Bài viết là của tác giả Lê Thị Hà gửi tham dự cuộc thi "Hà Nội thành phố tôi yêu" do Báo Thanh Niên tổ chức năm 2020-2021. Tuy không đạt giải nhưng bài viết đã để lại những dư âm bởi chính "dáng hình nghiêng" của những người thợ thủ công khuyết tật đã biến lụa vụn thành những bức tranh đầy màu sắc. Báo đã cử phóng viên đến viết bài, đồng thời mời đích danh người sáng lập ra hợp tác xã, anh Lê Việt Cường tới tham dự lễ trao giải vào ngày 29.3.2021. Anh Cường cũng là một "dáng hình nghiêng", bị khuyết tật nơi chân do di chứng của bệnh bại liệt.
Tôi cũng có duyên may là một tác giả có mặt trong buổi lễ trao giải ngày hôm đó. Khi người dẫn chương trình hỏi Lê Việt Cường: "Anh nghĩ sao khi Vụn Art của anh là một phần nỗi nhớ về Hà Nội?", anh trả lời rằng, tuy không còn nhớ một cách rõ ràng nhưng câu chuyện về những "dáng hình nghiêng" đã để lại một ấn tượng khó quên.
Tôi tìm gặp Lê Thị Hà, tác giả bài viết trên, để tìm hiểu thêm về Vụn Art bởi thực ra tôi và em cũng có mối thâm giao gần 10 năm tình bạn, hiện Hà là nhân viên marketing của hợp tác xã.
Lê Thị Hà bị chấn thương cột sống sau tai nạn giao thông, một dạng khuyết tật nặng với rất nhiều những bất tiện khó nói trong sinh hoạt. Cũng may khi đó em đã có gia đình, có con cái, họ chính là chỗ dựa tinh thần, là động lực để em sống tiếp. Hai tấm bằng đại học và kinh nghiệm mấy năm đi làm đã giúp em có thêm những kỹ năng để thích nghi với hoàn cảnh mới, cũng là cơ hội về việc làm có thu nhập ổn định hơn. Và thực sự em đã tự kiếm sống, nuôi con bằng chính năng lực của mình với rất nhiều việc như bán vé máy bay, bán hàng online, dạy tiếng Anh cho trẻ em... Mấy năm gần đây em làm thêm công việc marketing cho Vụn Art.
Em nói việc của em nhiều lắm, cụ thể là viết các bài giới thiệu về hợp tác xã, về sản phẩm, về các chương trình liên quan tới trải nghiệm, làm việc với các cơ quan truyền thông, liên hệ và làm việc với các đối tác, khách hàng... rồi hằng hà sa số các việc khác như viết và làm các dự án liên quan tới Vụn Art và người khuyết tật, mô tả sản phẩm, dịch sang tiếng Anh để người nước ngoài biết đến...
Điều đáng nói là 3 năm đầu em làm hầu như chỉ nhận thù lao rất thấp với tâm thế làm vì đồng cảm với những người đồng cảnh, muốn cơ sở được nhiều người biết đến hơn, muốn giúp Vụn Art lan tỏa bởi đa số người khuyết tật thường không có kỹ năng về marketing, truyền thông...
Gần đây, khi công việc này hầu như chiếm toàn bộ thời gian thì em nhận lương cao hơn. Gọi là "cao" vậy thôi nhưng vẫn rất thấp so với mặt bằng thu nhập chung. Mong ước của em lúc này là muốn Vụn Art phát triển, các thành viên có thu nhập ổn định hơn và đào tạo thêm được nhiều người khuyết tật hơn nữa.
Và đó cũng chính là phương châm của giám đốc Lê Việt Cường khi sáng lập ra hợp tác xã: tạo công ăn việc làm ổn định cho người khuyết tật. Cho họ cần câu chứ không cho con cá nên anh chủ trương không nhận tài trợ, trừ tài trợ cho việc dạy nghề miễn phí. Anh cho rằng nếu cứ mãi nhận tiền từ thiện sẽ tạo tâm lý ỷ lại, không chịu cố gắng của người khuyết tật. Và chỉ trông chờ vào tài trợ không phải là biện pháp lâu dài.
Với đa số những người khuyết tật, trình độ văn hóa thường thấp, có một số người còn khiếm khuyết cả khả năng nhận thức. Sức khỏe của họ kém và cũng không đồng đều giữa các thành viên, các kỹ năng sống không nhiều... Vậy nên có lẽ công việc thủ công nhẹ nhàng là phù hợp nhất đối với họ.
Chính vì lý do đó mà hợp tác xã được thành lập vào ngày 9.8.2018 với cái tên Vụn Art: những mảnh vụn nghệ thuật. Nghĩa đen thì như vậy nhưng cái tên ấy còn mang một hàm ý sâu xa hơn: những mảnh đời khuyết tật không may mắn cũng giống như những mảnh vụn tưởng chừng chỉ để bỏ đi nhưng thực sự không phải như thế, họ vẫn có thể làm nên những giá trị mang tính nghệ thuật nếu ta biết đào tạo, khai thác và nâng niu.
Ban đầu có 16 bạn khuyết tật học nghề nhưng chỉ có 3 người trụ lại làm việc được. Qua thời gian, số lượng người khuyết tật được dạy nghề miễn phí đã lên đến hàng trăm nhưng để trụ vững và làm việc được thì rất ít. Tới nay Vụn Art đã có tổng số là 34 thành viên, trong đó 95% là người khuyết tật.
Không chỉ là nơi đào tạo nghề và tạo công ăn việc làm, Vụn Art gần giống như một "mái ấm tình thương" cho người khuyết tật. Có nhiều em chưa biết chữ, biết số, Vụn ko những dạy nghề mà còn dạy các em kỹ năng sống, ví như cùng với các nhân viên của Intrepid dạy các em cách đi xe đạp, nhận biết những hỏng hóc đơn giản để sửa chữa như bơm xe, nâng yên xe, lắp xích… Những việc tưởng chừng rất đơn giản với người bình thường nhưng với các em khuyết tật trí tuệ, tự kỷ… là cả sự cố gắng và kiên trì. Có em còn được dạy cả cách ăn, cách giao tiếp, dạy chữ, dạy số, dạy cả cách tính tiền cho khách... Có em ban đầu bố mẹ phải đưa đón nhưng nay đã tự đạp xe đi làm như em Bách, em Tuệ. Còn Thành thì từ một người thiểu năng trí tuệ phải dạy từ cách ăn, sau gần 4 năm gắn bó đã có thể điều khiển được máy cắt laser, tự đi mua đồ ăn về nấu… Những thay đổi đó khiến ai gắn bó với Vụn đều thấy vui bởi các em đã "trưởng thành".
Gần đây, Vụn Art có vinh dự được đón bà Ho Ching - phu nhân Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và bà Lê Thị Bích Trân - phu nhân Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các thành viên của Đại sứ quán Singapore tại Việt Nam, Bộ Ngoại giao, các lãnh đạo thành phố Hà Nội, quận Hà Đông đến thăm, tham quan.
Lê Thị Hà nói chính vì có rất nhiều sự kiện như thế nên công việc của em cũng nhiều. Mệt nhưng em thấy vui vì Vụn Art đã được cộng đồng quan tâm và chia sẻ nhiều hơn. Đó có thể chính là cơ hội để Vụn được lan tỏa, kết nối, có thêm nhiều những hợp đồng, tạo việc làm ổn định cho người lao động khuyết tật.
Bình luận (0)