Tối 29.5, đã diễn ra talkshow "Tâm lý vững vàng - Dễ dàng vượt khó" nằm trong chương trình "Tiếp sức mùa thi" năm 2024 dành cho học sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sắp tới. Chương trình được livestream trên các cổng thông tin: T.Ư Đoàn, Ban Tuyên giáo T.Ư Đoàn, Hội Sinh viên VN, Hội Liên hiệp Thanh niên VN, Cổng tri thức Thánh Gióng và chia sẻ trên các kênh của cơ sở Đoàn, Hội trên cả nước. Chương trình "Tiếp sức mùa thi" do T.Ư Hội Sinh viên VN, Bộ GD- ĐT, Báo Thanh Niên và Tập đoàn Thiên Long tổ chức.
Các diễn giả tham gia chương trình gồm: PGS-TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội); ông Hoàng Nam Tiến, Phó chủ tịch Hội đồng trường - Trường ĐH FPT; MC Trần Khánh Vy, nhà sáng tạo nội dung, người dẫn chương trình cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia.
"Bình tĩnh, tự tin, không cay cú"
Tại chương trình, các chuyên gia đã phân tích tâm lý thường gặp của thí sinh trước kỳ thi và khi bước vào phòng thi.
PGS-TS Trần Thành Nam cho biết học sinh lớp 9 là lứa tuổi có rất nhiều hoang mang, lo lắng, trong khi chưa có một số kỹ năng giải quyết vấn đề, kiểm soát cảm xúc, lại tiếp cận với nhiều luồng thông tin nên có nhiều áp lực. Đặc biệt là sự kỳ vọng của bố mẹ đôi khi đã tạo áp lực cho các em.
"Chính sự lo lắng của bố mẹ đã gây nên áp lực cho các em. Ví dụ như tâm lý sợ con không đỗ, phải đi học nghề thì sau này không trở thành công dân tốt. Trong khi có rất nhiều con đường để dẫn đến thành công", ông Nam nói. Theo ông, việc giữ trạng thái, tinh thần thoải mái trong kỳ thi rất quan trọng và tự thí sinh cần kiểm soát cảm xúc của mình. Nếu không làm chủ được cảm xúc thì không thể phát huy tối đa năng lực bản thân.
Cùng quan điểm, ông Hoàng Nam Tiến cho rằng phụ huynh và học sinh cần bình tĩnh, vì không đỗ thì có nhiều con đường để đi học; tự tin vì đề thi dành cho nhiều người nghĩa là không quá khó; còn gặp câu khó quá thì bỏ đi, không cay cú.
MC Khánh Vy chia sẻ về trạng thái tâm lý của mình lúc thi vào lớp 10 và cho biết cũng cảm thấy hoang mang về tương lai, cứ nghĩ không đỗ thì không có tương lai. "Sau này đi làm, mình đã được gặp gỡ nhiều người đến từ nhiều ngành nghề. Mình nhận ra rằng không phải đi đúng con đường này mới thành công. Chỉ cần bạn cố gắng hết sức thì sẽ không hối tiếc", Khánh Vy chia sẻ.
Cô cũng cho biết để giảm áp lực, cô có bí quyết viết hết suy nghĩ ra giấy. "Viết lách là cách sắp xếp suy nghĩ của mình một cách thẳng hàng hơn hoặc ra ngoài thiên nhiên hay giải trí bằng việc rửa bát, để giải tỏa tâm lý", nữ MC chia sẻ. Cô cho biết mình đã rất chăm chỉ rửa bát vì lúc đó là khoảng thời gian "không phải nghĩ gì".
Cha mẹ, thầy cô đồng hành như thế nào?
Tại chương trình, các chuyên gia đã đưa ra những lời khuyên cho các bậc phụ huynh về cách quan tâm, đối xử với thí sinh trong giai đoạn áp lực của kỳ thi. Ông Nam cho rằng với cuộc đời một đứa trẻ thì bố mẹ là người thầy đầu tiên, cũng là nhà đầu tư tự nguyện cho con cái và coi đó là "của để dành". Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ lại quá bận rộn, nên lúc cần ở bên con nhất để hỗ trợ thì không có. Thậm chí, còn gây áp lực khiến con quá tải và kiệt sức. "Nếu bạn nào chỉ chăm chú xem điện thoại thả trôi mọi thứ, đó là dấu hiệu của sự quá tải", ông Nam nói.
Ông Tiến cho biết hiện ở lứa tuổi 15, con cái rất khó nói chuyện với bố mẹ và lại tin vào những "thế lực" từ mạng xã hội. "Bạn bè lại chia sẻ với nhau những thông tin không đáng tin cậy, không có sự kiểm chứng, phản biện từ người lớn. Đây mới là đáng ngại. Nên bố mẹ phải thực sự chủ động hiểu, thông cảm với con cái, đừng để con mình chỉ nói chuyện với mạng xã hội", ông Tiến chia sẻ.
Ông Nam cho rằng thầy cô là người quan trọng thứ hai sau bố mẹ, để định hướng con đường phát triển, hoàn thiện nhân cách của học sinh. Vì vậy, cần sự đồng hành của thầy cô trong thời điểm bước ngoặt này.
Đồng tình, ông Tiến chia sẻ kinh nghiệm để thầy cô đồng hành cùng học sinh. Đó là việc cần tìm hiểu xem các con có đam mê, khát vọng gì, có năng lực phù hợp không. Từ đó mới định hướng ngành nghề trong tương lai.
MC Khánh Vy đã chia sẻ câu chuyện của bản thân khi cô là người không học tốt môn toán và thích ca hát nhảy múa, nên có cảm giác thầy cô không đánh giá cao. "Lúc đấy mình cũng nghĩ không giỏi toán thì không biết có thành công không. Tuy nhiên có một thầy dạy phụ đạo môn toán đã nói với mẹ mình: "Nó có khả năng nói trước đám đông như thế thì sẽ thành công". Câu nói đó đã mang lại công lực để mình giải tỏa tâm lý và tự tin theo đuổi đam mê", MC Khánh Vy kể.
Dưới góc độ chuyên gia về tâm lý, ông Nam cho rằng sự ghi nhận đúng thời điểm và những nhận xét mang tính khích lệ, có thể là bước ngoặt thay đổi cả cuộc đời một con người. Vì thế, cha mẹ và thầy cô cần nhìn vào điểm mạnh và những thành công của các em để tạo động lực, chứ không gây áp lực.
Bình luận (0)