Những 'phụ nữ mua vui' cuối cùng của Hàn Quốc chưa thể thanh thản nhắm mắt xuôi tay

La Vi
La Vi
06/07/2021 07:48 GMT+7

Chiến đấu với bệnh tật, cái chết và sự vỡ mộng, số nạn nhân mua vui còn sống đang giảm đi nhanh chóng ở Hàn Quốc . Họ đang đối mặt với giai đoạn cuối của cuộc đời, sự gắn bó giữa những người phụ nữ này cũng như ý chí chiến đấu giờ đây đã không còn nhiều nữa.

Bà Lee Ok-sun là một trong những "phụ nữ giải khuây" còn sót lại của Hàn Quốc, những người bị ép vào nhà thổ ở Nhật Bản trong Thế Chiến thứ hai. 
Chống chọi với bệnh tật, chết chóc, hy vọng rồi lại vỡ mộng, những nạn nhân này cho biết họ đang đối mặt với bờ cuối của cuộc đời. 
Họ đã miệt mài trong nhiều năm liền để đòi lại công lý, yêu cầu chính phủ Nhật Bản bồi thường và xin lỗi cho những gì họ phải gánh chịu. 
Nhưng theo năm tháng, họ e rằng ý chí tranh đấu đang chết dần. Bà Lee giờ đã 91 tuổi, nằm liệt giường trong nhiều năm. Bà bị đưa đến nhà thổ vào năm 16 tuổi.  Bà nói: "Tôi chỉ ước mình có thể sống trong thanh thản duy nhất một ngày". 

Bà Lee đã nằm liệt giường trong suốt nhiều năm qua.

Reuters

Hiện tại, trong số 240 nạn nhân đã lên tiếng, chỉ còn 14 người sống sót ở Hàn Quốc. Một số nhà sử học ước tính có đến 200.000 bé gái và phụ nữ Hàn Quốc bị ép phục vụ tình dục cho quân đội Nhật Bản trong thời kỳ thuộc địa, đôi khi dưới cái cớ đi làm hoặc để trả nợ cho người thân. 
Sau hơn 8 thập kỷ, Kang Il-chul vẫn cố kìm nước mắt khi nhớ lại quá khứ đau khổ của mình. 
"Họ đối xử với người Hàn Quốc còn tệ hơn với một con chó. Họ đá và đánh tôi. Ở đây vẫn còn những vết sẹo", bà xúc động nhớ lại.
Những "người phụ nữ mua vui" đã trở thành vấn đề lớn trong quan hệ ngoại giao và chính trị giữa Seoul và Tokyo kể từ năm 1991, sau khi bà Kim Hak-sun lần đầu tiên công khai làm chứng về những gì mình đã phải chịu đựng. 
Theo một thỏa thuận năm 2015, Tokyo đã đưa ra lời xin lỗi chính thức và cung cấp 9,3 triệu USD cho một quỹ dành cho các nạn nhân với điều kiện hai bên sẽ kết thúc tranh chấp. 

Hàng trăm ngàn bé gái và phụ nữ Hàn Quốc bị ép đến nhà thổ phục vụ tình dục cho quân đội Nhật Bản.

Chụp màn hình Asia News

Tuy nhiên, Hàn Quốc đã rút lui khỏi thỏa thuận sau khi một số nạn nhân nói họ bị bỏ mặc. Một tổ chức lớn ủng hộ các nạn nhân đã tan rã sau một bê bối tham nhũng vào năm ngoái. Và vào tháng 4.2021, một tòa án Hàn Quốc đã bác một đơn kiện chính phủ Nhật Bản của các nạn nhân. 
Nhưng với cụ bà Lee Yong-soo (92 tuổi), một nạn nhân luôn tích cực đấu tranh, cuộc chiến này vẫn chưa kết thúc. 
"Tôi quyết tâm phải giải quyết xong chuyện này rồi mới nhắm mắt xuôi tay được. Tôi cần phải sống đến 200 năm để làm ra lẽ", bà Lee Yong-soo chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.