Những lão nông giữ nghề làm lược

27/05/2014 08:12 GMT+7

Ở làng Vạc (xã Thái Học, huyện Bình Giang, Hải Dương) có những cụ ông, cụ bà đã quá tuổi thất thập nhưng vẫn miệt mài làm ra hàng ngàn chiếc lược tre mỗi tháng.

Những lão nông giữ nghề làm lược
Cụ Thà trong xưởng lược gia đình - Ảnh: H.H

Ở làng Vạc, ai cũng biết tiếng cụ Nguyễn Thị Thà, một người chuyên làm lược nay đã 78 tuổi, mắt kém, tay run nhưng vẫn hành nghề. Cụ Thà đã có vài chục năm làm lược cho biết chiếc lược tre sẽ đi cùng cụ đến cuối cuộc đời. Cụ nói: “Tôi biết làm lược từ nhỏ. Mà cô cũng thấy đấy, ở đây thì cũng có nghề gì khác nữa đâu, chỉ biết cấy lúa và làm lược thôi!”. Cụ cho biết mỗi tháng làm được 1.000 chiếc lược, giá bán 1.500 - 1.600 đồng mỗi chiếc.

Lược cụ Thà làm ra không diêm dúa như những chiếc lược nhựa bán ở các hiệu tạp hóa, song vẫn là đồ dùng chuộng của rất nhiều người thích dùng lược bí, tức loại lược răng tre, khe nhỏ mà thời xưa người ta chuyên dùng để… chải chấy. Bí quyết nghề nghiệp, cụ truyền lại cho hai người con là anh Nhữ Đình Quân và chị Nhữ Thị Hợp.

Ngồi trên chiếc chõng tre nhìn mẹ tỉ mẩn, anh Quân kể: “Ngày trước bà còn khỏe, tháng nào cũng làm ra 2.000 - 3.000 chiếc, nuôi cả gia đình”. Anh Quân đi bộ đội rồi xuất ngũ cũng theo mẹ làm nghề cho đến nay. Gia đình anh là một trong 650 hộ làm lược có năng suất, chất lượng và mẫu mã đẹp nhất làng Vạc. Thay vì làm thủ công, gần đây, nhờ dùng máy cho việc mài răng lược nên mỗi tháng gia đình anh làm được tới 3.000 - 4.000 chiếc.

Tương tự cụ Thà, cụ Nguyễn Ngọc Vân, 75 tuổi cũng có kinh nghiệm 24 năm trong nghề. Mỗi tháng cụ cho ra 2.000 chiếc lược, bán được khoảng 3 triệu đồng.

Tuy nhiên, do chỉ còn những người cao tuổi làm nghề nên vùng quê đang chuyển mình nhanh chóng theo hướng đô thị hóa, công nghiệp hóa, làng Vạc vẫn bình yên đến kỳ lạ. “Các cháu bây giờ đi học, đi làm công ty chứ ở quê làm nghề lược thì làm sao sống nổi” cụ Vân nói.

Những người già như cụ Vân vẫn nhớ rõ một khu chợ lược độc nhất vô nhị ở làng Vạc, họp vào các ngày 3, 5, 8, 10 âm lịch hằng tháng: mỗi phiên, người buôn bán nguyên liệu lại chở tre, gỗ, sơn ta từ vùng cao về bán, người làng thì gánh lược ra chợ giao buôn, lái lược từ các nơi khác về cất hàng... làm cho mỗi phiên chợ là một ngày hội. Ngoài những mặt hàng ấy, chợ không bán thêm mặt hàng nào khác.

Trao đổi với Thanh Niên Online, ông Nhữ Đình Thắng, cán bộ UBND xã Thái Học, cũng là con của cụ Vân cho biết, đây là nghề tiết kiệm được lao động, vừa không kén mùa vụ, thời tiết nên người già, con trẻ, thậm chí cả người tàn tật cũng có thể làm được. Cách đây 20-30 năm, có đến 100% hộ gia đình trong xã đều làm lược, nghề lược đóng góp đến 30 - 45% thu nhập của người dân. Đáng nói, đây là nghề truyền thống của làng, có từ hơn 3 thế kỷ. Năm 1993 đền thờ ông tổ nghề được công nhận là di tích lịch sử văn hóa, năm 2009, làng được công nhận là làng nghề truyền thống.

Song, từ dăm năm nay, nghề làm lược bắt đầu mai một, chợ lược biến thành nhà truyền thống và chỉ còn họp vào những ngày lễ, hội. Để cứu vãn nguy cơ mai một làng nghề, năm 2013 xã và Sở Công thương Hải Dương mở chiến dịch khuyến khích người dân mở rộng sản xuất, tạo điều kiện cho dân vay vốn và lớp dạy nghề cho 70 học viên nhưng nỗ lực này vẫn không thu hút được lớp trẻ, ông Phạm Ngọc Mạnh - Phó bí thư Đảng ủy xã cho hay.

Hoàng Hà

>> Lão nông và hệ thống tưới tiêu '3 trong 1
>> Một “lão nông” đã rời cánh đồng nghệ thuật tuồng
>> Lão nông gom đá vá đường
>> Lão nông chế tạo bẫy diệt ruồi
>> Thơ của một lão nông
>> Lão nông “từ thiện”    

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.