Những khó khăn để trẻ mầm non làm quen tiếng Anh

Thúy Hằng
Thúy Hằng
13/01/2024 05:58 GMT+7

Bộ GD-ĐT đã có Thông tư 50/2020/TT-BGDĐT hướng dẫn về việc cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh. Tại TP.HCM, ở năm học thứ 3 thực hiện đã có 57,3% trẻ được làm quen tiếng Anh.

CHÊNH LỆCH GIỮA CÔNG LẬP VÀ LỚP ĐỘC LẬP, TƯ THỤC

Tại hội thảo đánh giá kết quả tổ chức cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh theo Thông tư 50/2020/TT-BGDĐT diễn ra sáng qua 12.1 do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức, số liệu báo cáo cho thấy trong năm học 2023-2024, TP.HCM có 449 trường mầm non công lập trên tổng số 474 trường cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh, tỷ lệ 94,72%. Tỷ lệ này ở trường ngoài công lập là 50,9%. Còn ở các lớp mẫu giáo độc lập tư thục ít hơn, chỉ có 20,7%.

Những khó khăn để trẻ mầm non làm quen tiếng Anh- Ảnh 1.

Trẻ mầm non trong một số hoạt động làm quen tiếng Anh

THÚY HẰNG

Nếu tính chung tỷ lệ trẻ mẫu giáo ở TP.HCM được tham gia các chương trình làm quen tiếng Anh thì toàn TP đạt 57,3%.

Bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, bày tỏ sự băn khoăn thực tế số cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn TP.HCM hiện nay chỉ đứng sau Hà Nội. Công lập có gần 500 trường, hệ thống trường mầm non ngoài công lập là hơn 800 và đặc biệt các cơ sở giáo dục mầm non độc lập tư thục gần 1.700, nhưng với con số trên (chỉ 57,3% trẻ mẫu giáo được làm quen tiếng Anh - PV), bà Châu nói "hơi lo".

"Giáo dục phải có sự bình đẳng, công bằng cho tất cả các cháu. Làm sao để tăng tỷ lệ này hơn? Đây là một câu hỏi mà tôi nghĩ rằng tất cả những người đang làm quản lý giáo dục phải suy nghĩ và có giải pháp cho từng địa phương", bà Châu nói.

KHÓ KHĂN VỀ GIÁO VIÊN, CƠ SỞ VẬT CHẤT

Nhiều đơn vị cho biết đang gặp một số khó khăn về nguồn giáo viên (GV) giúp trẻ làm quen tiếng Anh. Ông Nguyễn Bá Lĩnh, chuyên viên Phòng GD-ĐT H.Củ Chi (TP.HCM), nói rằng hiện chưa có vị trí việc làm cho GV tiếng Anh bậc mầm non trong cơ sở công lập, việc thuê GV nước ngoài và VN giảng dạy đều phải xã hội hóa, dựa trên đóng góp của phụ huynh nên nhiều khi bị động. Bên cạnh đó, mức thu phí cho công tác này còn hạn chế dẫn đến sự khó khăn trong công tác hợp đồng với các đơn vị cung cấp GV.

Cũng theo ông Lĩnh, nguồn GV đủ điều kiện để đáp ứng cho công tác trẻ mầm non với tiếng Anh còn hạn chế vì rất ít GV được đào tạo ngành giảng dạy tiếng Anh phù hợp, hoặc họ chưa tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ giảng dạy tiếng Anh cho trẻ bậc mầm non.

Bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh có nhiều hiệu quả. Tuy nhiên, bà Điệp thừa nhận còn tồn tại khó khăn. Như số trẻ tham gia làm quen tiếng Anh tại các cơ sở nhóm lớp độc lập thấp, do cơ sở vật chất chưa đảm bảo các điều kiện tổ chức. Trẻ mẫu giáo ở các huyện ngoại thành trong diện hộ cận nghèo không thu được phí tổ chức, dẫn đến trẻ không có cơ hội tiếp cận ngoại ngữ. Hay có trường, lớp, số trẻ trong một giờ hoạt động làm quen tiếng Anh còn đông, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy.

"Một số cơ sở giáo dục mầm non phối hợp với trung tâm ngoại ngữ thực hiện tổ chức cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh chưa đúng theo quy định. Còn có hiện tượng GV của trung tâm thiếu chứng chỉ bồi dưỡng chuyên môn về nghiệp vụ sư phạm giáo dục mầm non hoặc phương pháp cho trẻ làm quen tiếng Anh do các trường CĐ, ĐH sư phạm có đào tạo giáo viên mầm non tổ chức", bà Lương Thị Hồng Điệp nói.

Những khó khăn để trẻ mầm non làm quen tiếng Anh- Ảnh 2.

Trẻ mầm non ở đơn vị thí điểm sử dụng công cụ đánh giá việc làm quen tiếng Anh

PHƯƠNG HÀ

THU HẸP KHOẢNG CÁCH

Giáo dục là bình đẳng, mọi trẻ em đều có quyền được tiếp cận giáo dục, đảm bảo công bằng. Đóng góp ý kiến tại hội thảo, các cán bộ quản lý, chuyên gia giáo dục đề xuất những kiến nghị làm sao giúp tăng tỷ lệ trẻ mẫu giáo được làm quen tiếng Anh.

Ông Trần Huỳnh Tú, Giám đốc kinh doanh dự án giáo dục, Công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel, Chi nhánh Tập đoàn Công nghiệp viễn thông, chia sẻ ứng dụng công nghệ và robot hỗ trợ cho trẻ làm quen tiếng Anh trong cơ sở giáo dục mầm non. Theo ông Tú, việc ứng dụng công nghệ, tích hợp chương trình làm quen tiếng Anh của Bộ GD-ĐT giúp hệ thống số hóa bài giảng, tích hợp robot, app, bài giảng tương tác, ứng dụng AI… Từ đó giúp phát huy điểm mạnh của GV, giúp trẻ được làm quen tiếng Anh với nhiều hoạt động dưới sự hỗ trợ của GV mầm non, tạo ra sự công bằng cho các trẻ đều được tham gia.

Trong khi đó, ông James Moran, Giám đốc học vụ EMG Education cho biết, thời gian qua, được sự cho phép của Sở GD-ĐT TP.HCM, đơn vị này đã thí điểm khảo sát kết quả hoạt động làm quen tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo tại 3 trường: Mầm non Thành phố; Mầm non Nam Sài Gòn và Mầm non 19/5 Thành phố. Kết quả thu được giúp các cơ sở đánh giá chất lượng, điều chỉnh và định hướng phương pháp, kế hoạch đang triển khai cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh theo điều kiện sẵn có và phù hợp với nhu cầu của phụ huynh. 

Theo ông James Moran, công cụ đánh giá phải đảm bảo các tiêu chí như bám sát các hướng dẫn của Thông tư 50 của Bộ GD-ĐT; dựa trên bộ chuẩn đánh giá của quốc tế và chú trọng phát triển công cụ đánh giá phù hợp với lứa tuổi. Bên cạnh đó, việc tương tác, hoạt động trực quan sinh động giúp các bé duy trì sự chú ý, đồng thời khiến bài khảo sát trở nên vui vẻ, hứng thú hơn…

PHẢI TĂNG CƯỜNG KIỂM TRA, QUẢN LÝ

Số liệu cho thấy TP.HCM hiện có hơn 180 đơn vị (hơn 50 công ty, hơn 150 trung tâm ngoại ngữ) đang phối hợp thực hiện chương trình cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục mầm non và các hình thức khác. Bà Lê Thụy Mỵ Châu khẳng định trong câu chuyện trẻ làm quen tiếng Anh có trách nhiệm lớn của người làm công tác quản lý nhà nước. Thông tư 50 của Bộ GD-ĐT là cơ sở pháp lý nhưng triển khai thực hiện là sự phối hợp, trách nhiệm của phòng GD-ĐT, trung tâm ngoại ngữ và các trường học.

Các trung tâm ngoại ngữ cần quan tâm về đội ngũ GV, giúp GV bản ngữ, GV nước ngoài hiểu về văn hóa của người VN để phù hợp khi giảng dạy cho trẻ em. Phòng GD-ĐT phải tăng cường kiểm tra chất lượng, kiểm tra kỹ hồ sơ năng lực, đội ngũ GV, chương trình cũng như xây dựng kế hoạch tại địa phương. Bà Châu lưu ý, các cơ sở giáo dục mầm non cũng cần khảo sát nhu cầu, lấy phiếu ý kiến của cha mẹ học sinh làm cơ sở thực hiện chương trình. 

Cần có công cụ đánh giá kết quả trẻ làm quen tiếng Anh

Phát biểu tại hội thảo, ông James Moran, Giám đốc học vụ EMG Education, cho rằng bên cạnh việc tổ chức chương trình cho trẻ làm quen tiếng Anh thì công tác đánh giá kết quả quan trọng không kém.

Cần có một bộ công cụ khảo sát nhằm đánh giá, thu thập thông tin về khả năng nghe, nói, tiền đọc - viết tiếng Anh của trẻ dựa trên thước đo chuẩn quốc tế là thang đo GSE Pre-Primary Framework do tổ chức giáo dục Pearson phát triển.

Theo ông James Moran, thang đo GSE Pre-Primary đưa ra các chuẩn kỹ năng (Can Do statements) chi tiết dành riêng cho trẻ trong độ tuổi tiền tiểu học. Các chuẩn kỹ năng trong khung GSE Pre-Primary được phân tách mịn để phù hợp với đặc thù trẻ mầm non đang trong giai đoạn làm quen với ngôn ngữ, với các mô tả chuẩn kỹ năng được chi tiết hóa ở mức cao nhất, phân tầng kiến thức để thể hiện sự tiến bộ của trẻ qua từng giai đoạn.

Ngoài ra, thang đo này cũng được thiết kế trên nguyên tắc chú trọng tính linh hoạt và phù hợp với ngữ cảnh của mỗi quốc gia. Điển hình là đối với các chuẩn kỹ năng đọc và viết, thang đo đưa ra các chuẩn kỹ năng không bắt buộc trong trường hợp trẻ chưa được làm quen với kỹ năng đọc và viết ở độ tuổi này theo quy định của chương trình giáo dục mầm non quốc gia. Khi đó các chuẩn kỹ năng về nghe và nói vẫn có thể được áp dụng để hỗ trợ công tác giảng dạy, tổ chức hoạt động làm quen tiếng Anh và đánh giá kết quả.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.