bộ từ sân đỗ trực thăng (tầng 11) xuống tầng hầm và đi vào đường hầm đến khu cấp cứu thì mất chỉ khoảng 5 phút. Còn nếu 1 ca cấp cứu đường không đến thì thời gian đến khoa cấp cứu chắc chắn sẽ nhanh hơn rất nhiều", TS-BS Trần Văn Sóng chia sẻ thêm.
Trải nghiệm của PV Thanh Niên cho thấy đường hầm rất thông thoáng, mát, ánh sáng đủ. Người đi dưới đường hầm không nghe bất cứ tiếng động nào ở bên trên.
"Con đường chuyển bệnh" trên không
Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM được thiết kế tách rời giữa khu khám và nội trú. Để thuận tiện, tiết kiệm thời gian và tăng tính an toàn trong việc di chuyển của người bệnh giữa các khu khám, chẩn đoán và điều trị, bệnh viện đã thiết kế những "con đường chuyển bệnh" nhằm kết nối các tòa nhà giữa khu cấp cứu - điều trị ngoại trú - điều trị nội trú với nhau.
Đặc biệt hơn, hệ thống lối đi thông tầng được trang bị đầy đủ máy lạnh, đèn sáng, phát nhạc nhẹ tạo cảm giác thư thái, dễ chịu cho người bệnh.
"Trong các trường hợp cấp cứu, hệ thống đường nối góp phần quan trọng trong việc tiết kiệm từng phút từng giây, giúp nâng cao hiệu quả cứu sống, bảo toàn các chức năng cao nhất cho người bệnh", lãnh đạo bệnh viện chia sẻ. Lối đi này có nhân viên an ninh trực 24/24 hỗ trợ, hướng dẫn cho khách hàng, đảm bảo việc di chuyển xuyên suốt giữa các tòa nhà một cách nhanh chóng.
Bình luận (0)