Những người trẻ... lười đẻ

Thanh Nam
Thanh Nam
14/07/2024 06:00 GMT+7

Các chuyên gia đã phân tích rõ về hệ lụy của thực trạng lười đẻ. Nào là dân số ngày càng già hóa, nền kinh tế đối mặt nguy cơ thiếu hụt lao động… Các cảnh báo cụ thể đã được chỉ ra, có điều là nhiều người trẻ vẫn… lười đẻ.

Sợ điệp khúc kiếm tiền

Cưới nhau 6 năm, cả hai vợ chồng đi khám sức khỏe đều tốt, không vô sinh, tuy nhiên Nguyễn Thị Nguyệt Anh và Hồ Thanh Quyền (cùng 33 tuổi), ngụ ở đường số 8, TP.Thủ Đức, TP.HCM vẫn... lười đẻ.

Anh Quyền cho biết lý do: "Vì sợ điệp khúc… kiếm tiền". Theo anh, hai vợ chồng "cày" cả ngày ở công ty trong Khu chế xuất Linh Trung 1, mỗi tháng có tổng thu nhập khoảng 14 triệu đồng. 8 năm trước, cả hai đã nỗ lực để kiếm tiền làm đám cưới; sau đó tiếp tục kiếm tiền để "trụ" lại thành phố.

Những người trẻ... lười đẻ- Ảnh 1.

Có những cô gái thích tận hưởng cuộc sống độc thân, không vội nghĩ chuyện kết hôn, đẻ con...

THANH NAM

"Và tôi không muốn "nhắm mắt đẻ con", bởi lại phải cố gắng kiếm tiền đẻ con, nuôi con. Việc đẻ con thì đơn giản, nhưng nuôi con khỏe mạnh, đầy đủ thì không dễ tí nào. Chính vì thế, hai vợ chồng quyết định từ từ chứ không vội vàng. Một ngày nào đó, cảm thấy cuộc sống ổn định, có dư thì mới nghĩ đến chuyện đẻ con", anh Quyền nói.

Có không ít người cùng suy nghĩ như anh Quyền, chị Anh. Họ tâm sự rằng cuộc sống hiện tại còn chật vật, còn vướng bận nỗi lo cơm áo gạo tiền; để rồi chỉ có ước mong giản dị là đủ sống. Còn chuyện sinh con chỉ thành hiện thực khi tự thấy có thể đáp ứng được trách nhiệm của người làm bố làm mẹ.

"Khi đi khám tiền hôn nhân, bác sĩ có dặn khoảng thời gian đẹp nhất để sinh con là dưới 30, tối đa 35 tuổi, nhằm đảm bảo sức khỏe mẹ và bé, giảm tỷ lệ thai bất thường, vô sinh và tăng khả năng thụ thai… Rồi sau khi cưới, gia đình hai bên cũng muốn có cháu để bồng, khuyên mau đẻ sớm cho vui cửa vui nhà. Tuy nhiên, chỉ có hai vợ chồng là hiểu rõ nhất câu chuyện thực tế của bản thân. Đẻ con rồi lấy gì nuôi?", chị Vũ Thị Thùy Linh (34 tuổi), làm việc ở Công ty TNHH Yupoong Việt Nam (Đồng Nai), nói.

Cũng theo chị Linh: "Người thân của gia đình hai bên có hứa "hãy đẻ đi rồi bố mẹ phụ tiền nuôi con", "đẻ đi sẽ có thưởng". Nhưng nuôi con đâu phải chỉ ngày một ngày hai, còn cả trăm điều phía sau: chăm con, dạy con, tìm trường cho con… Để rồi hai vợ chồng… từ chối khéo những lời hứa hào phóng ấy chứ chưa dám đẻ liền, dù đã kết hôn gần 5 năm".

Những người trẻ... lười đẻ- Ảnh 2.

Bên cạnh những người trẻ sau khi kết hôn muốn sớm “lên chức” làm bố, làm mẹ, thì vẫn có những người trẻ... lười đẻ

THANH NAM

Có điều kiện vẫn lười đẻ

Bên cạnh những người trẻ lười đẻ vì cuộc sống còn thiếu thốn, cũng có không ít trường hợp thoải mái về kinh tế vẫn chẳng muốn đẻ.

Chị Hồ Thị Mỹ Quyên (32 tuổi), làm việc tại một ngân hàng trên đường Phạm Ngọc Thạch, Q.3, TP.HCM, nói thẳng: "Tôi chưa muốn có con. Mà chính xác là vợ chồng tôi không muốn có con".

Nguyên nhân, theo chị Quyên là cách đây khoảng 6 năm, trong những dịp họp lớp, 33/33 thành viên đều có mặt đầy đủ. Nhưng khi các thành viên có vợ có chồng và sinh con thì số lượng bạn bè góp mặt trong ngày họp lớp ngày càng ít đi với những lý do: "Bận chăm con", "Phải đưa con đi tiêm vắc xin", "Con còn nhỏ quá nên chưa đi được"…

"Chính những câu chuyện ấy đã làm tôi và chồng lo lắng. Đẻ con rồi liệu có được làm điều mình thích, đi đến nơi mình muốn nữa hay không? Nên tôi lười đẻ, và chuyện đó tính sau", chị Quyên nói.

Chị Lê Thanh Thảo (35 tuổi), giám đốc một công ty sản xuất ba lô ở Q.Tân Bình, TP.HCM, cho biết có cảm nhận được hạnh phúc của bạn bè khi lập gia đình, sinh con đầu lòng… Và nhiều lúc chị cũng muốn có được cảm xúc ấy.

"Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, tôi không còn mặn mà chuyện kết hôn cũng như có con. Tôi muốn cuộc sống của mình thành công và viên mãn hơn. Tôi thích tự do", chị Thảo cho biết.

Chị Thảo kể có tham gia một khóa học về quản trị doanh nghiệp và chị thấy bản thân không lẻ loi. Bởi trong số những thành viên cùng học, không ít cô gái cũng không xem việc kết hôn, đẻ con là động lực chính trong cuộc sống. Thay vào đó, kiếm tiền, mua xe, mua nhà mới là sự ưu tiên của họ.

Những người trẻ... lười đẻ- Ảnh 3.

Người có thu nhập thấp, thu nhập còn bấp bênh chưa vội vàng tính chuyện đẻ con

THANH NAM

Anh Nguyễn Quý Tường (32 tuổi), kỹ sư giám sát thi công tại một tập đoàn xây dựng ở TP.HCM, nói: "Hai vợ chồng tôi cũng bị mọi người, chủ yếu là người thân "nói ra nói vào", chê trách vì sao cưới được 3 năm mà không đẻ con. Nhưng tôi chỉ biết trả lời "từ từ". Vợ tôi đang trong quá trình phát triển sự nghiệp (diễn viên - PV), chưa muốn đẻ con vì làm gián đoạn nhiều dự án phim. Còn tôi bận công việc và có nhiều hoạch định, khó có thể chăm con một cách tốt nhất".

Chưa muốn "lên chức" làm bố, làm mẹ

Một khảo sát nhỏ của PV với những người trẻ đã lập gia đình, cho kết quả đáng chú ý. 11/18 người thừa nhận… lười đẻ, 4/18 người cho biết chưa nghĩ tới chuyện đẻ con, 3/18 người nói "chuyện đẻ con từ từ tính".

Và trong số những chia sẻ, xuất hiện nhiều lý do không liên quan đến vấn đề thiếu thốn hay khá giả trong cuộc sống.

Chị Phạm Thị Ánh My (31 tuổi), ngụ ở đường Âu Dương Lân, Q.8, TP.HCM, cho biết từng gặp nhiều tổn thương khi phải chứng kiến bạo lực gia đình. Và chị còn ngập ngừng trong việc đẻ con vì sợ con gặp tình cảnh tương tự mình của ngày trước.

"Con chỉ hạnh phúc khi được sống trong gia đình hạnh phúc. Còn chúng tôi vẫn có những bất hòa trong cuộc sống, những cãi vã hay xuất hiện, nên đợi khi vợ chồng thấu hiểu nhau hơn, những mâu thuẫn không còn xảy ra thì đẻ", chị My nói.

Nhiều người cũng có chia sẻ tương tự. Họ cảm thấy lo ngại với vấn đề ly hôn ngày càng nhiều. Họ sợ bản thân thành người trong cuộc. Khi đó, nếu có con sẽ khiến con khổ. Và thế là họ... lười đẻ.

Anh Ngô Mười (30 tuổi), ngụ ở đường Nguyễn Văn Đậu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, nói: "Trước đây, với thế hệ X, Y, không ít người thường kết hôn theo kiểu sắp đặt. Nghĩa là chọn vợ, chọn chồng theo lời mai mối, cũng như đẻ con vì nghe theo lời bố mẹ. Nhưng giờ đây, những người thế hệ Y đời cuối (sinh từ 1990 - 1995), và đặc biệt là gen Z (sinh năm 1996 - 2015) có sự chuyển dịch về hôn nhân tự do. Tức họ yêu, cưới người mà bản thân thích, chứ không bị người lớn áp đặt. Và chuyện sinh con cũng không ngoại lệ. Họ chỉ đẻ khi bản thân muốn chứ không bị ảnh hưởng bởi những ý kiến của người khác. Và vợ chồng cũng vậy, sẽ tính đến chuyện sinh con trong thời gian tới. Còn hiện tại, ưu tiên hơn cho sự nghiệp".

Chia sẻ này là có cơ sở. Bởi không ít người trẻ gen Z cũng thừa nhận họ tập trung phát triển bản thân, ưu tiên cho việc kiếm tiền hơn là chuyện kết hôn, sinh con. Còn việc "lên chức"… làm bố, làm mẹ, họ cho rằng "sẽ ở thì tương lai".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.