Tết cũng là thời điểm các bệnh viện, phòng khám có lịch nghỉ tết khiến việc xảy ra những vấn đề sức khỏe trong khoảng thời gian này trở thành nỗi lo cho nhiều người, đặc biệt là những gia đình có con nhỏ, người lớn tuổi và người có bệnh lý mạn tính.
Tuy nhiên không phải vấn đề sức khỏe nào cũng cần tìm đến bác sĩ, bệnh viện.
Sốt
Sốt là triệu chứng thường gặp ở cả người lớn và trẻ em. Khi nhiệt độ cơ thể tăng lên trên 38 độ C được xem là sốt và đây là một triệu chứng có lợi giúp cơ thể chiến đấu với bệnh.
Sốt là triệu chứng thường gặp ở cả người lớn và trẻ em |
shutterstock |
Khi bị sốt, cơ thể của bạn sẽ tăng cường lưu lượng máu đến da và co cơ để làm mát cơ thể. Vì vậy cơn sốt thường xảy ra trong thời gian ngắn và tự hết. Tuy nhiên khi để sốt kéo dài, nhiệt độ tăng quá cao có thể ảnh hưởng đến tổng trạng chung của cơ thể và gây nguy hiểm, vì vậy các bác sĩ thường khuyến cáo bệnh nhân xử trí hạ sốt và uống thuốc khi xuất hiện cơn sốt cao.
Khi sốt đi kèm những dấu hiệu sau có thể là dấu hiệu của bệnh nghiêm trọng cần được thăm khám bởi bác sĩ:
- Trẻ em dưới 2 tháng tuổi bị sốt, dù là bất kỳ nhiệt độ nào cũng là dấu hiệu nguy hiểm cần được đưa đến bệnh viện.
- Trẻ em sốt cao trên 39 độ C, sốt cao liên tục uống thuốc hạ sốt không có dấu hiệu hạ thân nhiệt.
- Sốt trên hai ngày (48 giờ) không giảm.
- Cứng cổ hoặc đau cổ.
- Co giật.
- Lơ mơ, mất ý thức hoặc ngất xỉu.
- Khó thở, thở khò khè kèm rút lõm lồng ngực.
- Đau đầu dữ dội.
- Lú lẫn.
- Ảo giác.
- Nhạy cảm với ánh sáng, sợ sáng…
Đau đầu
Đau đầu là triệu chứng có thể được xử trí tại nhà với những mẹo như nằm nghỉ ngơi, tắm nước ấm, giữ ấm cơ thể đặc biệt là vùng đầu... Hoặc với những loại thuốc cơ bản trong tủ thuốc gia đình như Paracetamol với liều 10-15 mg/kg cân nặng, mỗi 4-6 giờ/lần hoặc Ibuprofen với liều 5-10 mg/kg cân nặng, mỗi 6-8 giờ/lần.
Tuy nhiên khi đau đầu kết hợp những dấu hiệu sau là cảnh báo bạn cần tìm đến bác sĩ và bệnh viện:
- Diễn tiến đau âm ỉ, dai dẳng, đôi khi phát lên cơn đau có thể kèm theo liệt run. Đây là triệu chứng cảnh báo một cơn đau đầu do dị dạng mạch máu, một bệnh lý cấp cứu có nguy cơ tử vong cao nếu không được can thiệp kịp thời.
- Đau đầu dữ dội, uống thuốc không giảm, cổ cứng, ói, sợ ánh sáng, sốt cao. Đây là dấu hiệu cảnh báo viêm màng não một bệnh lý thường xảy ra ở trẻ em, bệnh khởi phát nhanh và khó phát hiện do trẻ em thường không biết diễn tả bệnh của mình.
- Đau đầu đột ngột, dữ dội và có thể kèm yếu liệt nửa người hoặc xuất hiện sau khi té ngã. Đặc biệt thường xảy ra ở bệnh nhân tăng huyết áp và người cao tuổi.
- Đau đầu đột ngột, dữ dội, khu trú nhiều ở vùng chẩm, trán, có thể kèm cảm giác cứng các cơ gáy, đau lên đỉnh đầu và có thể lan tới vùng trán, thường đau nhiều về ban đêm. Đây là dấu hiệu của một cơn tăng huyết áp, có thể xảy ra ở cả bệnh nhân khỏe mạnh chứ không riêng người có bệnh lý tăng huyết áp.
- Đau đầu xảy ra sau một chấn thương vùng đầu, sau đó có thể kèm buồn nôn, yếu nửa người, rối loạn ý thức.
Chảy máu cam
Chảy máu cam hay chảy máu mũi là vấn đề phổ biến thường xảy ra ở trẻ em từ 3-10 tuổi và cả ở người lớn.
Khi bị chảy máu cam, bạn cần ngả người về phía trước và dùng một đến hai ngón tay áp chặt cánh mũi bên bị chảy máu |
shutterstock |
Khi bị chảy máu cam, bạn cần ngả người về phía trước và dùng một đến hai ngón tay áp chặt cánh mũi bên bị chảy máu hoặc dùng ngón cái và ngón trỏ bóp chặt cả hai bên mũi trong 10 đến 15 phút, thở bằng miệng. Việc này giúp cầm máu và cũng tránh không để máu chảy xuống họng gây nôn hoặc hít sặc. Tuyệt đối không ngửa cổ, hít hay hỉ mũi khi bị chảy máu cam.
Hầu hết các trường hợp chảy máu cam có thể hết mà không cần chăm sóc y tế. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng vậy. Dấu hiệu nhận biết chảy máu cam cần được chăm sóc y tế như sau:
- Chảy máu lượng nhiều liên tục trên 20 phút không tự cầm dù đã xử trí ban đầu.
- Chảy máu cam kèm triệu chứng nôn mửa, khó thở, chảy máu tai hoặc tiêu ra phân máu.
- Với những trường hợp chảy máu cam thường xuyên kèm các triệu chứng của thiếu máu như da niêm nhạt, móng tay mất bóng có khía, tóc dễ gãy rụng hoặc da dễ bầm tím cũng cần đưa đến bác sĩ để được thăm khám.
Côn trùng đốt
Một vấn đề đơn giản nhưng lại gây hoang mang khi xảy ra vào dịp lễ tết đó chính là côn trùng đốt, đặc biệt là ở trẻ em vì trẻ nhỏ chưa biết tự bảo vệ bản thân.
Khi bị côn trùng đốt bạn có thể xử trí bằng cách chườm lạnh vết đốt bằng khăn lạnh hoặc viên đá nhỏ bọc trong khăn sạch khoảng 10-20 phút nếu vết đốt sưng đỏ. Với những vết đốt gây ngứa ngáy khó chịu, bạn có thể bôi những loại kem dưỡng có thành phần kẽm khoảng 4 lần/ngày để làm dịu vết đốt và sử dụng thêm thuốc kháng histamin theo chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt chú ý tránh cào gãi gây trầy xước và viêm nhiễm vùng da bị đốt.
Thông thường vết ngứa hay sưng do côn trùng đốt sẽ tự khỏi sau vài giờ hoặc dài hơn là 1-2 ngày rồi tự hết. Tuy nhiên nếu thấy các dấu hiệu sau thì bạn nên tìm đến bác sĩ hoặc bệnh viện sớm nhất có thể để được thăm khám và xử trí:
- Vết đốt sưng to và đau nhiều.
- Vùng da bị đốt nóng và ửng đỏ lan rộng ra xung quanh.
- Nổi mề đay hoặc ban đỏ toàn thân hoặc phát ban với những nốt hình tròn hoặc hình vòng
- Vết đốt lở loét, sưng mủ, chảy dịch vàng.
- Sốt, mệt mỏi.
- Phù nề da, môi, họng, lưỡi hoặc mặt.
- Gặp các vấn đề nghiêm trọng về hô hấp như khó thở, thở khò khè,…
- Mạch đập nhanh hoặc yếu, nhịp tim không đều.
- Chóng mặt, ngất xỉu, mất ý thức.
- Buồn nôn, ói mửa, đau quặn bụng, tiêu chảy.
- Da tái nhợt, xanh xao.
- Đổ mồ hôi nhiều.
- Lú lẫn, nói lắp.
Hầu như những vấn đề sức khỏe thường gặp nói trên đều không nghiêm trọng và dễ dàng xử trí tại nhà, tuy nhiên khi các vấn đề trên đi kèm những dấu hiệu nguy hiểm thì lại là một vấn đề khác cần được quan tâm và xử trí càng sớm càng tốt.
Bình luận (0)