Những tuyến xe buýt nhanh

Phúc Kha
Phúc Kha
23/08/2024 07:21 GMT+7

Tân sinh viên khi đi học tại TP.HCM có thể sử dụng xe buýt với giá chỉ 3.000 đồng/lượt, các tuyến xe rất đa dạng để sinh viên lựa chọn di chuyển đến trường học.

Xe buýt phủ khắp thành phố

Theo thông tin trên trang web của Trung tâm quản lý giao thông công cộng TP.HCM, có nhiều tuyến xe buýt đến hoặc đi qua các trường ĐH tại các quận 1, 3, 5, 7, 10, Bình Thạnh, TP.Thủ Đức và Làng ĐH Thủ Đức…

Tân sinh viên (SV) cần tìm hiểu, lựa chọn đúng tuyến xe thông qua ứng dụng Bus Map để nắm được thông tin các tuyến xe, trạm dừng đón và thời gian hoạt động của xe trên tuyến đường mình đi, từ đó việc di chuyển thuận lợi và nhanh chóng đến trường. Thời gian giãn cách các tuyến xe thường từ 5 - 15 phút (tùy tuyến), các bạn nên đến trạm sớm từ 3 - 5 phút để kịp chuyến.

Các tuyến xe buýt đến Làng ĐH Thủ Đức bao gồm tuyến số 08, 10, 19, 30, 33, 50, 52, 53, 99. Tân SV từ các tỉnh miền Tây có thể lựa chọn xe buýt số 10 để di chuyển từ Bến xe Miền Tây đến Làng ĐH Thủ Đức. Ngoài ra, các bạn nhà ở Đồng Nai có thể đón một số tuyến xe buýt như 150, 601, 602, 603, 604 và di chuyển đến trường của ĐH Quốc gia TP.HCM.

 Những tuyến xe buýt nhanh - Ảnh 1.

Xe buýt phủ khắp thành phố, tân sinh viên dễ dàng sử dụng phương tiện này để đến trường

PHÚC KHA

Để đến nhiều trường ĐH ở khu vực Q.Bình Thạnh, tân SV lựa chọn các tuyến xe buýt phù hợp. Cụ thể, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM có tuyến 14, 43, 150, 44, 06, 55, 52, 104; Trường ĐH Kinh tế - Tài chính tuyến 45, 91, 93, 10, 150, 05, 104, 24; Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2 tuyến 05, 08, 14, 19, 24, 42, 43, 44, 45, 51, 54, 91, 93, 95, 603, 604 (xuống trạm Xô Viết Nghệ Tĩnh); Trường ĐH Giao thông vận tải tuyến 01, 14, 19, 45; Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng tuyến 45, 91, 93, 150; Trường ĐH Văn Lang là tuyến 01, 139, 152, 28, 56.

Ở khu vực Q.3, di chuyển đến Trường ĐH Kiến trúc, SV có thể lựa chọn các tuyến: 06, 14, 152, 18, 28, 30, 93; ĐH Kinh tế TP.HCM có tuyến 05, 06, 14, 150, 28, 30, 36, 93; Trường ĐH Mở TP.HCM tuyến 05, 06, 14, 28, 38, 65, 69.

Khu vực Q.10 gồm nhiều trường như: Trường ĐH Bách khoa TP.HCM có tuyến 08, 103, 38, 59, 69; Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch tuyến 38, 59, 69; Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM tuyến 07, 10, 14, 38, 59, 69.

Cụm các trường Q.1, Q.5 gồm: Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM có tuyến 06, 14, 18, 19, 30, 45, 52, 93; Trường ĐH Sư phạm TP.HCM có tuyến 06, 139, 45, 56; Trường ĐH Sài Gòn tuyến 9, 152, 45, 56, 68; Trường ĐH Y Dược tuyến 07, 08, 10, 56, 62, 91, 94.

Tân SV học tại các trường khu vực quận Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, như Học viện Hàng không VN có tuyến 04, 145, 148, 104, 60-7, 30, 65; Trường ĐH Công thương tuyến 32, 41, 48, 69; Trường ĐH Công nghiệp tuyến 18, 24, 146, 07, 148.

Còn tại các trường thuộc Q.4, Q.7: Trường ĐH Luật có tuyến 31, 34, 01, 03; Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tuyến 20, 31, 74, 75, 102; Trường ĐH Tôn Đức Thắng tuyến 31, 72, 68, 102, 34; Trường ĐH An ninh nhân dân tuyến 31, 72, 68, 102, 34, 140. Ngoài ra, Trường ĐH Văn hóa tuyến 43, 104, 150, 52, 55, 29, 99, 57, 10; Trường ĐH Ngân hàng tuyến 53, 93, 104, 06, 08, 141, 56, 57; Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật tuyến 53, 104, 06, 08, 56, 57, 89, 141, 611; Trường ĐH Nông Lâm tuyến 06, 89, 93, 104, 19, 33, 50, 53, 601.

Cách đi xe buýt

Khi vào ĐH, để tiết kiệm chi phí, tân SV có thể lựa chọn xe buýt làm phương tiện di chuyển đi học hằng ngày. Tuy nhiên, theo nhiều SV, việc đi xe buýt dễ xảy ra móc túi, sàm sỡ, chen lấn… Để tránh trở thành nạn nhân, tân SV cần lưu ý những điều này để di chuyển an toàn, đúng quy định.

Thường xuyên sử dụng xe buýt để đi học, Võ Minh Anh, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết SV đi xe buýt với giá chỉ 3.000 đồng/lượt nếu có thẻ SV. Khi làm thủ tục nhập học, tân SV nên xin nhà trường cấp thẻ SV tạm thời để đi xe buýt, còn thẻ SV chính thức phải vài tháng sau mới được nhận.

 Những tuyến xe buýt nhanh - Ảnh 2.

Khi đi xe buýt, tân sinh viên phải giữ gìn tư trang cẩn thận

PHÚC KHA

"SV nên chuẩn bị tiền mệnh giá nhỏ để việc đi xe buýt thuận lợi. Nếu lỡ đưa tờ tiền từ 50.000 đồng trở lên có thể sẽ nhận lại những phản ứng nhăn mặt, cau có của tiếp viên xe buýt... Khi đi xe buýt, muốn xuống trạm thì các bạn cần nhấn chuông trước để báo hiệu cho tài xế, bởi xe không thể dừng đột ngột", Minh Anh gợi ý.

Minh Anh nói thêm: "Nhiều kẻ biến thái lợi dụng sự đông đúc trên xe buýt đã có hành động sàm sỡ các bạn nữ. Khi gặp trường hợp này, các bạn cần la lên, chỉ mặt tên biến thái để tiếp viên và tài xế biết mà xử lý".

Từng bị mất điện thoại khi đi xe buýt nên Nguyễn Quốc Duy, SV Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, mong tân SV cần giữ gìn tài sản cá nhân thật cẩn thận trong lúc ngồi trên xe.

"Vào giờ cao điểm, xe buýt chật cứng hành khách, người này đứng sát người kia chính là cơ hội cho những tên móc túi hành động. Tài sản mà các đối tượng này thường nhắm tới là điện thoại, ví tiền. Các bạn đừng mang theo quá nhiều tiền mặt trong người để tránh bị mất cắp. Khi đứng chờ xe buýt ở các trạm, tân SV phải quan sát trước sau, cầm thật chắc ba lô, túi xách trên tay, tốt nhất nên mang ba lô trước ngực", Duy nói.

Anh Lê Xuân Huy (38 tuổi), tài xế xe buýt tuyến số 72, chia sẻ: "Đã có rất nhiều vụ móc túi xảy ra trên xe buýt, vì thế tân SV khi đi xe buýt nên đề cao cảnh giác. Tốt nhất là cho tất cả tài sản có giá trị vào túi, ba lô rồi ôm trước ngực, tuyệt đối không lơ là, chủ quan trong mọi tình huống. Khi xảy ra các vấn đề cần phải lên tiếng để nhận được sự giúp đỡ của tài xế, tiếp viên và những hành khách trên xe".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.