Vào những thập niên 30 - 40 của thế kỷ trước, dư luận xôn xao rằng ở một cây cầu bắc qua sông Danube ở thủ đô Budapest (Hungary) có rất nhiều người nhảy xuống sông tự tử, mà mỗi lần như thế người ta lại tìm thấy “di chúc” họ để lại bên thành cầu là bản nhạc Chủ nhật buồn (nguyên tác tiếng Hung là Szomorú Vasárnap, tiếng Anh: Gloomy Sunday, tiếng Pháp: Sombre Dimanche). Sau đó, “cơn dịch tự tử” vì bản nhạc Chủ nhật buồn không chỉ xảy ra ở Hungary mà còn lan qua Anh, Áo, Pháp... rồi toàn châu Âu.
Nhạc sĩ thiên tài… mù nhạc!
Trước khi nói về bản nhạc, hãy nói qua về người đã sáng tác ra nó - Seress Rezso sinh năm 1899 trong một gia đình gốc Do Thái. Điều đáng nói là Seress vừa mù chữ lại mù nhạc, dù ông có tới 9 năm đi theo một đoàn kịch. Tại đây, ông tìm thấy một cây đàn piano cũ nát, và những giai điệu đầu tiên trong đời “nhạc sĩ” của Seress phát ra từ cây đàn đó.
Mộ nhạc sĩ Seress ở Hungary |
Cách sáng tác của Seress rất lạ, ông huýt sáo và đánh đàn theo giai điệu đó, rồi nhờ người khác ký âm lại. Chơi đàn trên cây piano cũ nát, sáng tác “kiểu đó” nên Seress chỉ phục vụ cho lớp người bình dân. Suốt 40 năm, ông chỉ chơi nhạc ở 2 tiệm ăn nhỏ đầy khói thuốc lá tên là Kulacs và Kispipa. Ở đó, người đàn ông nhỏ thó (cao chỉ 1,55 m) miệng phì phèo điếu thuốc, ngồi lọt thỏm sau chiếc dương cầm, đánh đàn theo kiểu “mổ cò” (chơi bằng chỉ 2 ngón tay).
Ông chơi nhạc từ 6 giờ chiều cho đến rạng sáng, dù chơi ở những quán ăn xập xệ - thực khách là giới thợ thuyền bình dân, những gái điếm về khuya, nhưng chính Seress là nguồn cảm hứng cho những cơn “bốc lửa” của đám thực khách.
Nhạc sĩ Seress và vợ Helénke |
TƯ LIỆU |
Và, những bản nhạc do Seress sáng tác (theo kiểu kỳ dị nói trên) chỉ ít ngày sau là được đám trẻ đánh giày, các chị “buôn thúng bán bưng” hát khắp đường phố. Năm 1925, bản nhạc Một đêm nữa (Még egy éjszakát) của Seress bán được 16.000 bản - một kỷ lục thời bấy giờ, khiến tên tuổi của ông được biết đến trên khắp nước Hungary.
Bản nhạc của tử thần
Năm 1933, anh chàng Jávor László chứng kiến người yêu lên xe hoa nên đã làm một bài thơ, rồi năn nỉ người bạn thân là “nhạc sĩ” Seress phổ nhạc. Ông Seress này rị mọ “đánh vật” huýt sáo với bài thơ này mấy ngày rồi cũng... xong (sau khi thuê người khác ký âm lại với giá 5 đồng). Bản nhạc Chủ nhật buồn đã ra đời như vậy!
Cuối năm 1935, báo chí bắt đầu loan tin rằng đã có nhiều người tự tử ở cầu bắc qua sông Danube ở thủ đô Budapest chỉ vì bản nhạc nói trên, rồi báo chí ở các nước Thụy Sĩ, Ý, Pháp, Ðức... cũng rộ lên rằng có quá nhiều người tự tử sau khi hát hoặc nghe “bản nhạc của tử thần”, và có đến 15 quốc gia đâm đơn kiện Seress vì những cái chết liên quan đến bài hát này.
Chủ nhật buồn đã chinh phục thế giới bằng cơn sốt như vậy. Nó tạo thành cái “mốt... tự tử” ở khắp châu Âu đến nỗi Seress cảm thán: “Giờ người ta nghĩ đến tôi như kẻ đào mồ với chiếc xẻng trong tay”... Đầu thập niên 40 của Thế chiến 2, Seress bị lính Đức Quốc xã bắt vào trại tập trung (vì là người gốc Do Thái). Ông bị tù 4 năm, đến lúc đưa ra hành quyết thì viên sĩ quan Đức phát hiện ra ông là tác giả của Chủ nhật buồn nên tha chết (đây cũng là lần duy nhất ông xa thủ đô nước Hung).
Bài Chủ nhật buồn được dịch ra hơn 100 thứ tiếng. Ở Việt Nam, nhạc sĩ Phạm Duy đã đặt lời theo bản tiếng Pháp vào những năm đầu thập niên 50 (thế kỷ trước). Nhạc sĩ cho biết: “Trong thời gian du học ở Pháp, tôi rất yêu những bản nhạc tình của một nữ nhạc sĩ đang nổi tiếng tên là Nicole Louvier và có soạn lời tiếng Việt cho một số bài của cô. Rất buồn là tôi đã quên hết. Nhưng tôi nhớ là có vì cô mà soạn lời cho một trong những bài nhạc tình buồn nhất của thế giới. Đó là bài Sombre Dimanche, được phóng tác từ nhạc Hung-gia-lợi. Bài này có hơi nhạc rất gần gũi với hơi nhạc của Nicole Louvier. Người đời có tạo một huyền thoại về bài Chủ nhật buồn này, nói rằng đã có người tự tử khi nghe bản nhạc…” (trích Ngàn lời ca khác).
Bản lời Việt do Phạm Duy đặt lời, được cho là theo sát với ca từ của bản tiếng Pháp. Đã có nhiều ca sĩ nổi tiếng thể hiện bản này như: Khánh Ly, Sĩ Phú, Chế Linh, Duy Quang, Thiên Phượng...
Ai chết, cứ chết. Riêng anh chàng “nhạc sĩ mù nhạc - thiên tài” nhờ bản nhạc này mà trở nên “hơn cả nổi tiếng”, khiến cho một mệnh phụ được xưng tụng là “đẹp nhất Budapest” - nàng tên Helénke, vốn là vợ một vị đại tá về hưu, cũng bỏ chồng mà lấy anh nhạc sĩ nghèo vì tin chắc sẽ có một ngày chàng vinh hiển.
Ai ngờ, chàng nhảy lầu (từ lầu 4) tự tử vào một ngày “Chủ nhật buồn” tháng 1.1968 (thọ 69 tuổi). Bản nhạc định mệnh đã không tha ngay cả người sáng tác ra nó, như chính lời bài hát: Trước quan tài khói hương mờ/Bốc lên như vạn ngàn lời/Dẫu qua đời mắt tôi cười/Vẫn đăm đăm nhìn về người…
Bình luận (0)