Đó là các nội dung mà một số chuyên gia kinh tế hàng đầu nước Mỹ và thế giới vừa trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên để đưa ra các đánh giá và dự báo tình hình kinh tế thế giới trước những biến động do dịch Covid-19 gây ra.
Khó khăn lớn cho các nước phụ thuộc xuất khẩu
So với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, thì tình hình kinh tế hiện nay do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như thế nào?
GS Dwight Perkins: Chẳng còn nghi ngờ gì nữa, dịch Covid-19 đang tác động lớn đến kinh tế toàn cầu. Bệnh dịch lan rộng khiến nhiều triệu người rơi vào cảnh thất nghiệp và phần lớn ngành công nghiệp gần như đình trệ sâu sắc. Vấn đề là ngay cả khi quốc gia nào mà đại dịch đã kết thúc, thì vẫn cần một thời gian dài để tái phục hồi. Và điều này càng đặc biệt nghiêm trọng hơn đối với các nền kinh tế phụ thuộc lớn vào xuất khẩu. Ví dụ như Trung Quốc, đại dịch tạm xem là có thể kiểm soát dù cũng có thể quay trở lại bất cứ lúc nào, nhưng sản xuất của nước này sẽ không thể phục hồi nếu các nước khác chưa kiểm soát được dịch để có thể nhập hàng hóa từ Trung Quốc.
TS Sergi Lanau: Kinh tế toàn cầu đang trải qua cú sốc lớn khi dựa trên các tiêu chí của những cuộc khủng hoảng lớn như khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998 hay khủng hoảng tài chính năm 2008. Chúng tôi theo dõi dòng tiền vào và ra của các nền kinh tế đang nổi, thì có thể thấy dòng tiền ra đang ở biên độ rất lớn, vượt trên cả một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ngay cả những quốc gia mà dịch Covid-19 bùng phát không đáng kể thì tăng trưởng vẫn suy giảm mạnh do thị trường tài chính gặp khó khăn.
TS Scott Kennedy: So với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998 hay cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, thì tình hình hiện nay gây khủng hoảng lớn hơn và có thể kéo dài lâu hơn. Sự lan rộng của bệnh dịch dẫn đến quy mô của cuộc suy giảm kinh tế hiện nay đã lan ra toàn cầu, tàn phá mọi nền kinh tế. Thậm chí, tình hình này có thể dẫn đến những đứt gãy sâu sắc của nền kinh tế toàn cầu.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khó lắng
Tình hình này tác động thế nào đến cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vốn đạt được thỏa thuận giai đoạn 1 cách đây chưa lâu?
GS Dwight Perkins: Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung thì vẫn kéo dài ít nhất cho đến khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục tại vị. Vấn đề chỉ là mức độ của cuộc chiến tranh thương mại này đến đâu mà thôi. Bởi đây là một trong số ít chính sách của ông Trump nhận được sự ủng hộ đáng kể từ đảng Dân chủ. Bởi nhìn chung thì đảng Dân chủ cũng muốn Trung Quốc tuân thủ hơn về quyền sở hữu trí tuệ. Tuy vậy, bệnh dịch khiến cho cuộc chiến tranh thương mại không phải là vấn đề trọng tâm cho cả hai chính phủ.
TS Scott Kennedy: Hồi tháng 1, Mỹ và Trung Quốc đã ký thỏa thuận giai đoạn 1 để giải quyết mâu thuẫn kinh tế. Nhưng dường như cả hai đều có đủ động lực để tuân thủ thỏa thuận này trong bối cảnh hiện nay. Các cam kết mua hàng giữa hai bên khó có thể trở thành hiện thực và nếu có thực thi thì cũng khó có thể đạt được trong năm 2020 hay 2021. May mắn lắm thì kim ngạch xuất khẩu của Mỹ năm 2020 duy trì được ở mức 80% của năm 2019.
Bên cạnh đó, quan hệ hai bên cũng đang trở nên căng thẳng do tranh cãi về nguồn gốc vi rút gây dịch Covid-19. Cả hai đang công kích lẫn nhau và trả đũa qua lại khi đều tìm cách trục xuất nhà báo của nhau. Trong bối cảnh như thế thì bất hòa chỉ tăng lên.
TS Sergi Lanau: Rõ ràng, những nhà hoạch định trên toàn thế giới đang phải tập trung nguồn lực để chống dịch. Nên với Mỹ lẫn Trung Quốc, thì tôi không nghĩ họ có đủ thời gian để đảm bảo việc thực thi các thỏa thuận hay tiếp tục hướng đến giai đoạn tiếp theo của thỏa thuận.
Vai trò của kinh tế châu Á
Trong bối cảnh như vậy, khu vực châu Á, hay Đông Nam Á, sẽ đứng trước những rủi ro gì và có cơ hội gì?
GS Dwight Perkins: Đối với Đông Nam Á, nền kinh tế bị tác động như thế nào đối với từng quốc gia thì trước hết phụ thuộc vào mức độ bệnh dịch lây lan ở quốc gia đó. Đến nay, qua các số liệu được công bố chính thức, thì hầu hết các nước ở khu vực này đang kiểm soát dịch khá tốt. Tuy nhiên, các nền kinh tế Đông Nam Á lại phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu để duy trì mức tăng trưởng cao. Điều đó khiến cho kinh tế Đông Nam Á bị ảnh hưởng mạnh mẽ do nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường khác giảm sút.
TS Sergi Lanau: Như tất cả khu vực khác, châu Á sẽ đối mặt với suy giảm kinh tế và một số nước thuộc khu vực này rơi vào suy thoái kinh tế. Vẫn còn một số dư địa về chính sách để chính phủ các nước áp dụng nhằm chặn đà suy giảm, nhưng việc phải trải qua những khó khăn lớn là không thể tránh khỏi. Và như những lần kinh tế toàn cầu suy giảm, sẽ có một thời điểm bước ngoặt để tình hình khả quan hơn là khi các nền kinh tế có thể tái kích hoạt sản xuất ở mức cao nhất. Thời gian qua, tăng trưởng của các nền kinh tế đang nổi tại châu Á đã vượt trội so với những khu vực khác và điều đó cũng sẽ trở lại.
Diễn biến lần này có dẫn đến việc các nền kinh tế châu Á nói chung, Đông Nam Á nói riêng, cần phải thay đổi mô hình kinh tế?
GS Dwight Perkins: Thực tế, các nền kinh tế Đông Nam Á rất khó để thay đổi mô hình kinh tế theo hướng giảm phụ thuộc vào xuất khẩu trong khi vẫn duy trì đà tăng trưởng cao. Đơn giản vì chẳng nền kinh tế nào ở Đông Nam Á đủ lớn để bản thân nền kinh tế có thể dựa vào thị trường nội địa. Và cũng chẳng nước nào ở Đông Nam Á đủ sức sản xuất toàn bộ chuỗi sản phẩm công nghệ cao.
TS Sergi Lanau: Vẫn cần thêm thời gian để đánh giá đầy đủ các tác động lâu dài của dịch Covid-19 tác động lên kinh tế. Giới doanh nghiệp toàn cầu sẽ phải đánh giá lại các định hướng kinh doanh cũng như chuỗi sản xuất. Tuy nhiên, có lẽ các tập đoàn toàn cầu cũng sẽ vẫn không thay đổi quan điểm rằng châu Á là khu vực sản xuất gắn liền với lĩnh vực công nghệ cao.
Nhà kinh tế học của Đại học Harvard (Mỹ) - người được xem là chuyên gia hàng đầu thế giới về mô hình kinh tế của các nước châu Á.
Phó kinh tế gia trưởng của Viện Nghiên cứu tài chính quốc tế có trụ sở tại Washington D.C (Mỹ) và từng là kinh tế gia của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
GS Scott Kennedy:
|
Các gói giải cứu kinh tế giá trị “khủng”
Ngày 22.3, tờ The Washington Post đưa tin chính phủ và quốc hội Mỹ đang tăng tốc thảo luận để sớm tung ra gói cứu trợ lên đến 2.000 tỉ USD để hỗ trợ nền kinh tế nước này đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, trước khi thảo luận gói giải cứu khổng lồ trên thì chính phủ Mỹ cũng đã có hàng loạt động thái hỗ trợ kinh tế bằng những gói hỗ trợ trị giá hàng trăm tỉ USD, điển hình như gói hỗ trợ 300 tỉ USD dành cho doanh nghiệp nhỏ. Hay chương trình tặng tiền cho công dân và kế hoạch đề ra là mức tiền có thể lên đến 1.200 USD/người tùy vào đối tượng.
Tờ The Guardian ngày 22.3 đưa tin chính phủ Úc cũng đang đẩy nhanh quá trình thảo luận để sớm cung cấp gói tài chính lên đến gần 200 tỉ để hỗ trợ nền kinh tế. Còn Ngân hàng Tái thiết Đức thì đang trong quá trình đưa ra gói hỗ trợ khoảng 610 tỉ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp nước này.
Nhiều nền kinh tế khác ở châu Á lẫn châu Âu cũng đang tiến hành đưa ra các gói kích thích nền kinh tế, trị giá từ hàng chục đến hàng trăm tỉ USD.
Hoàng Đình
|
Bình luận (0)