Những người trẻ mê kịch nói

30/09/2023 06:00 GMT+7

Không thể phủ nhận kịch truyền thống đã phần nào lung lay trong thời đại công nghệ. Tuy nhiên, nhiều người trẻ vẫn nặng lòng với kịch nói, thậm chí tự thân dựng những vở diễn bài bản nhằm góp phần nối dài sức sống của loại hình sân khấu này.

MUỐN VỀ NƯỚC ĐỂ… XEM KỊCH

Tháng 6 vừa rồi, cặp song sinh Đào Thảo Nhi và Đào Thảo Như (22 tuổi, sinh viên Trường ĐH Victoria Wellington, New Zealand) đã bay về Việt Nam để xem cho kỳ được chương trình Ngày xửa ngày xưa số 34. Trước đó, vì nghĩ rằng khả năng tái diễn vở gần như bằng 0, hai chị em đã quyết định trở lại quê nhà để thưởng thức vở kịch.

Những người trẻ mê kịch nói - Ảnh 1.

Chi phí sản xuất vở kịch có sự hỗ trợ từ phụ huynh của thành viên

NVCC

Theo lời kể, chương trình Ngày xửa ngày xưa số 33 chính là vở kịch thiếu nhi đầu tiên mà Nhi và Như xem trực tiếp. Do đó, hai chị em khó lòng bỏ lỡ kỳ tiếp theo của series kịch mà bản thân đã say mê từ khi còn học THCS. Tính đến nay, Nhi và Như đã xem trên 10 vở diễn ở sân khấu kịch Idecaf và Hoàng Thái Thanh.

Cả hai cùng thần tượng NSƯT Mỹ Duyên, Như cho hay: "Không những ấn tượng với cách diễn xuất thần và tài năng múa của cô Mỹ Duyên, bọn mình còn quý cô ở sự chân tình với khán giả. Sau khi xem xong, bọn mình đã nhắn tin với cô để bày tỏ sự biết ơn với vở kịch và không ngờ được cô phản hồi. Từ đó, hai chị em đã trở nên thân thiết với cô và thường xuyên đi chơi cùng nhau".

Những người trẻ mê kịch nói - Ảnh 1.

Cặp song sinh Đào Thảo Nhi và Đào Thảo Như (22 tuổi) đã bay từ New Zealand về Việt Nam để coi vở kịch của NSƯT Mỹ Duyên

NVCC

Lý giải sức hút của kịch nói, Nhi bày tỏ: "Bộ môn này đòi hỏi khán giả phải vận dụng tất cả các giác quan để phân tích vở diễn. Việc kịch nói đan cài nhiều tầng nghĩa ẩn dụ giúp trí sáng tạo của bọn mình được kích thích. Ngoài ra, âm thanh, ánh sáng, phục trang cũng là những yếu tố làm nên cái hồn của kịch". Nhi cũng tiết lộ cả hai chị em như được trút bỏ mọi âu lo khi bước vào khán phòng dẫu vở kịch chỉ diễn ra trong 3 tiếng ngắn ngủi.

Với Nguyễn Ngọc Kim Ngân (20 tuổi, sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM), diễn viên Hồng Ánh lại là tượng đài. Lần đầu xem vở Nửa đời ngơ ngác ở Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, Ngân nhận xét nữ diễn viên thể hiện vai diễn đẹp cả phần tiếng lẫn phần nhìn. Ngoài ra, Ngân chia sẻ: "Mình trân trọng sự lăn xả hết mình của cô chú nghệ sĩ trên sân khấu. Đó là lý do khiến mình vô cùng mãn nhãn khi thưởng thức".

Những vở diễn tại Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh cũng là yếu tố bồi đắp thêm tình yêu kịch nói của Nguyễn Võ Thanh Nhân (21 tuổi, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM). Không những thế, Nhân còn quan tâm đến sự phát triển của kịch nói ở TP.HCM nói riêng và khu vực miền Nam nói chung.

Theo Nhân, kịch nói lôi cuốn khán giả ở tính ứng biến và phóng đại. "Khác với phim ảnh, mỗi khoảnh khắc trên sân khấu chỉ diễn ra một lần. Vì vậy, diễn viên phải thật chú tâm và sẵn sàng ứng biến trước những sự cố trong lượt diễn của mình. Hơn nữa, vì không có kỹ xảo, mọi diễn xuất của diễn viên đều phải cường điệu hóa để khán giả thấy được nhân vật đang lột tả điều gì", Nhân cho biết.

Đồng quan điểm với Nhân, Tôn Nữ Bảo Trân (23 tuổi, chủ shop hoa tươi tại TP.HCM) còn khẳng định kịch nói vẫn không hạ nhiệt trong lòng người trẻ. Để làm rõ điều này, Trân dẫn chứng: "Trong lần chờ mua vé để xem vở Giáng Hương ở Sân khấu kịch Thiên Đăng của NSƯT Thành Lộc, mình phải xếp hàng dài từ 10 giờ sáng đến 6 giờ tối mới có được ghế ngồi như ý".

NỖ LỰC "TRẺ HÓA"

Không dừng lại ở tâm thế khán giả, nhiều người trẻ đã ra sức mang kịch nói về với môi trường học đường. Đó là việc mà 37 thành viên trong CLB kịch Katharsis, Trường THPT Hoàng Hoa Thám, TP.HCM, đã và đang làm.

Những người trẻ mê kịch nói - Ảnh 3.

Là chủ nhiệm CLB kịch Katharsis, Lê Phạm Diệu Thảo (18 tuổi, sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM) chỉ ra khó khăn của học sinh khi thực hiện một vở kịch nằm ở chỗ thiếu trải nghiệm sống và dễ quên thoại khi lên sân khấu do chưa kiểm soát tâm lý tốt. Do đó, CLB đã thường nhờ đến sự cố vấn của các anh chị đạo diễn, diễn viên xuất thân từ Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM.

"Bên cạnh việc tự sáng tạo cốt truyện, bọn mình còn mượn chất liệu từ chính câu chuyện có thật của những thành viên trong CLB nhằm cất lên tiếng nói về những vấn đề nhức nhối trong xã hội", Thảo chia sẻ về khâu xây dựng kịch bản. Hiện CLB kịch Katharsis đã "bỏ túi" 3 vở lớn, bao gồm Trọ tình, Thù vọng và gần nhất là vở Triệu chứng cuối cùng đã được công diễn ở Nhà văn hóa Sinh viên TP.HCM năm 2022.

Tương tự, CLB Kịch Khoa Báo chí và Truyền thông Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cũng đã có hơn 6 năm hoạt động sôi nổi. Theo Trần Hồng Thiện, chủ nhiệm CLB, quá trình "thai nghén" một vở kịch mất hơn 3 tháng, bao gồm các công đoạn hoàn thiện kịch bản, tập luyện, sản xuất cảnh trí, đạo cụ, truyền thông, bán vé…

Để "trẻ hóa" kịch nói, CLB Kịch Khoa Báo chí và Truyền thông luôn nỗ lực làm mới đề tài và màu sắc dàn dựng. Thiện nêu ví dụ: "Nếu vở Mặt trời soi kiếp rong chơi có hơi hướng cổ trang thì vở Lá hát như mưa lại tái hiện bối cảnh Sài Gòn những năm 2000. Hay cùng kể về tình yêu đôi lứa, Cuối trời phiêu lãng, Nửa trời phiêu lãng, Nằm khóc một mình lại là những bản dựng khác nhau". Riêng Lá hát như mưa là vở kịch ăn khách nhất với tổng cộng 4 suất diễn, trong đó vở tái diễn vào tháng 6 vừa rồi đã thu hút gần 300 người xem.

Theo tiến sĩ Đào Lê Na, Trưởng bộ môn sáng tác và phê bình sân khấu - điện ảnh, Khoa Văn học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, việc các dự án sân khấu học đường nở rộ và được đón nhận chính là tín hiệu tốt cho thấy thế hệ trẻ ngày nay đã nắm bắt được thị hiếu thưởng thức của khán giả hiện đại. "Theo dõi những dự án đó, tôi nhận thấy các bạn học sinh, sinh viên không chỉ đầu tư công phu vào kịch bản mà còn chăm chút cho cảnh trí, phông màn, ánh sáng. Điều này khiến vở kịch như một tác phẩm sân khấu chuyên nghiệp", tiến sĩ Lê Na nêu cảm nhận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.