Những lưu ý sau khi tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ

Duy Tính
Duy Tính
02/04/2022 16:37 GMT+7

Trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi sau tiêm vắc xin Covid-19 ngoài những phản ứng thông thường thì phản ứng nặng như viêm cơ được cho là rất hiếm xảy ra. Tuy nhiên, cần theo dõi những bất thường để nhập viện kịp thời.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM khuyến cáo người dân mạnh dạn cho em em từ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm vắc xin Covid-19. Theo ông, tỷ lệ tai biến, phản ứng sau tiêm của trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi thấp hơn so với từ 12 - 17 tuổi.

Đảm bảo an toàn khi tiêm vắc xin là ưu tiên hàng đầu

DUY TÍNH

Rất hiếm gặp viêm cơ tim

Trước đó, chiều 31.3, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến về tập huấn tiêm chủng vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi để hướng dẫn công tác tổ chức tiêm chủng và khám sàng lọc trước tiêm cho trẻ ở lứa tuổi này.

Đợt tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi sẽ sử dụng 2 loại vắc xin là vắc xin Comirnaty của Pfizer/BioNTech và vắc xin Spikevax của Moderna.

Bộ Y tế đặc biệt lưu ý, chỉ sử dụng một loại vắc xin Covid-19 để tiêm đủ 2 mũi cho cùng 1 đối tượng trẻ.

Theo Bộ Y tế, cả 2 loại vắc xin này đều có thể gặp các tác dụng phụ phổ biến tương tự với người lớn sau khi tiêm vắc xin như: đau đầu, ớn lạnh, sốt...; rất hiếm gặp các phản ứng: viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim.

“Viêm cơ tim hầu như không thấy ở trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi và nếu có chỉ bằng 1/10 so với trẻ lớn hơn. Cứ 1 triệu em từ 12 - 17 tuổi tiêm đủ 2 liều thì có 50 em viêm cơ tim, còn trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi thì chỉ bằng 1/10, tức chỉ 5 em. Trên thực tế, người ta chưa phát hiện viêm cơ tim ở trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi, chỉ phát hiện có sự thay đổi điện tâm đồ một chút”, PGS-TS Đỗ Văn Dũng nói.

TP.HCM còn hơn 4.000 người thuộc nhóm nguy cơ trên 65 tuổi chưa tiêm vắc xin Covid-19

Những trẻ nào phải hoãn tiêm?

Dự kiến sẽ triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi từ tháng 4.2022, ngay sau khi đơn vị tiêm được cung ứng vắc xin và triển khai ưu tiên tiêm cho trẻ theo thứ tự độ tuổi giảm dần.

Theo Bộ Y tế, cần chú ý việc trì hoãn tiêm chủng ở trẻ mắc Covid-19, hoãn 3 tháng kể từ ngày trẻ khởi phát bệnh. Trẻ có hội chứng viêm đa cơ quan (MIS-C) hoãn đến khi trẻ hồi phục hoàn toàn.

Theo dõi trẻ sau tiêm bao lâu?

Bộ Y tế yêu cầu các khâu tổ chức và xử trí phản ứng sau tiêm vẫn tuân thủ và duy trì như các quy định tiêm chủng trước đây.

Ngoài ra, nội dung của phiếu khám sàng lọc cũng tương tự như các đợt tiêm trước theo Quyết định số 5002 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn sửa đổi, bổ sung hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin Covid-19 đối với trẻ em.

Sau buổi tiêm chủng, trẻ sẽ được yêu cầu theo dõi tại điểm tiêm chủng 30 phút và tiếp tục theo dõi trẻ 28 ngày sau tiêm, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu. Qua đó, phát hiện sớm các phản ứng sau tiêm nhằm có biện pháp xử trí kịp thời và hiệu quả.

Chăm sóc trẻ sau tiêm thế nào?

Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC khuyến cáo phụ huynh, người chăm sóc cần lưu ý sau khi trẻ tiêm vắc xin Covid-19.

Theo đó, luôn bên cạnh trẻ 24/24, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng vắc xin Covid-19.

Hạn chế gửi trẻ ở nhà trẻ vì một vài cô giáo không thể theo dõi hết được cho tất cả các trẻ và trong trường hợp cần phải gửi thì phải dặn cô giáo lưu ý những triệu chứng nặng cần đưa bé đi bệnh viện càng sớm càng tốt. Dặn dò và hạn chế để trẻ đùa nghịch hay chơi những môn thể thao có cường độ mạnh như: đá bóng, chạy bộ hay bóng rổ…; bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ.

Nếu thấy sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm: tiếp tục theo dõi; nếu sưng to nhanh thì đi khám ngay, không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau.

Thường xuyên đo thân nhiệt trẻ. Nếu trẻ có sốt dưới 38,5 độ C thì cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước; không để nhiễm lạnh; đo lại nhiệt độ sau 30 phút.

Nếu trẻ sốt từ 38,5oC trở lên, sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 tiếng, cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất.

UNICEF kêu gọi Việt Nam mở cửa trường học tất cả các cấp cho trẻ em

Theo PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, việc tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ là hết sức quan trọng nhằm giúp bảo vệ sức khỏe của trẻ, tạo sự an tâm cho phụ huynh cũng như bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.

Đợt tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi sẽ sử dụng 2 loại vắc xin là vắc xin Comirnaty của Pfizer/BioNTech và vắc xin Spikevax của Moderna. Cụ thể, vắc xin Comirnaty của Pfizer/BioNTech tiêm cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi có nắp lọ vắc xin màu cam (để phân biệt với vắc xin cho người lớn). Chống chỉ định: quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của vắc xin. Liều lượng, đường tiêm: tiêm bắp, liều 0,2ml. Lịch tiêm: 2 mũi, cách nhau 4 tuần.

Vắc xin Covid-19 Spikevax của Moderna chống chỉ định đối với trẻ quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của vắc xin. Liều lượng, đường tiêm: tiêm bắp, liều 0,25ml. Lịch tiêm: 2 mũi, cách nhau 4 tuần.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.