Tiếp sức mùa thi 2024

Ngành nghề của tương lai: Có một nghề vừa chơi, vừa làm và vừa... có tiền

Phạm Hữu
Phạm Hữu
16/05/2024 07:23 GMT+7

Không dừng lại ở việc chơi game giải trí, thể thao điện tử đang dần trở thành một ngành nghề sản sinh ra nhiều vị trí việc làm và tuyển dụng một cách chuyên nghiệp.

Thể thao điện tử là gì ?

Ông Đỗ Việt Hùng, Tổng thư ký Hội Thể thao điện tử giải trí VN (VIRESA), cho biết thể thao điện tử (eSports) được biết đến tại VN từ khá sớm (khoảng 20 năm trước), bắt đầu từ những hệ thống giải đấu chuyên nghiệp đầu tiên trong nước. Sau đó, eSports có sự chuyển biến mạnh khi được đưa vào thi đấu từ SEA Games 30, đây là lần đầu tiên đoàn VN giành được 3 huy chương đồng.

Nhờ thành công của đội tuyển VN nên eSports đang được quan tâm nhiều hơn

Nhờ thành công của đội tuyển VN nên eSports đang được quan tâm nhiều hơn

VIRESA

Tiếp đến là những thành tích vượt trội của đội tuyển trong đấu trường các kỳ đại hội thể dục thể thao khác. Về tổng thể eSports VN đã hình thành tương đối đầy đủ hệ sinh thái với vai trò chủ đạo của các đơn vị như: nhà phát hành nội địa, các công ty truyền thông, tổ chức sự kiện và giải đấu. Trong đó, các nhà đầu tư đội tuyển eSports chuyên nghiệp và lực lượng vận động viên đang thi đấu tại các giải trong nước ở khoảng hơn 10 bộ môn phổ biến.

Theo ông Hùng, hiện nay eSports đã phổ biến và lan tỏa ngày một sâu rộng trên quy mô toàn cầu với hơn 140 quốc gia và được coi là một ngành nghề chuyên nghiệp. Ở VN cũng vậy, cùng với sự phát triển nhanh về eSport, các sự kiện quốc tế đã diễn ra, mô hình tổ chức chuyên nghiệp, được đầu tư bài bản, vì thế nhu cầu về lực lượng lao động của ngành cũng đang trên đà tăng trưởng tương đối nhanh. Cũng như nhiều ngành nghề khác, ngoài một số vị trí công việc đòi hỏi đặc biệt về năng khiếu, tố chất, chuyên sâu như vận động viên, huấn luyện viên thì eSports cũng có rất nhiều vị trí công việc mà nhiều ngành nghề khác có thể đảm nhiệm.

"Do đó, nhu cầu tuyển dụng tại các doanh nghiệp trong ngành khá đa dạng và có thể thấy eSports đang tạo ra những công việc rất đặc thù, giàu sáng tạo, mang đến nhiều hơn những lựa chọn nghề nghiệp với đối tượng trẻ. Hiện nay, chưa có thống kê cụ thể về số doanh nghiệp và tổ chức hoạt động, nhân lực trong ngành, tuy nhiên số lượng cũng không phải là ít. Chẳng hạn như tại VIRESA có gần 200 hội viên là tổ chức, doanh nghiệp", ông Hùng nói.

Cụ thể hơn về các vị trí việc làm, ông Bùi Anh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn giải trí Đại Dương (OEG), cũng nhìn nhận nhờ sự phát triển nhanh của thị trường eSports đã tạo ra nhu cầu nguồn nhân lực lớn cho ngành nghề này. ESports có 2 vị trí công việc chủ chốt là tuyển thủ chuyên nghiệp và huấn luyện viên. Bên cạnh đó là các vị trí việc làm phụ trợ như: bình luận viên, tổ chức, quản lý sự kiện, marketing, truyền thông, thiết kế, công nghệ thông tin…

Tuyển dụng việc làm ra sao ?

Đầu tiên, ông Tuấn nêu với vị trí vận động viên thì điều kiện để được tuyển dụng sẽ dựa trên thành tích thi đấu, kỹ năng chơi game, khả năng làm việc nhóm, tinh thần kỷ luật, đạo đức cũng như tiềm năng phát triển trong tương lai. Bởi đây là bộ phận xương sống, được xem là "gương mặt thương hiệu", đại diện cho công ty trong các giải đấu và sự kiện, là những người trực tiếp mang thành tích về cho công ty chủ quản.

Ngành eSports còn có nhiều vị trí việc làm hỗ trợ

Ngành eSports còn có nhiều vị trí việc làm hỗ trợ

OEG

Tuy nhiên, ông Tuấn nói thêm, việc tuyển dụng cũng có một số khó khăn nhất định. Chẳng hạn như số lượng ứng viên hạn chế, ít người có chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm và đối mặt với sự cạnh tranh từ các tổ chức lớn. Bên cạnh đó, còn là thách thức trong việc quản lý và phát triển tài năng sau khi tuyển dụng. Công ty cần phải đầu tư nhiều thời gian cũng như tài nguyên để đảm bảo rằng nhân sự của mình phát triển và thích ứng với môi trường làm việc.

Về tuyển dụng, ông Tuấn cho biết với ngành này sẽ tùy thuộc vào quy mô cũng như định hướng phát triển của từng công ty mà các vị trí cũng như số lượng tuyển dụng nhân sự sẽ khác nhau. Tuy nhiên nhìn chung, trong một công ty eSports sẽ bao gồm rất nhiều vị trí nhân sự: "game" thủ thi đấu chuyên nghiệp, streamer, bình luận viên, tổ chức, quản lý sự kiện, marketing, truyền thông, thiết kế, lập trình viên, hành chính nhân sự… Các vị trí này sẽ bổ trợ cho nhau để tạo nên một hệ sinh thái nhân lực hoàn chỉnh.

Ông Tuấn cũng dự báo xu hướng sáng tạo nội dung về eSports cũng đang là nghề mang lại thu nhập tốt. Ngoài ra, chất lượng huấn luyện với đào tạo eSports cũng chưa được chú trọng, khả năng tương lai gần sẽ có nhu cầu lớn khi số lượng sản phẩm và giải đấu eSports tăng.

Bà Đinh Hồng Phượng, quản lý phát triển kinh doanh Công ty TNHH Flash Entertainment VN, cũng cho biết các tổ chức eSports hiện nay đông hơn số lượng ứng viên chất lượng đang có mặt trên thị trường tuyển dụng. Vì vậy, sức cạnh tranh tuyển dụng giữa các đội, công ty rất lớn. Không giống như bất cứ ngành nghề nào, các đội giàu thành tích, nổi tiếng sẽ dễ dàng thu hút các ứng viên hơn so với các đội tuyển trẻ, mới thành lập.

Ở một góc nhìn khác, ông Huỳnh Đức Huy, Giám đốc điều hành Công ty Mọt Game, cho biết VN đang có nguồn nhân lực dồi dào cho eSports bởi dân số đang trong độ tuổi vàng, trình độ công nghệ thông tin tăng trưởng, thu nhập cải thiện rõ rệt trong những năm qua là động lực phát triển cho eSports. Đồng thời lứa gen Z hiện nay đang ở độ "chín" với nghề. Các bạn đang rất hào hứng và kỳ vọng nhiều vào nghề có tính đặc thù vì "vừa chơi vừa làm" này. Tuy nhiên, độ tuổi nhân lực của ngành đang rất trẻ so với các nước xung quanh, nhiều bạn còn chưa hoàn thành việc học đã là vận động viên eSports chuyên nghiệp. Ngoài ra, với góc nhìn xã hội với ngành game nói chung, đã tạo ra môi trường phát triển nghề nghiệp không thực sự tốt. Do lầm tưởng và bị ảnh hưởng bởi mạng xã hội, rất nhiều bạn trẻ khi dấn thân vào nghề đã có những hướng phát triển sự nghiệp bế tắc, thậm chí là sai lệch.

Ngành nghề của tương lai: Có một nghề vừa chơi, 
vừa làm và vừa... có tiền- Ảnh 3.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.