(TNO) Trầm cảm được coi là một rối loạn tâm thần và cảm xúc. Một số người nghĩ rằng trầm cảm là tất cả những gì thuộc về buồn. Nhưng thật ra, đây chỉ là một mấu chốt thúc đẩy những điều tồi tệ hơn.
Thiếu ngủ có thể gây trầm cảm và đưa cơ thể vào trạng thái mệt mỏi trường kỳ - Ảnh: Shutterstock
|
Trầm cảm có khả năng cướp đi năng lượng, làm ảnh hưởng đến bộ nhớ, sự tập trung, gây tâm lý chán nản, mất ý chí, niềm tin vào cuộc sống. Một số thói quen xấu sau đây chính là thủ phạm dẫn đến trầm cảm và có thể làm trầm trọng thêm tình hình.
Lười tập thể dục. Tập thể dục giữ cho cơ thể và tâm trí khỏe mạnh. Trầm cảm thường có xu hướng tấn công những người lười vận động. Quanh quẩn trong nhà dễ hình thành thói quen tìm đồ ăn vặt và hệ quả là dẫn đến tăng cân, và nảy sinh tâm lý biếng nhác. Vì thế, tập thể dục đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp tránh xa trầm cảm. Có thể lựa chọn nhiều hình thức vận động như đi bộ, bơi lội, leo núi hay chơi môn thể thao nào đó.
Thói quen ăn uống “xấu”. Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy bữa ăn thiếu chất dinh dưỡng thiết yếu như omega-3 (chất dinh dưỡng quan trọng cho não), con người dễ rơi vào tình trạng trầm cảm. Luôn đảm bảo bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng “thân thiện” với não. Khi não khỏe, tâm trí rộng mở để nhằm giúp xử lý những căng thẳng có thể dẫn đến trầm cảm.
Ngủ không đủ giấc. Một số người có thói quen ngủ muộn vì những lý do khác nhau, và kết quả buổi sáng dễ rơi vào trạng thái lờ đờ. Thói quen này không được khuyến khích vì nó làm đảo lộn sự cân bằng giữa chu kỳ nghỉ ngơi và làm việc. Một giấc ngủ lý tưởng phải đảm bảo từ 7-8 tiếng đồng hồ/ngày. Thiếu ngủ có thể gây trầm cảm và đưa cơ thể vào trạng thái mệt mỏi trường kỳ. Giảm nguy cơ trầm cảm bằng cách ngủ đủ giấc là biện pháp hữu hiệu nhất.
Cô lập. Một số người có thói quen thích cô lập trong môi trường làm việc theo nhóm, họ nghĩ sự tham gia của những người khác chẳng có ý nghĩa gì với họ. Hành vi tự cô lập, hạn chế tương tác với xã hội được xem là một trong những thủ phạm không ngờ gây trầm cảm. Nhu cầu chia sẻ, cảm thông bao giờ cũng cần thiết nhằm giúp các vấn đề được giải quyết hiệu quả hơn và áp lực của gánh nặng trách nhiệm cũng nhẹ bớt phần nào. Một nghiên cứu chỉ ra rằng những người có các kết nối với mạng lưới xã hội vững chắc ít có khả năng phát triển bệnh trầm cảm.
Làm việc quá sức. Quá tải công việc có thể trở thành một gánh nặng và ám ảnh về nỗi sợ không có khả năng hoàn thành hết các nhiệm vụ được giao dễ khiến chúng ta rơi vào trạng thái lo âu, căng thẳng tột độ. Theo trang thông tin Eblogfa, những người có thói quen dồn khối lượng công việc khổng lồ vào để cùng giải quyết có xu hướng dễ bị trầm cảm hơn những người biết tính toán sắp xếp công việc một cách hợp lý.
Luôn suy nghĩ tiêu cực. Nếu không biết dừng những suy nghĩ tiêu cực lại, bạn có nhiều khả năng bị trầm cảm quấy rối. Dừng nghĩ đến những khía cạnh như bị từ chối, mất mát, thất bại hay các mối đe dọa. Dù cuộc sống không phải lúc nào cũng tốt, nhưng những suy nghĩ tiêu cực không làm tình hình sáng sủa hơn.
Ma túy và rượu. Những đồ uống có cồn không chỉ gây tổn hại nghiêm trọng đến cơ thể mà còn làm tinh thần biến dạng. Ma túy và rượu được xem là một trong những tác nhân thúc đẩy trầm cảm lên mức độ cao hơn.
Tự đổ lỗi. Đổ lỗi cho bản thân thường phát sinh khi người nào đó cảm thấy như họ không cố gắng hết sức hoặc không đủ tốt với một ai đó. Khi cảm giác này xuất hiện, có nghĩa trầm cảm có nhiều cơ hội “ghé thăm”. Hãy nhớ rằng bạn không có trách nhiệm với những gì mà người khác đang trải qua và nên tập trung vào những gì mà bạn đang có.
So sánh với người khác. Tránh so sánh bản thân với người khác. Mỗi người đều có những mặt mạnh, mặt yếu khác nhau và không ai giống ai. Điều quan trọng là bạn nắm rõ khả năng của mình để tìm cách phát huy tối đa. Trầm cảm sẽ ập đến nhanh hơn nếu bạn liên tục so sánh mình với người khác, đặc biệt nếu họ có những đặc điểm vượt trội hơn bạn.
Bình luận (0)