Những 'tiên nữ' thôn quê làm 'dậy sóng' YouTube

Thế Sang
Thế Sang
30/04/2020 19:12 GMT+7

'Về vườn' và sống thanh bần nhưng lại có hàng triệu người hâm mộ dõi theo trên YouTube, đó là cuộc sống của 'tiên nữ’ Tứ Xuyên Lý Tử Thất ( Trung Quốc ) hay 'tiên nữ' xứ Bắc Âu Jonna Jinton (Thụy Điển).

Lý Tử Thất: 'Tiên nữ’ Tứ Xuyên được 10 triệu lượt theo dõi

Có lẽ, người xem YouTube, nhất là mảng ẩm thực, văn hóa không thể không biết đến cái tên YouTuber Lý Tử Thất. Ngày 29.4 (giờ địa phương) qua, kênh của cô nàng quê Tứ Xuyên (Trung Quốc) này chính thức chạm mốc 10 triệu lượt theo dõi, trở thành một trong những Vlogger của xứ Trung làm được việc này, thậm chí thuộc "hàng hiếm" trên thế giới. Sở dĩ gọi là hiếm vì phong cách làm Vlog của Lý Tử Thất được dàn dựng công phu, dẫn dắt người xem quốc tế về vùng đất Tứ Xuyên và mê hoặc họ bằng những hình ảnh thôn quê chân chất, những cảnh đẹp không thua gì tranh thủy mặc. 
Sau nhiều năm tham gia YouTube, với 108 video đủ những câu chuyện khác nhau về vùng đất và con người Tứ Xuyên, kênh của cô đã chinh phục 10 triệu người hâm mộ và hàng trăm triệu người khác trên khắp thế giới, phần lớn phải kể đến cộng đồng Anh ngữ vì họ cũng háo hức biết về cô gái này không kém khán giả trên chính đại lục.
Mỗi video của "tiên nữ” Tứ Xuyên có hàng triệu cho đến vài chục triệu lượt xem. Trong đó, "hiện tượng mạng" 30 tuổi nấu các món ăn cổ truyền theo mùa (học từ ông bà), tự tay chặt tre để làm bàn ghế theo cách thủ công, nhuộm vải, trồng hoa, bắt ốc, trồng rau... không thua gì đấng mày râu. Được biết, kênh của Lý Tử Thất có hơn 1,3 tỉ lượt xem, và cô cũng có hơn 100 triệu người hâm mộ trên toàn cầu, bao gồm cả trên Weibo, ngang ngửa hàng sao Hoa ngữ. 

Lý Tử Thất rất hiếu thảo với bà của mình, thường nấu cho bà ăn

Ảnh: YouTube nhân vật

Năm 14 tuổi, vì gia cảnh khốn khó nên Lý Tử Thất rời quê lên phố tìm công việc mưu sinh, làm nhiều việc chân tay và thậm chí không có nơi tá túc. Năm 2012, hay tin người bà ốm nặng (thường xuất hiện trong video của cô), Lý Tử Thất về hẳn Tứ Xuyên để vừa chăm sóc bà, nấu các món bà thích và chuyển sang làm Vlogger.
Mặc dù nổi tiếng là thế nhưng Lý Tử Thất nhiều lần tiết lộ rằng có nhiều kẻ vì tò mò về đời tư của cô nên đã làm ảnh hưởng đến cuộc sống hai bà cháu. Trong cuộc phỏng vấn với báo South China Morning Post, nữ Vlogger sinh năm 1990 bộc bạch: "Tôi làm việc ở thành phố là để tồn tại. Giờ tôi trở về quê và làm việc tại đây, tôi thực sự đang sống". 

Cô nàng quê Tứ Xuyên chặt tre làm giường

Ảnh: YouTube nhân vật

Một trong những nguyên nhân khiến Lý Tử Thất chọn làm Vlog theo phong cách "về vườn", xa rời chốn phồn hoa đô hội theo như cô bộc bạch đó là: "Ở xã hội hiện đại hôm nay, con người ta rất dễ rơi vào tình trạng căng thẳng, mệt mỏi. Khi họ xem những video của tôi khi kết thúc một ngày làm việc mệt nhọc, tôi muốn họ cảm thấy thư giãn và trải nghiệm điều gì đó xinh xắn, khiến cảm giác mệt mỏi, lo lắng tan biến đi". 

Jonna Jinton: 'Tiên nữ' xứ sở Bắc Âu

Cộng đồng Vlogger vẫn có những người sáng tạo nội dung số theo phong cách cuộc sống "về vườn" xa lánh thế sự, nhưng mang nhiều nét tương đồng với Lý Tử Thất ở trời Tây có lẽ là nữ nghệ sĩ Thụy Điển Jonna Jinton. So với "tiên nữ" vùng Tứ Xuyên, Jonna Jinton khởi động công việc làm Vlogger khá sớm: cô tham gia YouTube năm 2011, tính đến hiện tại có 301 video và tổng lượt xem kênh là trên 129 triệu lượt, số người theo dõi kênh là 1,62 triệu.
Năm 2010, cô gái sinh năm 1989 làm một công việc khiến bạn bè bất ngờ: bỏ cuộc sống tại thành phố Gothenburg của Thụy Điển, "vác ba lô" lên và di chuyển về phía bắc Thụy Điển trên quãng đường dài hơn 1.000 km để đến ngôi làng vắng vẻ, cực kỳ thưa thớt dân cư Grundtjärn. 

Chân dung "tiên nữ" xứ Bắc Âu Jonna Jinton

Ảnh: Instagram nhân vật

Nếu Lý Tử Thất tận dụng triệt để phong tục tập quán của vùng đất Tứ Xuyên và phô bày lên màn ảnh thì Jonna Jinton cũng biết làm kênh của mình mang đậm hơi thở núi rừng phương Tây. Với mỗi video có trung bình vài triệu cho đến vài chục triệu lượt xem, Jonna Jinton dẫn người xem vào thế giới Bắc Âu huyền hoặc nơi có núi rừng mờ xám vì khí hậu lạnh giá khắc nghiệt, nâng niu từng đám rong rêu, nhành lá, đùa giỡn với những hòn đá và lắng nghe tiếng nước chảy, chim hót...
Thậm chí, nữ nhiếp ảnh gia, blogger, họa sĩ người Thụy Điển này có thể trình bày điêu luyện kỹ thuật kulning, một hình thức dùng giọng hát để gọi gia súc có từ ngàn xưa trong các video hữu tình của mình. Nhà sáng tạo nội dung trên YouTube này chia sẻ về loại âm nhạc cổ truyền của dân du mục: "Với tôi, kulning là một hình thức nghệ thuật và tôi rất sẵn lòng chia sẻ với mọi người trên kênh của mình". Hiện cô đang yên bề gia thất với người chồng 35 tuổi Johan Jinton, thợ làm trang sức. 

YouTuber 'ăn nên làm ra' nhờ nội dung sáng tạo

Lướt qua một lượt các YouTuber có tiếng tăm khắp thế giới, không gói gọn trong phong cách thôn dã, mộc mạc như Lý Tử Thất của phương Đông hay nàng Jonna Jinton ở trời Tây, có thể thấy nghề sáng tạo nội dung số trên YouTube là nghề "ăn nên làm ra". Có thể kể qua một số cái tên YouTuber "giàu sụ" trên thế giới như PewDiePie (104 triệu người theo dõi, ước tính tài sản ròng hiện tại gần 30 triệu USD), Dude Perfect (50,6 triệu lượt, tài sản dao động trong khoảng 20 triệu đến 25 triệu USD), HolaSoyGerman (40,7 triệu lượt, tài sản 9 triệu USD)... Vậy qua câu chuyện các YouTuber sáng tạo nội dung và kiếm tiền từ nền tảng này, "bí kíp" của họ là gì? Theo như chỉ dẫn của nhiều trang mạng, điều kiện tiên quyết để có thể hái ra tiền từ một kênh YouTube, đó là có ít nhất 1.000 người theo dõi kênh và đảm bảo nội dung đăng tải có ít nhất 4.000 giờ được xem trên một năm. YouTube ngày càng gắt gao hơn đối với từng nội dung số mà họ trả tiền, nên đòi hỏi sự sáng tạo ngày càng nhiều nơi người làm Vlog. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.