Chiều chủ nhật sau những ngày cách ly xã hội phòng dịch Covid-19, trên chiếc xe thân quen, tôi dạo quanh Sài Gòn. Những cung đường quen thuộc với sự sầm uất, náo nhiệt thì nay lại yên ả hơn vì mấy chục ngày cả nước và thành phố cùng cách ly xã hội.
Đường 3 tháng 2 (Q.10, TP.HCM) luôn vào top những cung đường đẹp nhất Sài Gòn nhờ hàng cây xanh hai bên rợp bóng mát. Nhưng cũng dưới những tán cây ấy, trên vỉa hè, nhiều mảnh đời lang bạt tìm về trú ngụ.
Đường phố là nhà
Người đầu tiên tôi gặp trong chuyến đi của mình là ông Hùng, năm nay đã ngoài 70 tuổi. Người đàn ông bình dị chứ không khắc khổ. Ông ngồi trước mái hiên của một chi nhánh ngân hàng. Nhìn ra ngoài, đôi mắt đăm chiêu.
“Tôi vào Sài Gòn từ năm 1954, đến nay cũng đã hơn 60 năm. Ngày đó, trai tráng có sức khỏe tôi làm đủ nghề. May có, mộc có, nhà nước cũng có. Nhưng rồi sức khỏe yếu đi thành thất nghiệp”, ông Hùng kể lại.
Thời ấy, ông có nhà, có gia đình, có một cậu con trai. Nhưng chẳng biết số phận an bài thế nào, gia đình đổ vỡ. Ông coi đường phố là nhà cũng ngót nghét 10 năm. Cuộc sống lang bạt những ngày đầu được đảm bảo bởi thu nhập từ việc lượm ve chai. Nhưng, ông cũng bỏ nghề phần vì nghề bạc phần vì không còn sức.
|
|
Tôi hỏi ông trong mùa dịch Covid-19 mà nằm ngoài đường ông sợ không, ông Hùng đáp ngay: “Có biết, cũng không thể làm gì được”.
Cũng suy nghĩ ấy, ông Nguyễn Ngọc Ánh (68 tuổi) vẫn đạp xe mỗi ngày hai chuyến ve chai để lo miếng ăn, điếu thuốc.
“Tôi già rồi, bệnh thì sợ đấy. Nhưng, chết thì chết thôi. Cô có nhà cửa, đi công tác còn có chỗ để về. Chứ như tôi đây, dù là nhà nào cũng không có”, ông Ánh nghẹn ngào nói.
Ông là cô nhi, được một gia đình ở Phước Long (Bình Phước) nhận nuôi. Cha mẹ nuôi mất, ông làm đủ nghề, lênh đênh khắp nơi rồi đến Sài Gòn. Sáng một cữ, tối một cữ lượm ve chai. Mỗi cữ ông Ánh kiếm được 15.000 - 20.000 đồng.
Trong số những người tôi gặp, ông Trương Văn Chinh (57 tuổi) có hoàn cảnh khá hơn một chút. Ông người Nam Định, bươn chải đất Sài Gòn hơn 20 năm nuôi 2 con ăn học. Làm nghề đánh giày, thỉnh thoảng lấy vé số về bán, một ngày ông cũng kiếm được đôi ba trăm.
|
|
|
|
|
“Tôi có thuê nhà ở trên này nhưng giờ phải trốn chủ trọ vì không có tiền trả. Nếu có khách thì đánh được 10-15 đôi, lo được cho bản thân và dành dụm gửi về cho con. Nhưng khoảng một tháng nay, không có khách, tôi đang sợ chết đói. Ngồi ngoài đường như vầy mà buồn lắm, chẳng biết làm sao”, ông Chinh chia sẻ.
Ấm lòng cơm từ thiện
Cuộc sống khó khăn nhưng những phận đời vỉa hè Sài Gòn cảm thấy an tâm nhờ tấm lòng san sẻ của người dân. Như trước đây, ông Hùng chỉ có thể ngồi dưới mái hiên này sau 19 giờ, khi những cửa hàng, công ty hết giờ làm việc. Thời gian trong đợt cách ly xã hội, ông được ngồi đây từ sớm và nhận những phần ăn từ người đi từ thiện.
“Từ dịp Giỗ tổ tới giờ, người đi cho đông lắm. Đồ ăn chay có, mặn có. Những chỗ phát cơm từ thiện ở thành phố nhiều lắm. Tôi hay xuống Ngô Quyền hoặc Cống Quỳnh xin cơm. Trưa nay, tôi nhận được 2 phần rồi. Đêm họ cho nhiều hơn từ 2-3 phần. Bánh mì, bánh bao, mì gói đầy đủ hết”, ông Hùng chia sẻ.
Tôi gặp ông Ánh ngay khi ông chuẩn bị ăn cơm. Những phần ăn được người làm từ thiện cho khi ông đang ngủ. “Tôi đi lượm ve chai đến trưa về đây ngủ. Người ta cho nhiều lắm, cơm rồi bún. Mà tôi ngủ có biết gì đâu thành ra kiến bu, phí quá. Tôi ăn có nhiêu đâu, người ta cho nhiều thì gặp người khó khăn hơn thì tôi cho lại”, ông Ánh cười.
|
Không chỉ thực phẩm đã chế biến, ông Ánh và ông Hùng còn nhận được khẩu trang, nước rửa tay khô, gạo và hoa quả.
Với ông Chinh, những ngày tháng sắp tới chất đầy lo toan. Gánh nặng cơm áo gạo tiền cho cả gia đình chẳng bao giờ thôi nặng. Những suất cơm từ thiện giúp ông sống qua ngày nhưng còn gia đình ở quê lại túng quẫn.
“Tôi là lao động chính trong nhà. Giờ nghề đánh giày không làm được gì nên cả gia đình cũng điêu đứng. Tôi chân đi quen rồi nên ở nhà không chịu được dù biết ra đường cũng không có khách. Tôi nghĩ bệnh thì chưa nhiễm nhưng cũng chết theo bệnh vì không có việc làm”, ông Chinh chán chường nói.
Bình luận (0)