Những người làm thay đổi cách giao tiếp của thế giới: Tò mò thôi chưa đủ

Quý Hiên
Quý Hiên
21/12/2022 20:12 GMT+7

Theo những nhà khoa học chủ nhân Giải thưởng VinFuture 2022 , trí tò mò dẫn dắt nhà nghiên cứu tìm đến những phát minh mới chỉ là cấp độ 1, còn ở cấp độ cao hơn thì phải phát triển hạ tầng nghiên cứu.

Hôm nay 21.12, tại Hà Nội, sau khi nhận giải thưởng VinFuture 2022 trị giá 3 triệu đô la Mỹ, các chủ nhân của các tầng phát minh đột phá trong việc kết nối công nghệ mạng toàn cầu đã có buổi giao lưu thú vị với sinh viên Trường ĐH VinUni và công chúng Việt Nam, những người ngưỡng mộ phát minh của các ông.

3 nhà khoa học kể về những trải nghiệm thời thanh xuân

Thanh Lâm

Có 3 nhà khoa học (trong số 5 người được giải thưởng chính) tham gia cuộc giao lưu, gồm:

TS Vinton Gray Cerf, người (cùng với TS Robert Elliot Kahn) phát minh về giao thức điều khiển truyền dẫn và giao thức internet (TCP/IP) - cơ sở cho internet hiện tại.

GS Sir David Neil Payne và TS Emmanuel Desurvire, những người phát minh bộ khuếch đại sợi quang pha tạp Erbium EFDA (EFDA giúp việc dẫn truyền internet với tốc độ ổn định trở nên khả thi trên phạm vi toàn thế giới nhờ thiết kế sợi quang, bộ khuếch đại quang học, sợi chuyên dụng, bộ laser và khuếch đại công suất cao).

Những trải nghiệm quý báu tuổi thanh xuân

Mở đầu cuộc giao lưu, TS Vinton Gray Cerf, nhà khoa học máy tính người Mỹ, người được coi là một trong những “cha đẻ của internet”, chia sẻ về một kỷ vật gắn bó với thời thơ ấu của mình - cây đàn cello.

“Khi tôi còn là một cậu bé, bố mẹ tôi đã cho tôi học chơi đàn cello. Nhưng năm 1958, khi đến California học (ĐH Stanford), lần đầu tôi được tiếp cận máy tính. Lúc đó, tôi còn nghĩ nên học máy tính hay học tiếp cello, rồi quyết định học cả hai. Nhưng những ai đã từng học máy tính đều biết điều này chẳng dễ gì, nên tôi đã theo đuổi khoa học máy tính, nhờ đó mà phát minh ra internet. Tới năm 1979, tôi mới có điều kiện quay lại với nhạc cụ này”, TS Vinton cho biết.

Kỷ niệm thời trẻ của GS Sir. David Neil Payne thì liên quan tới một chiếc mũ màu trắng. Ông kể: “Tôi sinh ra lớn lên ở Trung Phi, sau đó xa gia đình để tới Anh học ĐH năm 18 tuổi. Vào kỳ nghỉ hè thì tôi đi làm. Năm đó, tôi làm ở một công ty điện lực. Khi ấy, tôi rất trẻ, nên cảm giác mình đã có được một công việc để làm là điều rất vui. Mọi người ở đó đều được phát mũ nâu, riêng tôi được phát mũ trắng. Họ nói với tôi là hãy khiêm tốn, việc đưa cho tôi mũ trắng là để họ biết và nhớ ra tôi là ai và sẵn sàng hỗ trợ tôi khi tôi cần”.

Bài học mà GS David chiêm nghiệm từ câu chuyện chiếc mũ trắng là khi mình buộc phải đội nó nghĩa là mình cần phải chọn những người thông minh hơn mình để làm việc cùng. Ông đã theo đuổi nguyên tắc này trong suốt sự nghiệp của mình. “Luôn thấy những người xung quanh đều thông minh hơn mình, đó là cảm giác điều tuyệt vời”, GS David nói.

Còn TS Emmanuel Desurvirecho biết, trước khi trở thành nhà vật lý, ông từng là phi công. Nhưng việc đã từng lái máy bay giúp ông hiểu biết sâu sắc hơn lĩnh vực nghiên cứu mà ông theo đuổi. Trải nghiệm lái máy bay (di chuyển trong không khí) rất khác với trải nghiệm lái ô tô hay bất kỳ phương tiện nào di chuyển trên bề mặt trái đất. Và quan trọng hơn, qua hiểu biết về cách vận hành của chiếc máy bay, ông rút ra được một triết lý cho cuộc đời người làm khoa học.

“Nhiều người vẫn nói đùa không gì nặng hơn một chiếc máy bay, nhưng nó lại có thể bay trong không khí. Về nguyên tắc vật lý thì không thể tạo ra cái gì đó nhẹ hơn không khí để bay. Trong cuộc sống vẫn cứ tồn tại những định kiến. Vì thế, trong nghiên cứu ta phải duy trì ước mơ thay đổi những thứ tưởng như là không thể thay đổi”, TS Emmanuel chia sẻ.

Muốn gặp may, cần có sự chuẩn bị

Trong cuộc giao lưu, TS Vinton Gray Cerf giơ lên một chiếc điện thoại thông minh rồi nhận xét, đây là một phát minh tuyệt vời, bởi nó là một tập hợp 2 phát minh song song: điện thoại di động mà các nhà khoa học đã nghiên cứu từ năm 1973, và internet (mà ông cũng bắt tay vào nghiên cứu cùng thời gian đó).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao giải thưởng chính Giải thưởng VinFuture cho các nhà khoa học là chủ nhân của các tầng phát minh đột phá trong kết nối công nghệ mạng toàn cầu

Thanh Lâm

Trước đây, muốn kết nối internet ta cần phải dùng đến những chiếc máy tính to khủng khiếp. Nhưng giờ đây, ta có thể kết nối với toàn thế giới qua một vật nhỏ gọn nằm trong lòng bàn tay.

“Hai hoạt động này được tiến hành độc lập, đến năm 1993 thì điện thoại thông minh đầu tiên ra đời và internet được đưa vào ứng dụng trong thực tế, cho đến lúc này 2 phát minh này vẫn chưa “gặp” nhau. Cho đến năm 2007 thì Steve Job đưa ra chiếc iPhone đầu tiên, sản phẩm này chính là sự “kết hôn” giữa điện thoại di động và internet. Từ đó, chúng ta được chứng kiến sức mạnh tuyệt vời về sự kết hợp giữa 2 công nghệ này”, TS Vinton Gray Cerf nói.

TS Emmanuel Desurvire thì cho biết, việc tạo ra bộ khuếch đại sợi pha tạp Erbium (EDFA) là một phát minh hoàn toàn tình cờ, và đó là số mệnh. Nhưng ông cũng cho hay, may mắn khi nghiên cứu là quan trọng, tuy nhiên để có được sự may mắn thì chính ta phải trang bị và trau dồi kiến thức trước.

“Tôi từng nghiên cứu về máy tính quang học (nhưng đó là một phát minh chưa được ra đời). Cố vấn của tôi lúc đó hỏi, sao anh không nghiên cứu về hiệu ứng đặc biệt của sợi quang? Khi chúng ta đưa điện vào sợi quang thì ánh sáng không thể phát tán đúng, mà bị khuếch tán. Độ trong suốt của vật liệu (thủy tinh) làm ảnh hưởng quá trình truyền tín hiệu.

Nghĩa là chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào vật liệu khi truyền tải sóng ánh sáng. Khi ta dùng bộ khuếch đại Erbium thì ánh sáng thay vì khuếch tán đã nén lại và đi đường thẳng với hiệu suất cao, có thể đi qua biển. Đó là hiệu ứng mà tôi nghiên cứu, từ những năm 1980, nhưng khi đó chưa có internet. Sau khi tương tác được với các nhà nghiên cứu khác, tôi đã cùng những “con người điên rồ” đó mở rộng công trình nghiên cứu của mình”, TS Emmanuel kể.

Trí tò mò thôi chưa đủ

Khi được hỏi về vai trò của trí tò mò với thành công của nhà nghiên cứu, TS Emmanuel Desurvire cho rằng nó là quan trọng.

“Ta hãy quan tâm tới những điều không thuộc cả chuyên ngành của ta, để trí não ta phát hiện ra vấn đề liên quan tới việc nghiên cứu của ta. Điều ấy làm ta suy nghĩ rộng hơn về những gì có thể hỗ trợ công việc nghiên cứu. Hãy để trí tưởng tượng tự do, từ đó soi chiếu lại chính chuyên ngành của ta. Ta tò mò, ta tưởng tượng, ta ước mơ, nhưng không xa rời thực tế, thì trí tò mò đó sẽ giúp ta”, TS Emmanuel nói.

Từ trái qua: GS Sir David Neil Payne, TS Emmanuel Desurvire, TS Vinton Gray Cerf

Thanh Lâm

TS Vinton Gray Cerf cũng nêu quan điểm: “Trí tò mò tạo động lực giúp ta tìm tới câu trả lời”.

Nhưng theo GS Sir. David Neil Payne, trong mỗi bạn trẻ đều chứa đựng sự tò mò, nhu cầu tìm hiểu khám phá thế giới. Nhiệm vụ của những người làm việc trong lĩnh vực giáo dục đào tạo là khuyến khích trí tò mò đó thay vì dập tắt nó. Ông vẫn thường dạy sinh viên rằng, bạn chỉ thực sự thành công khi mà thành công của bạn không cần tới giáo viên của các bạn.

Tuy nhiên, để phát triển một nền nghiên cứu, vấn đề quan trọng là hạ tầng phát triển nghiên cứu, vì nó phản ánh sự sẵn sàng về mặt công nghệ.

“Các nghiên cứu được dẫn dắt bởi trí tò mò, nhưng đó mới là cấp độ 1. Còn cấp độ cao hơn khi ta ở doanh nghiệp nào đó, muốn có sản phẩm hoạt động nhanh hơn hiệu quả hơn, thì cần một hệ sinh thái.

Ở các quốc gia mới nổi thì đây là điều đặc biệt khó, vì chúng ta không có nhiều nguồn đầu tư, không có trang thiết bị, không có các mối quan hệ cần phải có giữa các biện nghiên cứu tiên tiến, các phòng nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp. Đó là vì sao chúng ta cần trợ giúp từ các cơ quan của chính phủ. Tôi được biết ở Việt Nam, chính phủ cũng có nhiều quan tâm và đầu tư trong nghiên cứu và phát triển”, GS David cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.