Làng nghề đóng ghe, xuồng ở xã Long Hậu (H.Lai Vung, Đồng Tháp) hình thành từ xóm rạch Bà Đài, ấp Long Hòa. Ban đầu, sản phẩm làm ra chỉ phục vụ cho nhu cầu đi lại của người dân trong vùng. Nhưng nhờ có đội ngũ thợ khéo tay, nhiều nơi đến đặt hàng, ghe xuồng Long Hậu trở thành thương hiệu có tiếng ở miền Tây.
tin liên quan
Làng thợ rèn tuổi cao niênÔng tổ của xuồng cui…
Năm nay 60 tuổi, ông Nguyễn Văn Tốt cho biết ông tổ của nghề đóng ghe xuồng Long Hậu là ông Phạm Văn Thuôn, dân trong vùng gọi là ông Sáu Xuồng Cui. Đó là ông cố của ông, định cư ở xóm này khoảng hơn 100 năm trước. Nghe kể lại, ngày xưa ông khởi nghiệp bằng nghề đóng xuồng cui, loại xuồng nhỏ dùng để đi giăng câu, giăng lưới trên đồng ruộng, kinh rạch. Ngoài ra ông Sáu cũng là ông tổ của chiếc ghe tam bản vùng Long Hậu. Hằng năm, những người làm nghề cúng tổ vào ngày 25 tháng 7 âm lịch, là ngày mất của ông Sáu.
Ngoài chiếc xuồng cui truyền thống, nghề đóng ghe xuồng ở Long Hậu còn phát triển thêm các loại khác theo yêu cầu của khách hàng như ghe bầu Cái Răng, xuồng Cần Thơ, ghe Cà Vom An Giang, xuồng ba lá Long An, Tháp Mười... Ghe xuồng ở đây được sản xuất quanh năm, cao điểm là từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 8 âm lịch. Những năm nước nổi dâng cao, khách hàng đặt nhiều, ghe xuồng làm ra không kịp giao, thì mùa cao điểm kéo dài đến tận tháng 10 âm lịch và mỗi năm xã Long Hậu cho hạ thủy khoảng 20.000 ghe xuồng các loại. Năm 2005, UBND tỉnh Đồng Tháp có quyết định công nhận nghề đóng ghe xuồng ở xã Long Hậu là làng nghề truyền thống.
Theo nghề từ năm 15 tuổi, ông Tốt cho biết sau năm 1975, có lúc xuồng cui Bà Đài tưởng chừng bị mai một, nhưng gia đình ông đã cố gắng phục hồi. Ông Tốt mô tả: “Xuồng cui Bà Đài có đặc điểm bửng thon, tấm chỉ hạ thấp nên đẹp hơn kiểu xuồng cui Long Xuyên. Then xuồng đóng liền gần với bửng, khác với xuồng ba lá phải đóng xa bửng. Xuồng cui có bổ chèo, được gắn 2 áp khẩu ở cong đầu tiên. Áp khẩu có nhiệm vụ vịn chắc cột chèo. Còn xuồng ba lá cột chèo gắn vô then không dằn áp khẩu, then được ngàm vô đầu cong”.
Theo ông Tốt thì xuồng cui Bà Đài đóng theo nguyên tắc số lẻ 7 lá hoặc 5 lá, dân trong nghề gọi là “vỏ dưa”. Các loại ghe xuồng khác, ngoại trừ xuồng ba lá, thì khách hàng đặt theo “hoành”, tức kích thước chiều ngang. Người thợ căn cứ vào đó mà tính số lượng “vỏ dưa” là 5 hay 7 hoặc 9, 13... Nhưng số vỏ dưa ghép lại không được nhiều quá, vì ghe sẽ không chắc. Trong đó, công đoạn dằn cong là quan trọng nhất. Vì bộ cong có chức năng cố định thân xuồng, chống đỡ sức ép của nước từ bên ngoài vào, đồng thời giữ cho xuồng không bị biến dạng.
Cũng theo ông Tốt thì nguyên tắc đóng ghe xuồng khi vô be xong mới dằn cong. Số lượng cong quy định theo truyền thống với câu thiệu Sanh - Tài - Tử - Mạt... Khi đóng ghe xuồng, người thợ có tâm thì phải chọn số cong đúng vào hai chữ Sanh hoặc Tài. Nguyên tắc này áp dụng cho tất cả chớ không chỉ riêng ghe xuồng Bà Đài.
|
Băn khoăn đội ngũ kế thừa nghề
Từ xa xưa, cư dân vùng sông nước quan niệm chiếc xuồng, chiếc ghe cũng như con người, cần phải có mắt. Người theo nghề sông nước lâu năm chỉ cần nhìn vào hình dáng, màu sắc của con mắt là biết được xuất xứ của ghe xuồng. “Chẳng hạn như ghe Cần Đước có mũi nhọn dựng cao, mắt vẽ tròn xoe, tròng đen to choán gần hết con mắt. Ghe vùng Rạch Giá, Phú Quốc thường có mắt tròn, sơn đen và đỏ trên nền xanh, nhưng lại nhìn cúi xuống. Có nơi vẽ biểu tượng âm dương ở vị trí mắt. Nói chung con mắt ghe có nhiều kiểu, nhưng ở vùng Bà Đài, mắt ghe chài thường vẽ hình quả trứng, lòng đen to hơn. Người ta quan niệm con mắt tròng đen to để nhìn xa, giống như đi cưới dâu phải lựa con gái mắt to mới đẹp”, ông Tốt chia sẻ.
tin liên quan
Mai một làng nghề gần 200 năm tuổi ở đất cảngMấy năm gần đây mùa nước nổi thất thường, có năm khô hạn, vì vậy nghề đóng ghe xuồng cũng bị ảnh hưởng, đặc biệt là ghe có tải trọng lớn rất khó tiêu thụ. Ông Tốt cho biết hiện nay lượng ghe xuồng bán ra tại Long Hậu giảm khoảng 90% so với năm 2015. Năm đó cả xã có khoảng 400 hộ làm nghề, nhưng đến nay chỉ còn 41 hộ. Trong đó, ấp Long Hưng có 29 hộ, Long Hòa 11 hộ, còn Long Thuận chỉ có 1 hộ theo nghề. Nhiều thợ đóng ghe xuồng nay phải rời địa phương sang Cái Bè (Tiền Giang) hay Cần Đước (Long An) hành nghề. Xuồng cui bây giờ ít ai sử dụng, lâu lâu mới có người đặt hàng. Tháng trước ông nhận làm cho một khách hàng ở Bình Chánh (TP.HCM) 30 chiếc xuồng cui và xuồng Cần Thơ để họ phục vụ khách du lịch.
Từ việc thoái trào của nghề đóng ghe xuồng, ông Tốt nảy sinh ý tưởng làm ghe xuồng mô hình thu nhỏ để bán cho khách hàng làm quà lưu niệm, trưng bày tại các khu du lịch. Nhưng đóng ghe xuồng mô hình cũng rất công phu. Một bộ hơn 20 chiếc phải làm mấy tháng mới xong. Để có sản phẩm hoàn thiện, đẹp mắt, cũng phải qua các công đoạn như đóng ghe xuồng thật rồi chà láng, sơn dầu, phun PU… Có khi phải vẽ thêm mấy chữ chúc tụng như “Thuận buồm xuôi gió”… Điều quan trọng là vừa đảm bảo được các chi tiết sắc sảo, đồng thời vẫn giữ được nét đặc trưng của xuồng ghe miền Tây Nam bộ.
Vì vậy, ông Tốt cho biết mỗi chi tiết như be, lườn, cong, bửng đều phải cẩn thận, chăm chút cho đúng với nguyên bản. Từ những chiếc xuồng cui mô hình ban đầu, đến nay ông đã đóng được vài trăm chiếc với nhiều kiểu như: ghe Bà Đài, ghe Cần Đước, ghe Cà Vom, ghe tam bản, ghe ngo Sóc Trăng, xuồng ba lá, xuồng cui Long Xuyên, Cần Thơ, thuyền rồng, phụng... được khách hàng ưa thích, nhiều bà con Việt kiều và du khách nước ngoài đến xem, đặt mua.
Cách đây không lâu, Tỉnh ủy Đồng Tháp đặt ông Tốt làm 16 chiếc xuồng nhỏ để trồng hoa. Ông còn tham gia đóng 21 loại xuồng ghe Nam bộ cho nhà truyền thống Khu du lịch văn hóa Phương Nam ở H.Lấp Vò (Đồng Tháp) để trưng bày.
Ông Tốt nói: “Làm đồ mỹ thuật phải yêu nghề, nhẫn nại, không nóng tính. Hai năm nay nổi lên số người chơi thích để hoa, kiểng trang trí trên xuồng. Mơ ước của tôi là làm sao liên kết được với làng hoa Sa Đéc, thậm chí ở Đà Lạt, để hợp tác cung cấp sản phẩm ghe xuồng phục vụ trang trí du lịch, vừa có thu nhập và giữ gìn được cái nghề ông bà truyền lại”.
Điều ông Tốt băn khoăn hiện nay là không có đội ngũ thợ kế thừa. Nghề này dạy bằng cách cầm tay chỉ việc. Chỉ cần siêng năng, sáng dạ là mau lành nghề. Nhưng ngay con cháu trong gia đình ông bây giờ cũng ít có người đam mê với nghề đóng ghe xuồng.
Bình luận (0)