Tiếp tục xây nhà từ móng
Một lãnh đạo VFF khóa 9 cho biết: “Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng đã chỉ đạo rõ, VFF khẩn trương nghiên cứu và thực thi hiệu quả, đồng bộ các giải pháp đảm bảo tính liên tục trong công tác đào tạo trẻ. Trong đó chú trọng đào tạo, bồi dưỡng phát triển toàn diện về thể lực, tư duy, kỹ chiến thuật và đạo đức, văn hóa ứng xử cho các cầu thủ trẻ. Các hành vi bạo lực sân cỏ, bán độ, hay ứng xử thiếu văn hóa ngoài đời thực sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững của bóng đá VN. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, bởi sẽ tạo ra môi trường thuận lợi để chọn lựa và phát triển tài năng của các tuyển thủ quốc gia.
Với những giải do AFC tổ chức, VFF cũng cố gắng tạo nguồn thu tài trợ |
Ngọc Dương |
Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng, công tác đào tạo trẻ là cốt lõi phát triển của cả một nền bóng đá. Bóng đá VN nhiều năm qua không còn tình trạng xây nhà từ nóc mà từ móng. Tuy nhiên, trên thực tế, bên cạnh số ít các CLB hay địa phương có trung tâm đào tạo bóng đá trẻ với đầy đủ cơ sở vật chất như Viettel, HAGL, PVF…, vẫn còn nhiều CLB chưa quan tâm đúng mức đến đào tạo trẻ do điều kiện cơ sở vật chất, sân bãi, nguồn kinh phí còn nhiều hạn chế nên khó tìm kiếm, khó giải quyết chi phí ăn ở, tiền công cho cầu thủ trẻ. Chưa kể việc đảm bảo học văn hóa cho cầu thủ trẻ cũng gặp rất nhiều khó khăn, vì tại một số địa phương không có trường văn hóa thể thao dạy văn hóa cho các VĐV. Đây thực sự là những bài toán rất nan giải, bởi nếu CLB không đủ tiềm lực kinh tế để đầu tư bài bản mà chính quyền địa phương không cùng vào cuộc thì sự ổn định của bóng đá trẻ VN nói riêng sẽ bị tác động tiêu cực”.
Cũng theo vị quan chức này, VFF sẽ rà soát lại ngay toàn bộ hệ thống đào tạo trẻ tại VN. Nếu ngày càng có nhiều CLB không cử đội trẻ tham dự các giải trẻ quốc nội hằng năm thì không những CLB đó không được cấp phép tham dự các giải châu Á mà nền móng của bóng đá VN sẽ bị lung lay. VFF sẽ có những cuộc làm việc thực chất với các CLB, các địa phương để cùng tháo gỡ những khó khăn. Một vấn đề nữa mà VFF cũng đang tính đến là sẽ cố gắng tính toán để tổ chức các giải trẻ theo thể thức League (sân nhà - sân khách hằng tuần như V-League hay hạng nhất). Mô hình lý tưởng này chưa được thực hiện ở VN do đặc điểm lãnh thổ và điều kiện tài chính hạn hẹp nhưng cũng đã đến lúc VFF sẽ phải lên phương án chuẩn bị cho việc xây dựng quy định, điều lệ và những yếu tố khác liên quan.
Tạo nguồn thu 1.100 tỉ đồng bằng cách nào ?
Hoạt động tiếp thị và vận động tài trợ của VFF khóa 8 từ năm 2018 đến hết năm 2022 có sự tăng trưởng vượt bậc (tăng 200% so với khóa 7) và có thể thu đủ bù chi. Từ năm 2023 - 2026, ước tính mỗi năm VFF chi khoảng 300 - 400 tỉ đồng. Nếu không tiếp tục có sự tăng trưởng về nguồn thu, nhiều mục tiêu và kế hoạch quan trọng của VFF sẽ không thể được thực hiện, trong đó có khoản đầu tư lớn cho công tác đào tạo trẻ, hỗ trợ các CLB. Mà muốn kiếm được nhiều tiền, VFF phải tiếp tục đổi mới các hình thức tiếp thị và vận động tài trợ. Ngoài việc duy trì, tiếp tục hợp đồng với nhiều đối tác, VFF sẽ ký mới nhiều hợp đồng tài trợ cho đội tuyển nam, nữ và U.23 VN với giá trị tăng trưởng cao. Đẩy mạnh phối hợp với các tổ chức, công ty tiếp thị chuyên nghiệp để khai thác tối đa nguồn thu từ các giải trẻ quốc tế do VFF đăng cai, thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp trong nước cùng chung tay đóng góp cho bóng đá VN bằng tài trợ tiền mặt, trang thiết bị cho các đội tuyển. Khóa 8, VFF đã rất thành công khi có số lượng đối tác trong nước tham gia tài trợ nhiều nhất trong tổng số 13 đối tác tài trợ cho các đội tuyển quốc gia. Khóa 9 sẽ cố gắng phá kỷ lục này qua những cách làm tài trợ linh hoạt, tạo tối đa nguồn thu từ các giải đấu.
Đối với các sự kiện và giải bóng đá quốc tế trong hệ thống thi đấu chính thức của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) hay Đông Nam Á, VFF sẽ tiếp tục tạo nguồn thu từ tài trợ với các mức khác nhau. Với hệ thống thi đấu trong nước, VFF sẽ cố gắng cải tiến hình thức tổ chức, đặc biệt là những giải bấy lâu nay chưa thực sự có chất lượng tốt, hình ảnh chưa hấp dẫn, nhằm thu hút tài trợ (như giải bãi biển, giải hạng ba…). Tiếp tục giao quyền quản lý, tổ chức và điều hành các giải chuyên nghiệp cho VPF; hợp tác dài hạn, giao quyền và phối hợp tổ chức giải U.19, U.21 quốc gia với Tập đoàn truyền thông Thanh Niên, giải U.9, U.11, U.13 với Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Chủ động khai thác nguồn thu thương mại các giải khác (giải bóng đá nữ quốc gia, hạng nhì, futsal…) bằng hình thức ký kết tài trợ quảng cáo hoặc hợp tác tổ chức giải đấu. Dự tính, VFF khóa 9 sẽ có nguồn thu ít nhất 1.100 tỉ đồng và cao nhất vào khoảng 1.200 tỉ đồng.
Bổ nhiệm lại các vị trí chủ chốt của 11 ban chức năng
Ở phiên họp Ban Chấp hành (BCH) VFF sắp tới, lãnh đạo VFF sẽ đề xuất nhân sự các trưởng, phó ban của 11 ban chức năng thuộc VFF. Trong đó, Trưởng ban Trọng tài, Trưởng ban Y học, Trưởng ban Cấp phép, Trưởng ban Giải quyết khiếu nại, Trưởng ban Kỷ luật không được là thành viên của BCH.
Bình luận (0)