Chạy đua với thời gian để chi 2.000 tỉ USD
Liên quan gói cứu trợ 2.000 tỉ USD vừa qua, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đề xuất bỏ phiếu bằng giọng nói để thông qua gói cứu trợ, nhưng ý kiến này đã vấp phải phản đối từ Thomas Massie, nghị sĩ đảng Cộng hòa. Ông đề nghị các nghị sĩ buộc phải có mặt tại Washington D.C vào ngày 27.3 để bỏ phiếu bầu, đúng theo truyền thống của quốc hội Mỹ.
Nỗ lực thuyết phục ông Massie không thành, bà Pelosi kêu gọi các nghị sĩ nhanh chóng bắt chuyến bay sớm nhất để có mặt kịp giờ bỏ phiếu, bất chấp lệnh hạn chế đi lại. Nỗ lực các nghị sĩ đã không uổng phí, số nghị sĩ có mặt đủ để bỏ phiếu thông qua đạo luật theo quy định của quốc hội.
|
Chỉ vài giờ sau khi được Hạ viện thông qua, ông Trump đã đặt bút ký “Đạo luật hỗ trợ, cứu trợ chống dịch Covid-19 và bảo đảm an ninh kinh tế”, gói hỗ trợ khẩn cấp lớn nhất trong lịch sử của Mỹ. Đây có thể xem là một cuộc chạy đua với thời gian thực sự khi đạo luật được ký trong chưa tới hai ngày sau khi được Thượng viện thông qua.
Gói cứu trợ tập trung vào hỗ trợ tài chính cho người dân dựa trên thu nhập và tình trạng gia đình. Số tiền mỗi người được nhận, tối đa 1.200 USD, sẽ giảm dần nếu thu nhập của họ tăng lên. Theo ước tính của Trung tâm chính sách thuế, khoảng 90% số người Mỹ có thể sẽ nhận được hỗ trợ.
Bên cạnh đó, một gói cứu trợ trị giá 500 tỉ USD khác sẽ hỗ trợ các công ty lớn và các hãng hàng không đang gặp khó khăn. Gói viện trợ cũng phân bổ 150 tỉ USD cho chăm sóc y tế, 31 tỉ USD cho giáo dục.
Kinh nghiệm từ quá khứ
Kể từ sau Thế chiến thứ hai, nước Mỹ đã không ít lần rơi vào suy thoái buộc chính phủ phải “ra tay” giải cứu. Bài học từ những lần cứu trợ cho thấy việc nhanh chóng quyết định các gói cứu trợ sẽ giúp khủng hoảng không trở nên trầm trọng hơn.
Năm 1987, 3.600 quỹ tín dụng hoạt động tại Mỹ có tài sản lên đến 1.500 tỉ USD. Do ít bị chính phủ quản lý, các quỹ tín dụng bắt đầu tham gia vào thị trường bất động sản. Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) bất ngờ tăng lãi suất tiền gửi nhằm kiềm chế lạm phát, các quỹ tín dụng nhanh chóng rơi vào khủng hoảng. Trong vòng chưa tới 10 năm, hơn 1.600 quỹ tín dụng bị phá sản, tổng số thiệt hại lên tới 160 tỉ USD.
Để giải quyết cuộc khủng hoảng, Đạo luật Cải tổ, phục hồi và giám sát các định chế tài chính 1989 (FIRREA) được thông qua. Đạo luật đã chi 293 tỉ USD để mua lại các khoản cho vay của các quỹ tín dụng và quản lý các khoản tiết kiệm.
Đến giữa năm 1995, công ty Quyết định tín thác (RTC) do chính phủ thành lập đã thanh lý tài sản của 747 quỹ tín dụng bị phá sản và thu về 394 tỉ USD.Ngân sách nhà nước cũng chi ra 87 tỉ USD để giải quyết các khoản nợ.
|
Cuộc đại suy thoái 2007 - 2009 là thời kỳ đen tối của kinh tế toàn cầu, bắt nguồn từ sự thiếu giám sát tài chính chặt chẽ của chính phủ Mỹ với các khoản vay mua nhà đất. Cùng với việc tăng giá lương thực và giá dầu đã góp phần gây ra cuộc khủng hoảng tiền tệ toàn cầu. Đạt đỉnh vào tháng 10.2008, cuộc khủng hoảng lan rộng khắp thế giới.
Để giải quyết, chính phủ Mỹ đã đưa ra gói kích thích tài chính trị giá 787 tỉ USD và cứu trợ ngân hàng trị giá 700 tỉ USD. Chương trình này cho phép Bộ Tài chính Mỹ sử dụng tối đa số tiền trên từ ngân sách Liên bang để hỗ trợ ngân hàng, thị trường tín dụng, bất động sản và các chương trình khác. Hầu hết các ngân hàng đã hồi phục trở lại sau khi được hỗ trợ hàng tỉ USD tiền vốn. Ngành công nghiệp ô tô Mỹ cũng phát triển trở lại.
Đó là chưa kể các gói cứu trợ quy mô nhỏ khác mà nhiều đời chính phủ Mỹ đã tung ra để giải cứu nền kinh tế nước này.
Bình luận (0)