Những khúc ca huyền bí: Chuyện tình ngậm ngải tìm trầm

Hà Đình Nguyên
Hà Đình Nguyên
30/10/2021 06:45 GMT+7

Có một bài hát từng được yêu thích vì tính chất “dã sử - chuyện đường rừng” hẳn bây giờ vẫn còn người nhớ, đó là ca khúc Chuyện tình ngậm ngải tìm trầm.

Truyền thuyết “ngậm ngải tìm trầm”

Truyền thuyết này có từ thuở xa xưa và hầu như đã trở thành câu nói đầu môi (thành ngữ) của nhiều người, nhất là giới đi rừng tìm trầm (trong giới gọi là “điệu trầm”, nói trại là “đi địu”).

Trầm là một chất phản vệ tiết ra từ cây dó khi thân cây bị xâm hại. Lâu ngày, chất này kết tinh lại thành trầm, tỏa mùi hương rất thơm, được dùng làm dược liệu, nước hoa... có giá trị rất cao. Ở nước ta, việc tìm trầm đã có từ xưa, nhưng rộ nhất là vào thập niên 1980 ở miền Trung. Lúc đó, dẫu đang ở cuối thế kỷ 20 nhưng những người “đi địu” vẫn bắt buộc phải tuân thủ: đã đi “tìm trầm” là phải “ngậm ngải” - một luật bất thành văn thuộc về... tâm linh!

Bìa đĩa Chuyện người ngậm ngải tìm trầm

Tư liệu

Ngải là một vật linh thiêng, bí hiểm thường được các thầy mo (người dân tộc thiểu số) nuôi trồng (cây ngải thuộc họ cây nghệ, tương truyền thả con gà vào đám cây ngải, lát sau chỉ còn bộ lông) hoặc nuôi (lấy râu mép con cọp cắm vào mụt măng tre, một thời gian sau nó biến thành những con sâu...). Ngải có 2 công dụng mâu thuẫn: giúp hoặc hại người, cho nên những thầy ngải rất được người khác kiêng dè. Trở lại chuyện “đi địu”, thường là họ đi thành từng nhóm. Trước khi đi, họ phải chay tịnh, giữ mình sạch sẽ, làm mâm cúng và quan trọng nhất là phải tìm tới thầy mo để chuộc ngải. Thầy mo cho ngải vào một túi vải, người “đi địu” sẽ mang theo trong mình (thường đeo vào cổ chứ không hẳn là ngậm trong miệng). Lúc đó, ngải có tác dụng ngăn ngừa sơn lam chướng khí, rắn rết hổ báo và tiếp thêm sức mạnh cho người đi tìm trầm...

Trong văn học nước ta, nhà văn Thanh Tịnh đã viết truyện ngắn Ngậm ngải tìm trầm (năm 1943) kể chuyện: có vợ chồng kia và 2 đứa con ở ngôi làng gần bìa rừng thuộc tỉnh Quảng Trị. Vì cuộc sống quá nghèo khổ, người chồng đánh liều “ngậm ngải tìm trầm”. Trước khi đi, thầy mo có dặn ngải chỉ có tác dụng trong vòng 100 ngày, quá hạn ấy sẽ gặp nguy... Chàng đi mãi, đi mãi mà không gặp trầm, đến lúc sắp hết hạn, chàng vội vàng quay về thì không nhớ đường. Quá 100 ngày, lông lá mọc khắp người, rồi chàng hóa thành hổ - dù vậy vẫn cố tìm đường trở về thăm vợ con. Nhưng về tới nơi thì vợ con hoảng sợ, dân làng hợp nhau xua đuổi chàng về rừng xanh. Từ đó, những đêm trăng sáng, dân làng nghe từ bìa rừng vọng ra những tiếng cọp gầm não nề đến xé lòng...

Nhà thơ Hồ Đình Phương

Bài hát Chuyện tình ngậm ngải tìm trầm

Ca khúc Chuyện tình ngậm ngải tìm trầm (một số bìa đĩa ghi Chuyện người ngậm ngải tìm trầm) ra đời khoảng đầu thập niên 1970 do nhạc sĩ Châu Kỳ và nhà thơ Hồ Đình Phương hợp soạn. Bài hát được viết theo điệu Habanera vốn khá phổ biến vào thời đó. Nội dung bài hát do được nhà thơ soạn lời nên khá... mông lung: Câu chuyện cũ đôi người tình của thời Quốc chiến/Dòng lệ dâng xin trời chứng cho một lời nguyền/Trời cao chưa thấu, trời cao chưa thấu, trời cao chưa thấu/Tình đã ly tan, ôi tình đã ly tan/Mới nên tích sự người ngậm ngải tìm trầm... Nhà thơ cho câu chuyện xảy ra từ thời Quốc chiến (nhiều bản trên YouTube bây giờ viết nhầm là “thời quốc kiến” rất tối nghĩa, đúng ra là thời Chiến quốc bên Tàu - khoảng hơn 400 năm trước Công nguyên, tác giả hoán đổi vị trí ca từ cho dễ hát - NV), có đôi nhân tình đã từng thề non hẹn biển nhưng rồi ly tan vì “trời cao chưa thấu”. Cái câu “trời cao chưa thấu” được lặp lại những 3 lần như một nỗi oan khuất của người trong cuộc, ngửa mặt lên trời mà thét lên những lời tuyệt vọng...

Ở đây chúng ta thấy được những điệp từ này là thủ pháp rất dụng công của 2 đồng tác giả, cũng như ở câu kế tiếp: Ai ngậm ngải đi tìm trầm vượt đồi băng suối/Trọn đời dâng bao mộng ước cho cuộc tình đầu/Người đi đi mãi, người đi đi mãi, người đi đi mãi/Vẫn thấy cô đơn, ôi vẫn thấy cô đơn/Dấu chân phong trần vào chuyện buồn ngàn thương... Câu “người đi đi mãi” được lặp lại 3 lần là điểm nhấn về thời gian chàng trai đã “ngậm ngải” để vượt đồi băng suối đầy gian nan, hiểm nguy để cố tìm cho ra cây trầm là hiện thân của người con gái (trước đó) đã đi lạc trong rừng rồi gục chết. Chàng đi, đi mãi, qua biết bao nhiêu ngày tháng để đến khi ngải trong miệng tan hết rồi thì chàng biến thành con dã nhân...

Trước 1975, bài này được các danh ca Chế Linh, Giao Linh rồi đôi song ca Thanh Tuyền - Thanh Phong thể hiện rất được khán giả yêu thích. Những ca sĩ mới sau này thì có Thu Cúc, Duy Sang cũng trình bày khá thành công.

Thi sĩ Hồ Đình Phương (1927 - 1979) là một người đặt lời rất hay cho các nhạc sĩ khác như: Hoàng Trọng, Song Ngọc, Lam Phương, Minh Kỳ, Hoàng Nguyên, Phạm Thế Mỹ... Riêng 2 nhạc sĩ Châu Kỳ và Hoàng Trọng thì ông đặt lời nhiều nhất (khoảng 30 ca khúc của mỗi nhạc sĩ). Hồ Đình Phương là cháu ngoại Thượng thư Võ Liêm nên gọi nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh là dì ruột, dù ông lớn tuổi hơn. Còn nhạc sĩ Châu Kỳ (1923 - 2008) với người viết là chỗ rất thân tình. Ông là tác giả của những bài hát quen thuộc: Con đường xưa em đi, Túy ca, Sao chưa thấy hồi âm, Khuya nay anh đi rồi, Đừng nói xa nhau...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.