Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) đứng sừng sững giữa cái nắng lúc 13 giờ chiều, tôi gửi xe rồi nép mình vào hành lang chờ đợi. Nhà gần lại đi nhanh nên tôi đến hơi sớm. Sân bệnh viện dù nắng nóng vẫn có nhiều người đi ra đi vào, người cười người khóc... Những phòng bệnh đóng cửa im ỉm, chỉ có khu khám bệnh và phòng cấp cứu là luôn nhộn nhịp.
Tôi nhìn đồng hồ và ngó ra ngoài sân, chiếc xe ba gác phi vào khoảng trống trước bậc thềm. Hai người áo cam trên xe nhảy xuống, tôi cất điện thoại và chạy ra. Một tốp người áo cam hối hả chạy từ bãi gửi xe tới, không ai bảo ai cùng xúm vào khiêng 4 thùng giữ nhiệt to từ trên xe ba gác xuống. Chị gái tôi mượn 2 chiếc xe đẩy của bệnh viện, 1 xe để được 2 thùng. Một chị tên Trang liên hệ với Hội Chữ thập đỏ của bệnh viện và được thành viên của hội dẫn đi các tầng phòng bệnh. Những cánh cửa phòng mở ra, người nằm người ngồi đầy mệt mỏi. Cuộc phát cháo miễn phí hôm nay bắt đầu.
Tôi biết chị gái tôi là một người rất giàu lòng nhân ái và nhiệt tình năng nổ làm việc thiện. Trước kia cứ nghe tin ở đâu có nhận quyên góp ủng hộ trẻ em vùng cao hay đồng bào bị bão lũ là chị lại hăm hở tham gia. Có tiền chị ủng hộ tiền, có đồ thì chị góp đồ, không có đồ thì chị đi xin bạn bè hàng xóm xung quanh. Đôi khi tôi không hiểu một người công nhân lương tháng chỉ đủ ăn với hai đứa con đang đi học, sao chị vẫn nhiệt tình ủng hộ đến thế. Chị chỉ cười và bảo mình bớt ăn vặt bớt tiêu linh tinh đi là đủ thôi. Bẵng đi một thời gian không thấy chị gọi điện xin tôi quần áo cũ, tôi nghĩ chắc chị thôi không đi ủng hộ nữa rồi. Ai ngờ đâu chị gái tôi và mấy người bạn thành lập hẳn một nhóm để nấu cháo phát miễn phí cho các bệnh nhân ở Bệnh viện Thanh Nhàn. Đó là nhóm Bồ Đề Tâm.
Nhóm Bồ Đề Tâm từ khi được các chị thành lập đến nay cũng đã gần một năm. Với hàng nghìn cốc cháo được trao đi mỗi tháng, tuy với các nhóm thiện nguyện lớn thì đây là con số nhỏ, nhưng với các chị của tôi thì đó là niềm vui, niềm hạnh phúc. Bởi các thành viên trong nhóm ai cũng đang nuôi con ăn học, có người là công nhân, có người làm nội trợ, người buôn bán nhỏ. Chưa kể, chị gái tôi còn đang phải đi thuê nhà. Nhưng các chị chưa bao giờ ngại khổ ngại khó. Mỗi sáng thứ năm hằng tuần, các chị sẽ tập trung tại chùa Nam Dư (P.Lĩnh Nam, Q.Hoàng Mai, Hà Nội). Mọi người cùng góp tiền đi chợ mua đồ về nấu. Nồi và bếp thì nhà chùa cho mượn. Hai chiếc nồi to 100 lít nấu được 5 ký gạo và 5 ký khoai tây bí đỏ, 1 ký thịt. Hai chiếc nồi như thế được đặt lên bếp từ 8 giờ sáng cho đến 13 giờ. Mọi người vừa gọt khoai gọt bí vừa cười vừa nói. Đôi khi nhóm sẽ nhận được sự ủng hộ của bạn bè người thân, hoặc các thành viên về quê mang gạo mang khoai từ nhà lên góp. Chủ yếu vẫn là các chị tự bỏ tiền ra làm chứ không kêu gọi quyên góp từ ai. Đến 13 giờ 30, cháo được cho vào 4 thùng giữ nhiệt to và các chị lại thuê xe ba gác chở lên viện. Ngày nào chồng chị Thủy chạy taxi vắng khách sẽ chở miễn phí cho nhóm. Các chị chia nhau theo xe lên viện, chị thì ở lại chùa rửa dọn bếp núc, rất là nhịp nhàng.
Tôi theo nhóm Bồ Đề Tâm đi hết 5 tầng Bệnh viện Thanh Nhàn. Những chiếc cặp lồng chìa ra đợi cháo, những khuôn mặt mệt mỏi của người bệnh nhưng không giấu được niềm vui. Với người bệnh một cốc cháo nhỏ để lót dạ lúc đầu giờ chiều thật đáng quý. Còn với các chị trong nhóm thì mỗi cốc cháo cho đi các chị lại thấy vui trong lòng vì một phần góp sức của mình.
Các chị nấu cháo và phát cháo không vì những lời cảm ơn mà vì tấm lòng yêu thương muốn giúp đỡ. Không chỉ nấu cháo, các chị còn chung tay ủng hộ khẩu trang cho khoa truyền nhiễm của bệnh viện. Đi một vòng, chân đã mỏi, mồ hôi ướt đẫm áo, khoảng 400-500 cốc cháo đã được trao đi, các chị vẫn tươi cười nói chuyện với các bác, các cô ra lấy cháo.
Cháo đã chia xong, các chị lại quay về làm vợ, làm mẹ, lại miệt mài với guồng quay cơm áo gạo tiền của cuộc sống. Tôi từng hỏi chị tôi sao không nấu cháo vào ngày chủ nhật thì các chị đỡ phải xin nghỉ làm, đỡ bị trừ lương. Chị bảo tôi, ngày ấy bệnh nhân nhà ở gần xin về nhà hết, phát cháo sẽ không cho được nhiều người.
Các chị ấy, với tôi, là những con người bình thường đã làm nên những giá trị phi thường. Tôi nghĩ họ luôn cho đi mà không bao giờ cần nhận lại. Và họ được gì? Chị gái tôi bảo: "Lòng tốt là không cần nhận lại, sống một lần sao cho đẹp là được rồi em ơi". Cảm ơn các chị, cảm ơn nhóm Bồ Đề Tâm đã và đang lặng thầm góp phần làm ấm lòng những người bệnh, cho tôi thấy cuộc đời này sống để cho đi là điều tuyệt vời nhất.
Bình luận (0)