Trong chương trình Upshift với chủ đề “Hành động vì khí hậu” do Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) tại TP.HCM phối hợp với SIHUB (thuộc Sở Khoa học - Công nghệ TP.HCM) tổ chức mới đây, nhiều bạn trẻ đã mang đến những giải pháp độc đáo nhằm giải quyết vấn đề môi trường đang nhức nhối hiện nay.
Nuôi tảo trong ống pô xe
Nhóm sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM đã mang đến ý tưởng táo bạo khi nuôi tảo trong ống pô xe để làm màng chắn giảm lượng khí thải CO2 ra môi trường.
“Đây không hẳn là nỗi sợ, khó chịu của riêng nhóm mà nhóm tin rằng rất nhiều người cảm thấy khó chịu mỗi khi đi ngoài đường bởi khí thải CO2 từ ống pô xe gắn máy, đặc biệt là lúc kẹt xe”, Trần Gia Linh (thành viên nhóm) lý giải lý do thực hiện dự án.
Linh phân tích theo thống kê, thì phát thải CO2 chiếm đến 64% nguyên nhân gây nóng lên toàn cầu. Vì vậy nhóm mong muốn đưa ra một giải pháp giúp làm giảm phát thải lượng CO2 ra môi trường. Tại sao lại chọn tảo? Vì tảo hấp thụ CO2 mạnh, dễ sống trong môi trường khắc nghiệt và có thể hấp thụ tới 80% lượng CO2 thải ra. Và màng lọc bằng tảo mà nhóm đang nghiên cứu khác biệt ở chỗ là mới, khả thi, rẻ, thân thiện môi trường và dễ dàng sử dụng.
“Trong quá trình nghiên cứu thì nhóm biết được trên thế giới hiện có một sản phẩm tên là đèn vi tảo, có khả năng hấp thụ CO2 khá cao, nhưng đèn đó hơi to và chỉ để được trong nhà. Từ đó, nhóm liên kết và nghiên cứu về câu chuyện nuôi tảo ngay trong ống pô xe. Về vấn đề thiết kế, tụi mình sẽ thiết kế ở đằng sau pô xe, gồm 1 tấm màng có tảo, 1 tấm màng có nước và chất dinh dưỡng cần thiết để nuôi tảo. Tụi mình vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để đưa ra những thiết kế khả thi nhất”, Linh chia sẻ.
|
Dùng thực vật xử lý dòng kênh hôi thối
Xuất phát từ vấn đề nguồn nước nhiều nơi bị ô nhiễm nặng như hiện nay, bên cạnh đó, một thành viên trong nhóm đang mỗi ngày phải chịu đựng mùi hôi khó chịu xộc lên từ dòng kênh Ba Bò (đoạn TX.Dĩ An, Bình Dương), lại đang theo học chuyên ngành kỹ thuật môi trường nên nhóm sinh viên Trường ĐH Quốc tế TP.HCM rất tâm huyết để nghiên cứu giải pháp giải quyết tình trạng trên.
Theo Trần Tuyết Ngân (thành viên của nhóm), dự án sẽ nghiên cứu để tạo ra những bè thực vật giúp lọc nước.
“Hiện tại, có những loại thực vật như cỏ vetiver, cây lau sậy, cỏ màn trầu, dương xỉ, lục bình, bèo tây, hoa súng... là những loại thực vật có thể kết hợp để làm bè thực vật lọc nước. Chúng sẽ giải quyết mùi hôi của nguồn nước ô nhiễm bằng cách hút nitơ và phốt pho, 2 thành phần dinh dưỡng chính có trong nước ô nhiễm mà gây ra mùi hôi. Sau đó, biến những thành phần này thành chất dinh dưỡng nuôi cây và cây sẽ giữ lại các chất hữu cơ gây ô nhiễm hay là những kim loại nặng trong rễ, thân hoặc lá (tùy loài)”, Ngân phân tích.
Cũng theo Ngân, sau một chu trình của cây, tối ưu là 45 ngày, cây dù chưa chết nhưng vẫn phải hái đem đi làm phân bón hoặc ủ lấy khí gas dùng cho nấu nướng (có thể lấy thêm thu nhập từ nguồn này để tái sản xuất bè) vì sau thời gian này cây sẽ không còn khả năng lọc tốt nữa và còn có thể nhả lại các chất này ra nước.
“Dự án nếu thành công sẽ xử lý được mùi hôi, trả lại màu nước trong lành và cung cấp nguồn nước đầu vào ít ô nhiễm hơn cho các nhà máy để hiệu suất lọc nước được nâng cao hơn. Và nước sau khi dùng bè lọc vẫn có hạn chế là không sạch được hoàn toàn nên không thể dùng uống trực tiếp. Nhưng do dự án chú trọng vào giải quyết mùi hôi và tụi mình chỉ là mắt xích nhỏ trong việc bảo vệ môi trường của toàn cộng đồng”, Ngân gửi gắm.
|
Túi vải không thấm nước
Tại chương trình, một nhóm bạn trẻ gây ấn tượng mạnh với ban giám khảo khi bỏ điện thoại vào túi vải và nhúng xuống nước. Điều kỳ diệu là sau khi lấy lên điện thoại vẫn không bị ướt. Đấy là cách mà nhóm bạn trẻ dùng để chứng minh khả năng chống thấm nước của dự án túi vải mà các bạn đang làm.
Trần Thu Trang, trưởng nhóm học sinh Trường THPT Năng khiếu thể dục thể thao TP.HCM, chia sẻ: “Tụi em thấy trên thị trường đã có nhiều sản phẩm thay thế túi ni lông như túi vải, túi giấy, tre, nứa... nhưng vẫn còn nhiều khuyết điểm là giá thành cao, thấm nước... Vì thế mà các sản phẩm thay thế vẫn chưa được sử dụng phổ biến. Từ đó, tụi em nảy ra ý tưởng làm sản phẩm túi vải tái chế tiện lợi như túi ni lông và khắc phục được những khuyết điểm của túi vải”.
Theo Trang, nhóm đã khảo sát một nhóm đối tượng học sinh thì 100% trong số các bạn biết túi ni lông ảnh hưởng đến môi trường nhưng vẫn sử dụng vì không có cách nào tiện hơn.
“Vì thế nhóm chúng em mang đến giải pháp là sử dụng túi vải từ các quần áo cũ, mặc không vừa, rách hoặc không thể sử dụng được nữa. Tụi em hướng đến việc tận dụng và tái chế để góp phần giảm lượng rác thải ra môi trường và thay thế được túi ni lông. Để thay thế được thì tụi em đã nghiên cứu và cho ra đời hợp chất để có thể kết hợp tạo nên túi vải độc đáo, vừa có thể đi nắng, vừa có thể tự tin đi mưa mà không sợ bị ướt hay thấm nước”, Trang tự hào.
Hiện tại dự án đã nhận được hỗ trợ 1.000 USD từ chương trình để tiếp tục hoàn thiện sản phẩm trong vòng 3 tháng tới.
Bình luận (0)