25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mỹ: Nỗ lực cùng thay đổi tương lai

Vũ Hân
Vũ Hân
10/07/2020 08:36 GMT+7

Trong cuộc gặp với báo chí Việt Nam mới đây, nhân kỷ niệm 25 năm của sự kiện này, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink cũng nhấn mạnh nhiều lần việc bình thường hóa quan hệ là một quyết định dũng cảm từ cả hai phía.

“Hôm nay, tôi thông báo việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Hãy để thời khắc này trở thành thời khắc của hàn gắn, của xây dựng”, phát biểu của Tổng thống Mỹ Bill Clinton ngày 11.7.1995 đã mở ra một chương mới trong quan hệ Việt Nam - Mỹ.

“Một ngày độc lập khác”

Năm 2015, khi trở lại Việt Nam, cũng vào tháng 7, nhân Quốc khánh Mỹ, ông Clinton nói rằng bình thường hóa quan hệ với Việt Nam là một trong những thành tựu lớn nhất trong 2 nhiệm kỳ tổng thống của mình và gọi ngày đó “là một ngày độc lập khác” - ngày mà hai nước bước qua “ám ảnh quá khứ”.

Khi những người bạn Việt Nam nói rằng họ có thể chấp nhận chúng ta, và chúng ta cũng có thể chấp nhận họ, tất cả đều được tự do

Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, phát biểu trong chuyến thăm Việt Nam tháng 7.2015

“Khi những người bạn Việt Nam nói rằng họ có thể chấp nhận chúng ta, và chúng ta cũng có thể chấp nhận họ, tất cả đều được tự do”, cựu Tổng thống Mỹ nói. Đó là sự giải thoát khỏi đau thương và gánh nặng của một cuộc chiến quá khốc liệt - khốc liệt vào hạng nhất trong lịch sử loài người.
Trong cuộc gặp với báo chí Việt Nam mới đây, nhân kỷ niệm 25 năm của sự kiện này, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink cũng nhấn mạnh nhiều lần việc bình thường hóa quan hệ là một quyết định dũng cảm từ cả hai phía.
“2 năm trước, tôi gặp Đại sứ đầu tiên của Mỹ ở Việt Nam, ông Pete Peterson, và nói những thành tựu 2 nước đã đạt được là một điều kỳ diệu. Pete nói tôi sai, vì thành tựu giữa 2 nước quả thật rất phi thường, nhưng không phải là một điều kỳ diệu - như thể nó tình cờ xảy ra, hay là được mang tới bởi một đấng siêu nhiên nào đó. Đó là kết quả của rất nhiều nỗ lực, sự dũng cảm và thiện chí giữa 2 nước trong suốt những năm qua. Tôi rất biết ơn những người đi trước, lãnh đạo 2 quốc gia vì sự dũng cảm của họ trong việc đưa chúng ta lại với nhau, để trở thành bạn bè, đối tác”, Đại sứ Mỹ nói. Ngoài Pete Peterson, ông Kritenbrink cũng nhắc đến ông Lê Văn Bàng, Đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Mỹ, với sự biết ơn về những nỗ lực không ngừng nghỉ của ông trong những ngày đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao.
Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh, người có mối quan hệ thân thiết với cố Thượng nghị sĩ John McCain (trên thực tế, Thượng nghị sĩ McCain là một trong những người đầu tiên mà bất cứ đại sứ nào của Việt Nam sang Mỹ nhận nhiệm vụ đều tìm gặp, vì sự hiểu biết và hảo cảm của ông với Việt Nam) cũng kể lại rằng, John McCain nhìn nhận quyết định bình thường hóa là quyết định khó khăn với bất kể đời tổng thống nào của Mỹ, điều mà cuối cùng ông Bill Clinton đã làm. Bill Clinton cũng đặc biệt cảm ơn những nỗ lực của Charles Robb, Max Cleland, John Kerry và John McCain - “ngọn gió thúc đẩy đôi cánh bình thường hóa”, “biến bình thường hóa thành điều có thể”.
Cuộc chiến tranh đã ám ảnh nước Mỹ, gây chia rẽ trong mỗi nhà, nhưng ngày 11.7.1995 đánh một dấu mốc của sự nhất trí, rằng đã đến lúc nước Mỹ đến gần hơn với Việt Nam - cái tên mà cuối cùng người Mỹ cũng nhận thức như một quốc gia, chứ không phải một cuộc chiến.

“Đại sứ Bàng, ông đã thắng”

Đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Mỹ Lê Văn Bàng cho biết ngày nghe tin Tổng thống Clinton thông báo bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, ông đã khóc ở Washington D.C (lúc đó ông đang là Đại diện Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc và được giao vai trò liên lạc với Mỹ). Đó là thời khắc mà một nhà ngoại giao như ông đã mong đợi cả cuộc đời. Nó không chỉ là một tuyên bố, mà còn là tương lai của Việt Nam.
Trước đó, một giáo sư người Mỹ đã bảo ông, còn lâu Mỹ và Việt Nam mới bình thường hóa quan hệ. Tết năm đó, khi dự tiệc mừng năm mới, vị giáo sư đã nhét vào tay ông Bàng một mẩu giấy kẹp tờ 5 USD với dòng chữ “Bang Ambassador, you won” - “Đại sứ Bàng, ông đã thắng”.
Khi Đại sứ quán Việt Nam được thiết lập tại Mỹ, nhiều người Việt tại Mỹ phản đối, đến biểu tình, ném đá, không cho treo cờ tại Đại sứ quán. Có buổi Đại sứ quán Việt Nam mời các nhà ngoại giao Mỹ và đại sứ các nước đến dự sự kiện, người Việt tại Mỹ có kế hoạch biểu tình phản đối, Đại sứ Lê Văn Bàng phải nghĩ ra cách mời khách đến sớm hơn nửa tiếng để không bị chặn đường. Buổi đó, bên ngoài người dân vẫn biểu tình, bên trong Đại sứ quán vẫn tiếp đón ngoại giao. Từ những buổi ban đầu khó khăn đó, hai nước vẫn vượt qua để có được mối quan hệ hữu hảo như hiện nay.
Đến chuyến thăm lịch sử của ông Bill Clinton vào năm 2000 với tư cách là Tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử đến thăm Việt Nam, dù ông hạ cánh lúc 12 giờ đêm, nhưng dọc đường từ sân bay về Hà Nội, đông đảo người dân đã đổ ra đường chào đón, vẫy cả cờ Mỹ và cờ Việt Nam, cho thấy người dân Việt Nam đã sẵn sàng bước qua quá khứ. Chuyến thăm đó có một bức ảnh mang tính biểu tượng, là Tổng thống Bill Clinton tươi cười bắt tay mấy bạn trẻ Việt Nam qua ban công, một khoảnh khắc vượt lên tất cả những nghi kỵ, khoảnh khắc mà ông Pete Peterson, Đại sứ Mỹ đầu tiên ở Việt Nam, nói rằng: “Tổng thống đã làm tốt hơn tất cả những nỗ lực ngoại giao của chúng tôi”.
Tuy nhiên, chuyến thăm đó cũng có chuyện thót tim. Đại sứ Bàng kể theo kế hoạch, khi đến thăm cảng Ba Son (TP.HCM), Tổng thống Clinton sẽ có bài diễn văn tại đây. Tuy nhiên, sát giờ sự kiện diễn ra, có tin tình báo là sẽ có khủng bố từ lòng sông. Đầu tiên, hai bên định hủy diễn văn, nhưng vì cả phía Việt Nam và Mỹ đều tha thiết, nên an ninh Việt Nam đã huy động rất nhiều container hàng hóa che chắn dọc cảng. Cuối cùng, Tổng thống Mỹ vẫn phát biểu và được bảo vệ an toàn tuyệt đối, không có sự kiện khủng bố nào xảy ra. Việc Tổng thống Mỹ “được chào đón như một ngôi sao nhạc rock” ở Việt Nam, dù hai nước đã có một quá khứ khốc liệt, đã cho thế giới thấy một Việt Nam an toàn, thân thiện, cởi mở và chứng minh rằng hai nước đã đi đúng hướng.

Tôn trọng thể chế chính trị của nhau

Năm 2015, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, đến thăm Mỹ, vượt qua những khác biệt về thủ tục lễ tân, thể chế chính trị. Đó là một dấu ấn lịch sử trong quan hệ giữa hai nước. Theo nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh, trong thủ tục lễ tân, không phải không có những vướng mắc. Tuy nhiên, phía Việt Nam đã đặt vấn đề, vượt qua mọi thủ tục lễ tân, quan trọng nhất là người đứng đầu hệ thống chính trị Việt Nam có cuộc gặp với người đứng đầu hệ thống chính trị của Mỹ, nếu có cuộc gặp đó thì mới có chuyến thăm. Cuối cùng, hai bên đã sắp xếp được cuộc gặp này.
Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo trao đổi về quan hệ hợp tác, thông qua được Tuyên bố tầm nhìn về quan hệ giữa hai nước, trong đó nhấn mạnh việc phải làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện, đưa quan hệ này vào khung khổ hợp tác lâu dài và phát triển, nhấn mạnh lại những nguyên tắc trong quan hệ giữa hai nước, bao gồm tôn trọng độc lập chủ quyền, bình đẳng cùng có lợi... trong đó có “tôn trọng thể chế chính trị của nhau”. Lần đầu tiên, cụm từ đó xuất hiện và ngay trong tuyên bố tầm nhìn đó, hai bên cũng gọi chuyến thăm này là chuyến thăm lịch sử.

Quá khứ là không thể thay đổi, nhưng có thể thay đổi tương lai

Theo ký ức của những người trong cuộc, tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước đã kéo dài hơn trông đợi. Đã có những cơ hội để sự hòa hợp đến sớm hơn, đã có những khó khăn tưởng như không thể vượt qua, nhưng hai nước cuối cùng cũng tới đích của sự chấp nhận lẫn nhau. Tiếp sau đó là những bước tiến dài tới tương lai.
“Mặc dù chúng ta đang tập trung vào tương lai và việc hợp tác với nhau để đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, thịnh vượng của cả hai quốc gia, chúng ta hiểu rằng phải có trách nhiệm với những gì đã xảy ra trong quá khứ. Đó là lý do Mỹ vẫn giữ cam kết xử lý một cách có trách nhiệm với các di sản của chiến tranh, trong đó có việc tẩy độc dioxin sân bay Biên Hòa, tháo dỡ những vật liệu chưa nổ ở miền Trung Việt Nam, chữa trị cho những người tàn tật và tiếp tục hợp tác trong vấn đề nhân đạo, những việc đầu tiên đã mang chúng ta gần nhau hơn từ đầu những năm 1980”, Đại sứ Mỹ Kritenbrink nói và nhấn mạnh nước Mỹ tin rằng, cùng với việc hướng tới tương lai và ứng xử một cách có trách nhiệm với quá khứ, sẽ xây dựng một nền tảng vững chắc về lòng tin giữa hai quốc gia.
Ông Kritenbrink cũng nhắc lại lời Tổng thống Bill Clinton nói năm 1995, khi tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam: “Chúng ta không được quên quá khứ, nhưng chúng ta cũng không thể để quá khứ điều khiển”. Quá khứ là không thể thay đổi, điều có thể làm là nỗ lực cùng nhau thay đổi tương lai.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.