Những mảnh vỡ dịu dàng - Truyện ngắn của Lê Hồng Mận (Đà Nẵng)

13/11/2022 08:30 GMT+7

Trời tờ mờ sáng. Ngoài hiên, gió vẫn rít từng cơn không ngừng. Mưa mỗi lúc một nặng hạt. Cái lạnh tan ra, trùm lên cả căn phòng, thấm vào từng thớ thịt khiến Miên rùng mình co ro người lại, đắp thêm một lớp chăn.

Người phụ nữ mặc một chiếc áo dài lụa màu trắng cổ, những đóa mai xanh được thêu tay tinh tế, rũ nhẹ từ một bên ngực xuống tà. Người mẹ ấy vẫn dịu dàng như thế, như đối với Miên từ bé đến giờ. Bà cúi xuống hôn nó. Mùi hương ngọt ngào ấy khiến con bé bất chợt muốn ngồi dậy ôm lấy cổ mẹ, khóc đòi mẹ. Nhưng rồi, những lời mẹ dặn nhiều đêm trước cứ dập dìu cuốn chặt lấy Miên, khiến con bé cuộn tròn nằm yên như thể đang say giấc.

Miên gần sáu tuổi. Cái tuổi vừa đủ hiểu lời người lớn nói nhưng lại chưa đủ hiểu lý do người lớn làm. Như hôm nay đây, trong suy nghĩ ngây thơ của con bé, mẹ mặc đồ rất đẹp. Nhẽ ra mẹ phải vui như khi nó mặc váy công chúa đi chơi công viên; vậy mà mẹ lại khóc. Qua khe rách của tấm chăn bông, nó thấy mẹ lau nước mắt. Những giọt nước mắt thi nhau rơi trên gương mặt được đánh má hồng và son môi màu cam nhạt.

8 giờ. Mưa dứt. Người cũng vãn. Tiếng chim gọi nhau vừa đủ ấm để xé tan cái lạnh được giăng kỹ càng từ nhiều hôm nay. Qua ô cửa nhỏ, Miên thấy bóng mẹ khuất dần sau hàng cây rồi mất hút. Đôi mắt đen láy của nó mọng nước, đỏ hoe, gương mặt thất thần vô định…

Hôm ấy, mẹ Miên đi lấy chồng…

***

“Cháu tên Vân Khánh ạ!”.

Giọng lanh lảnh của con bé vang lên xóa tan dòng ký ức đang ùa về dày đặc như cơn mưa mùa đông năm ấy. Chẳng hiểu Thượng đế cố tình hay là sự sắp đặt ngẫu nhiên của số phận những người đàn bà đa đoan, mà Miên thấy trọn vẹn ánh mắt đầy lo lắng, gương mặt đầy hoài nghi và cả những cảm xúc không bao giờ có thể gọi thành tên của mình vào hai mươi hai năm trước ở Vân Khánh.

Minh họa: Tuấn Anh

Con bé ngồi ngay ngắn trên ghế. Thi thoảng, nó đảo đôi mắt đen láy nhìn mọi người. Chắc cũng như Miên ngày xưa, mẹ Vân Khánh đã dặn nó phải ngoan và lễ phép nên vừa thoáng thấy bà Mai, nó cúi rạp người xuống: “Cháu chào bà ạ”.

Con bé có vẻ bất an. Ở độ tuổi lên bốn của nó nhẽ ra phải vô tư làm những điều mình thích. Vậy mà, nó cứ ngồi thẳng thớm, hai tay đan chặt vào nhau, ánh mắt chứa đựng sự sợ hãi. Bất giác, bà Mai chìa tay ra, nắm lấy bàn tay nhỏ xíu của nó. Con bé quay về phía mẹ và nhận được một cái gật đầu. Cả người nó run lên.

“Lại đây với bà, con tên gì?”.

“Cháu tên Vân Khánh ạ!”.

Bà Mai ôm con bé vào lòng, ngồi xuống chiếc ghế đối diện cô gái trạc tuổi hai lăm, có vầng trán cao và ánh nhìn cương nghị.

***

“Con cứ nghĩ mẹ sẽ không đồng ý”.

Miên gằn giọng.

Bà Mai không nhìn con gái. Bà buông cái nhìn thẫn thờ ra phía ngoài khung cửa, nơi có giàn hoa mai xanh đang độ nở rộ. Những giọt nắng cuối ngày cố len lỏi qua kẽ lá, trườn xuống khoảng sân.

“Con buồn lắm phải không?”.

Miên lặng lẽ nhìn người đàn bà ngoài năm mươi tuổi ấy, tóc bà ấy đã lốm đốm bạc, gương mặt hằn rõ những nhọc nhằn của thời gian nhưng vầng trán cao và ánh nhìn cương nghị thì không lẫn vào đâu được. Mẹ luôn hiểu thấu lòng Miên như trước nay vẫn vậy. Bà là người nhạy cảm, đến độ, gọi đúng tên cả những điều Miên vừa mới chợt thoáng qua trong lòng.

… “Nhưng mà, sao một người nhạy cảm như mẹ, thương Miên như mẹ, lại không biết con gái muốn được ở cùng mẹ, được nũng nịu mẹ mỗi ngày? Sao mẹ lại chọn gia đình mới, chọn em Quân, lại để Miên phải sống cùng ông bà ngoại? Tại sao mẹ không bỏ rơi nó luôn đi, để nó có cớ mà trách mà hận; sao mẹ lại thương nó vô cùng, chăm lo cho nó từng li từng tí, mà lại không đón nó về sống chung?…”. Những câu hỏi ấy cuốn lấy Miên suốt hai mươi hai năm qua. Cho đến tận hôm nay, khi nhìn thấy Quỳnh và bé Vân Khánh, lòng Miên lại càng bất an hơn. Miên không muốn nhìn lại quãng thời gian đã qua ấy - trong một hình bóng khác. Càng không muốn nhìn thấy những quan tâm mọi người dành cho Vân Khánh, điều mà Miên khao khát bao lâu nay…

“Không ai được quyền lựa chọn hạnh phúc thay cho chính mình, con ạ. Cả mẹ, con, và em Quân đều không ngoại lệ”.

“Lại là em Quân, em Quân. Mẹ có bao giờ nghĩ đến cảm nhận của con không?”.

Miên rời đi sau lời trách cứ. Bỏ lại một khoảng trống toang hoác trong lòng bà Mai.

***

Nhiều ngày lắm rồi, bà Mai không nhớ rõ là bao lâu. Quỳnh chưa ghé lại. Sự nhạy cảm của một trái tim đầy lòng trắc ẩn, sự từng trải của một người đàn bà đầy biến cố trong cả thanh xuân khiến bà cảm thấy xót đắng.

Quân không nói gì. Đó là một cậu thanh niên hai mươi hai tuổi chưa bao giờ kể lể quá ba câu. Có lẽ, mọi năng lượng Quân đã dành cho yêu thương và trách nhiệm. Thành ra, câu từ trở nên thừa thãi.

Nhưng bà Mai biết, con trai mình buồn. Mỗi lần buồn, Quân lại đánh guitar vào đêm khuya. Tiếng đàn rất nhỏ. Và ngắn. Như chính lời lẽ của thằng bé.

Đêm nay cũng vậy. Bà đứng ngoài cửa, nghe bản Như cà phê đắng (1). “Phố đất chật người chen, lạc nhau là mãi mất… Em đi về ai hay, đời đàn bà khờ dại…”. Đó là bản nhạc bà hay hát cho chính mình, ngày xưa...

***

Đối diện bà, trong một góc quán được decor theo phong cách thập niên 80, Quỳnh mặc một chiếc váy hoa vintage rất đẹp. “Mình của ngày xưa đây mà”, suy nghĩ ấy thoáng qua trong lòng bà Mai.

“Vân Khánh đi học à con?”.

“Dạ không. Con gửi bé cho bà ngoại. Con không muốn con bé chứng kiến những câu chuyện quá phức tạp của người lớn ạ”.

Bà Mai như được sống lại trong hình hài của một cô gái hai mươi lăm có vẻ ngoài mong manh như sương, mà mỗi một câu nói là tất thảy những chiêm nghiệm, từng trải, đau đáu với đời…

“Lâu rồi cô không thấy con ghé chơi”.

“Xin lỗi cô vì con chưa có lời chào. Nhưng có lẽ, con nên chọn cách rời đi thì hay hơn. Con rất quý cô, thương anh Quân. Câu chuyện về cô, về chị Miên, con đã được nghe đầy đủ. Nên có lẽ, con và Vân Khánh sẽ gợi lại rất nhiều nỗi đau cho chị Miên. Con không muốn thấy những người con trân trọng phải tổn thương vì con…”.

Bà Mai ngồi như vậy rất lâu. Mọi thứ yên lặng, đến độ, có thể nghe được cả từng giọt cà phê đang rơi khẽ.

“Những người phụ nữ như cô, như con, như Miên, là vì quá nhạy cảm mà trở nên đa đoan. Cô đã từng chọn cách không dắt theo Miên về nhà chồng, vì ở đó chưa từng hé mở một cánh cửa nào cho Miên bước vào. Là cô đã vì tin mà bước vào quá vội. Cô không thể làm tổn thương thêm nhiều người - những người thương mình - chỉ vì sự lựa chọn của bản thân. Cô cũng không muốn làm tổn thương Miên vì sự cố chấp của mình. Nỗi đau đó của cô, âm ỉ suốt hai mươi hai năm qua. Cô đã chọn cách cho con bé cảm nhận tình thương yêu và sự dạy dỗ trọn vẹn dù có xa một chút về địa lý. Cô chưa từng nói điều này với con bé. Nhưng cô tin, con bé có sự bao dung và lòng trắc ẩn của một người đàn bà - như cô. Bây giờ, con có nhiều sự lựa chọn hơn. Hãy chọn hạnh phúc cho cả bản thân mình và Vân Khánh”.

Một giọt nước mắt vừa trào ra khỏi mi, lăn dài trên má hai cô gái trạc tuổi nhau. Một người ngồi trước mặt bà Mai. Một người ngồi ở góc bên kia, ngăn tầm nhìn bởi một chiếc tủ chứa đầy những món đồ xưa cũ.

***

Miên gặp Vân Khánh ở cổng trường mẫu giáo. Con bé nhìn Miên rồi vội vàng đảo mắt về phía mẹ. Một chút lo lắng, một chút sợ hãi khiến đôi chân bé xíu đang thoăn thoắt bỗng nhiên khựng lại.

Miên quỳ xuống, ngang tầm con bé. Đôi mắt đen láy của nó dội vào lòng Miên một thứ cảm giác yêu thương lạ lùng - như thương chính mình ngày xưa.

“Con có muốn về nhà với cô không?”.

Quỳnh mấp máy môi, định nói một điều gì đó. Nhưng không kịp nữa. Một giọt nước mắt đã lăn xuống gò má dịu dàng.

Hình ảnh bà phụ nữ mặc áo dài lụa màu trắng cổ, nước mắt thi nhau rơi trên gương mặt được đánh má hồng và son môi màu cam nhạt lướt nhanh qua miền ký ức của Miên. Có lẽ, ngày xưa, mẹ nó cũng mong một lần, người ta dang tay ra với cô con gái nhỏ của mình.

Phía bên kia đường, dưới tán hoa mai xanh, chàng trai lặng lẽ rời đi. Từng chùm xanh tím như reo lên trong gió chiều rộn rã…

***

Vân Khánh đạp chiếc xe đạp bé xíu chở bong bóng tiến vào hội trường cử hành hôn lễ. Quân cúi xuống, trao cho con bé một cái ôm thật chặt và nắm tay hai mẹ con bước lên sân khấu…

Phía hàng ghế khách mời, có một người đàn ông bước nhanh ra khỏi cánh cổng được trang trí bởi rất nhiều hoa mai xanh. Hình như anh ta khóc…

Miên ngước về phía những ống pháo kim tuyến vừa được bắn ra, ngăn dòng nước mắt chực rơi. Cô bỗng nhớ đến lời mẹ từng nói “Sẽ không có sự lựa chọn nào là hoàn hảo để xoa dịu tất cả tổn thương của bản thân mình. Nên hãy để những đau đớn ấy giúp chúng ta lớn lên, mạnh mẽ hơn; và nếu có thể, thì dang tay ra ôm lấy những mong manh như mình. Đó không phải là cao cả hay hy sinh, đó là sinh tồn”.

Giờ Miên mới hiểu thấu hết những điều mẹ nói.

Nhìn nụ cười của bé Vân Khánh, nhìn hạnh phúc ngập tràn trong mắt Quỳnh và Quân, cô chợt nhận ra, con bé Miên ngày xưa cũng bình yên đến bội phần…

--------------------

(1) Như cà phê đắng - Nhạc: Phạm Phú Cường; Thơ: Lê Hồng Mận (được phổ nhạc từ bài thơ Anh đắng như cà phê).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.