Nhược điểm của nền công nghệ quốc phòng Trung Quốc

11/10/2020 15:12 GMT+7

Khi internet phát triển khắp thế giới , việc đánh cắp thông tin mật càng dễ dàng hơn. Với trình độ tay nghề cao, đội ngũ tin tặc của Trung Quốc có thể đột nhập vào các mạng máy tính của nhiều quốc gia.

Các tin tặc Trung Quốc thừa biết đột nhập vào máy tính của Bộ Quốc phòng hay các cơ quan quân sự đầu não của Mỹ và Nga thì khó khăn vì hệ thống an ninh máy tính có nhiều tầng lớp với độ bảo mật cực cao. Hơn nữa, các máy tính chứa thông tin tuyệt mật thường là không có kết nối internet để tránh bị đột nhập. Do đó, phương thức xâm nhập dễ dàng nhất của tin tặc Trung Quốc là hack vào máy tính của các nhà thầu quốc phòng. Với hàng chục ngàn máy tính của hàng ngàn nhà thầu chính và phụ (chương trình chế tạo máy bay tàng hình F-35 có tới 1.900 nhà thầu phụ), không phải nơi nào cũng có ý thức bảo mật và thiết lập hệ thống bảo vệ chặt chẽ như nhau. Vì vậy, tin tặc Trung Quốc đã đột nhập và lấy được phần lớn hồ sơ thiết kế của hai loại máy bay tàng hình F-22 và F-35 cũng như nhiều thông tin về các loại vũ khí mới người Mỹ đang nghiên cứu.
Nhược điểm của nền công nghệ quốc phòng Trung Quốc

Shenyang J-11 (trên) và Sukhoi Su-27 của Nga giống nhau như hai anh em ruột

Ảnh: Financetwitter

Theo Washington Post, vào tháng 1 và 2.2018, Hải quân Mỹ cũng bị tin tặc Trung Quốc đánh cắp một khối lượng lớn các thông tin tuyệt mật, tin tặc đã xâm nhập vào các máy tính của một nhà thầu sản xuất vũ khí cho Hải quân Mỹ. Các thông tin bị đánh cắp bao gồm dự án tuyệt mật Sea Dragon để sản xuất một loại thủy lôi có thể đạt vận tốc siêu âm khi phóng từ tàu ngầm đang lặn, dự kiến sẽ triển khai vào năm 2020 này. Ngoài ra, còn có các thông tin về hệ thống mã hóa liên lạc và dữ liệu về chiến tranh điện tử dưới nước.
Nhược điểm của nền công nghệ quốc phòng Trung Quốc

Chengdu J-10 (trên) là bản copy từ F-16 Falcon 

Ảnh: TheNationalinterest

Với cái hầu bao cực lớn, Trung Quốc sẵn sàng chi trả hào phóng để mua những thiết kế vũ khí, khí tài quân sự ở bên ngoài nước Mỹ. Điển hình là việc Trung Quốc mua được bản thiết kế loại chiến đấu cơ F-16 Falcon của Mỹ. Bản thiết kế này do Israel lén lút bán cho Trung Quốc vì trước đó, hãng General Dynamics (Mỹ) đã chuyển giao thiết kế F-16 cho Israel để họ có thể tự sản xuất dòng chiến đấu cơ nội địa đặt tên là Lavi.
Dù Trung Quốc đã chế tạo loại chiến đấu cơ được cho là thuộc thế hệ thứ 5 J-20 nhưng họ vẫn thèm muốn công nghệ tàng hình của Nga áp dụng cho dòng chiến đấu cơ hiện đại nhất của Nga là Sukhoi Su-57. Nga giới thiệu loại phiên bản xuất khẩu của Su-57 tại Triển làm Hàng không - Hàng hải quốc tế LIMA tổ chức tại Malaysia hồi tháng 3.2019 và chính thức trình làng Su-57 tại Triển lãm Hàng không MAKS 2019 tổ chức ở thủ đô Moscow cuối tháng 8.2019. Nga cũng đã dự kiến bán một lô Su-57 cho Ấn Độ vào năm 2022. Theo Economic Times Bulgarian Military, Trung Quốc đã bày tỏ ý định muốn mua Su-57 nhưng phía Nga chần chừ vì lo ngại việc bị sao chép công nghệ. Dù vậy, Trung Quốc bằng cách nào đó đã “thu thập” được dự án thiết kế máy bay thế hệ thứ 5 MiG-1.44 của hãng Nga Mikoyan (Nga chỉ sản xuất 1 chiếc thử nghiệm rồi chấm dứt dự án vào cuối năm 2000).
Nhược điểm của nền công nghệ quốc phòng Trung Quốc

Shenyang J-20 (trên) là bản copy tổng hợp từ Lockheed Martin F-22 của Mỹ (giữa) và mẫu thử nghiệm Mikoyan MiG-I.44 của Nga (dưới)

Ảnh: ThaiMilitary & Indian Defense News & Quora

Nhược điểm của nền công nghệ quốc phòng Trung Quốc

Drone tấn công CASC CH-4 (trên) nhìn chẳng khác UAV General Atomics MQ-9 Reaper của Mỹ 

Ảnh: National Interest

Trung Quốc còn sử dụng những thủ đoạn khác rất tinh vi. Với danh nghĩa hợp tác nghiên cứu, các tập đoàn công nghiệp Trung Quốc đã rót nhiều vốn đầu tư vào các hãng châu Âu hoạt động trong lĩnh vực chế tạo máy móc thiết bị cho máy bay dân dụng. Nhờ vậy, Trung Quốc đã tiếp thu được một số công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực thiết kế cánh quạt trực thăng, chế tạo động cơ và hệ truyền động của trực thăng... Trung Quốc cũng đã mua cổ phần của hãng xe Volvo của Thụy Điển vì hãng này ngoài việc chế tạo xe hơi còn chế tạo cả động cơ máy bay phản lực. Sau đó, Trung Quốc đã lấy được bản thiết kế loại động cơ phản lực GE F414. Thiết kế này là của hãng General Electric (Mỹ) chuyển giao cho tập đoàn Saab, hãng mẹ của Volvo.
Nhược điểm của nền công nghệ quốc phòng Trung Quốc

Máy bay vận tải Xian Y-20 (trên) cũng giống hệt chiếc Boeing C-17 Globemaster của Mỹ 

Ảnh: Defense Updates

Với nhiều cách thức, Trung Quốc đã thu thập được các công nghệ quân sự cao cấp của phương Tây, đặc biệt là những công nghệ có “tính năng đôi” (dual purpose) vừa dùng vào dân dụng, vừa dùng được cho lĩnh vực quân sự.
Nhưng, nhược điểm lớn nhất của công nghệ hàng không Trung Quốc là họ vẫn chưa làm chủ được các bí quyết trong thiết kế và chế tạo động cơ phản lực. Sao chép kết cấu khung sườn máy bay thì tương đối dễ nhưng động cơ thì lại là chuyện khác. Theo Reuters, quy trình sản xuất loại sản phẩm này là cực kỳ phức tạp. Mỗi động cơ có hàng chục ngàn chi tiết linh kiện khác nhau, linh kiện nào cũng phải đáp ứng được yêu cầu hoạt động ổn định xuyên suốt thời gian dài trong điều kiện áp suất và nhiệt độ cực cao. Kèm theo đó là những bí quyết công nghệ tuyệt mật trong lĩnh vực luyện những loại hợp kim đặc biệt, chế tạo các vật liệu tổng hợp composite, đúc khuôn, cắt gọt có độ chính xác tuyệt đối. Ngoài ra, còn phải có các giải pháp kỹ thuật đặc biệt để giám sát quy trình sản xuất và quản lý chất lượng mới có thể sản xuất được loại động cơ cao cấp. Một yếu tố cực kỳ quan trọng nữa là con người, khâu thiết kế phải do những chuyên gia có trình độ hàng đầu thế giới với hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này, đây là một nguồn nhân sự cao cấp mà Trung Quốc đang rất thiếu. Đó là lý do vì sao hiện nay trên thế giới chỉ có một số ít hãng của Mỹ và vài nước châu Âu như Anh, Đức, Pháp, Nga là sản xuất được động cơ phản lực cao cấp cho máy bay dân dụng và quân sự.
Nhược điểm của nền công nghệ quốc phòng Trung Quốc

Trực thăng chiến đấu Changhe WZ-10 (trên) dựa từ Boeing AH-64 Apache của Mỹ (trái) và Mil Mi-24 của Nga (phải)

Ảnh: Wikipedia

Vì vậy, dù từ năm 2012 đến nay chính phủ Trung Quốc đã đầu tư 100 tỉ nhân dân tệ (gần 15 tỉ USD) cho các tập đoàn hàng không vũ trụ quốc doanh (dự kiến sẽ chi thêm 300 tỉ nhân dân tệ nữa trong thập niên 2020 - 2030) cho nghiên cứu chế tạo động cơ phản lực nhưng đến nay vẫn chưa đạt được tiến bộ nào đáng kể. Các loại động cơ của hai tập đoàn Trung Quốc Shenyang Liming Aero-Engine Group và Xi'an Aero-Engine Plc sản xuất vẫn còn nhiều khiếm khuyết. Đã có nhiều vụ máy bay quân sự Trung Quốc bị rơi do hỏng hóc của động cơ “made in China”, nhưng thông tin bị bưng bít. Loại động cơ đang được sản xuất hàng loạt là Shenyang WS-10 thực chất là sao chép từ động cơ AL-31 của Nga và CFM-56 của Mỹ. WS-10 thua kém nhiều so với bản gốc nước ngoài về tính năng kỹ thuật, độ tin cậy không cao, lực đẩy không đạt mức thiết kế. Do không nắm được các bí quyết về luyện kim và chế tạo vật liệu tổng hợp cao cấp, động cơ Trung Quốc có tuổi thọ kém, khi đưa vào sử dụng phải bảo dưỡng liên tục, sau một thời gian ngắn là phải thay mới hoàn toàn.
Do đó, Trung Quốc phải mua hơn 1.000 động cơ phản lực AL-31 của Nga để trang bị cho các dòng chiến đấu cơ thế hệ mới của họ và đang đặt hàng thêm một số lượng lớn nữa. Loại chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5 mà Trung Quốc đang khoe là J-20 vẫn phải dùng động cơ thế hệ thứ 4 của Nga là AL-31. Bởi thế, J-20 thiếu những tính năng đặc thù của thế hệ thứ 5 là khả năng điều hướng luồng khí xả (thrust-vertoring) và bay vận tốc siêu âm đường dài (super cruising). Trung Quốc đã đề nghị mua loại động cơ dùng cho chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 của Nga là Saturn AL-41F1. Người Nga đã dính nhiều đòn đau vì bị Trung Quốc sao chép các kiểu máy bay và động cơ của họ, nên giới chức quốc phòng Nga kịch liệt phản đối việc bán động cơ thế hệ mới cho Trung Quốc. Hãng chế tạo Sukhoi (Nga) cho biết, động cơ AL-41F1 đã được thiết kế chống sao chép, nếu “ai đó” cố ý tháo rời sẽ lập tức gây hư hỏng các bộ phận quan trọng nhất.
Chuyên san quốc phòng Asian Defense nhận định công nghiệp hàng không Trung Quốc vẫn còn phải dùng động cơ nhập khẩu ít nhất từ 10 - 15 năm nữa. Theo đánh giá của giới chuyên gia quân sự phương Tây, trong lĩnh vực này Trung Quốc đi sau Mỹ và Nga ít nhất là một thập niên. Và, đánh cắp thiết kế hay công nghệ đảo ngược thì chỉ sao chép được cái xác, không thể sao chép “phần hồn” là những bí quyết kỹ thuật cốt lõi không mô tả trong các bản thiết kế.
Các dòng máy bay quân sự thế hệ mới của Trung Quốc đều là hàng nhái từ các phiên bản của Mỹ và Nga: Shenyang J-20 và Shenyang J-31 dựa trên các thiết kế lấy trộm được của hai loại chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 của Mỹ là F-35 Lightning II và F-22 Raptor; Chengdu J-10 từ loại F-16 Falcon (Mỹ); Shenyang J-11 là bản copy 100% từ Su-27 (Liên Xô); Shenyang J-15 sao chép từ SU-33 của Nga; máy bay không người lái CH-4 là bản copy của loại drone MQ-9 Reaper (Mỹ); máy bay vận tải Xian Y-20 copy từ C-17 Globemaster (Mỹ); các loại trực thăng tấn công CAIC WZ-10, Harbin Z-19 đều sao chép từ các mẫu AH-1 Cobra, AH-64 Apache (Mỹ) và Mi-24 (Nga) với sự hợp tác "chui" của hãng chế tạo trực thăng quân sự nổi tiếng Kamov của Nga. Các loại máy bay quân sự "made in China" này có ngoại hình giống các "đồng sự" phương Tây đến 90%, nhìn cứ tưởng anh em ruột. Do “kẻ trộm” yếu về thiết kế nên cứ copy y hệt, không dám sửa đổi gì nhiều về kiểu dáng bên ngoài vì sợ ảnh hưởng đến tính năng khí động học. Dù vậy, do tay nghề chế tạo “chưa tới” nên nhìn hàng copy khá thô kệch, và dĩ nhiên các tính năng kỹ thuật thì thua kém "hàng xịn" là điều chắc chắn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.