Nghị lực mùa thi:

Nỗ lực để vào đại học của cậu học trò bị ung thư xương

01/07/2024 08:30 GMT+7

Bị cắt một chân sau khi mắc bệnh ung thư xương, cậu học trò vẫn nỗ lực, kiên cường vượt qua tất cả để tiếp tục hành trình học tập.

Lặng lẽ chống nạng đi giữa hàng dài thí sinh đang đổ về điểm thi, Nguyễn Đức Ngọc Duy (20 tuổi, trú xã Hà Mòn, H.Đăk Hà, Kon Tum) đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn để đến với trường thi.

Duy là học sinh lớp 12A, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên H.Đăk Hà. Tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, cậu được bố trí thi tại Trường THCS-THPT Liên Việt Kon Tum.

Nỗ lực để vào đại học của cậu học trò bị ung thư xương - Ảnh 1.

Nguyễn Đức Ngọc Duy đến trường thi trên đôi nạng

Đức Nhật

Duy cho biết cậu sinh ra trong một gia đình nghèo. Cha Duy làm bảo vệ cho một công ty ở H.Đăk Tô, còn mẹ ở nhà làm nông và chăm sóc 3 anh em. Thương cha mẹ vất vả, Duy luôn tranh thủ thời gian làm việc nhà, trông em. Ở trường, cậu cũng là một học sinh ngoan ngoãn, tự lập. Nhờ siêng năng học tập, nhiều năm liền Duy đạt thành tích học sinh khá giỏi.

Ở cái tuổi học trò đầy mộng mơ và hoài bão thì sóng gió bất ngờ ập đến với Duy. Năm 2019, khi đang học lớp 10, Duy bất ngờ đổ bệnh. Những cơn đau nhức ở chân trái hành hạ cậu học trò nhỏ ngày này qua ngày khác. Thời gian đầu vì tưởng chỉ bị đau cơ do vận động nhiều nên Duy không đi khám. Đến khi cơn đau kéo dài và không có dấu hiệu thuyên giảm, cha mẹ mới vội vàng đưa Duy đến bệnh viện. Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán Duy bị ung thư xương, đã di căn. Nghe bác sĩ thông báo, mắt Duy tối sầm, tai như ù đi.

Sau 3 lần hóa trị, bằng nỗ lực điều trị của bác sĩ và nghị lực mạnh mẽ của mình, Duy đã chiến thắng được căn bệnh quái ác. Tuy nhiên, đổi lại Duy phải cắt bỏ chân trái. Thời gian đầu khi mới mất một bên chân, cậu học trò nhỏ không khỏi hụt hẫng, bi quan.

"Lúc phải cắt bỏ chân em buồn lắm. Mình đang đi lại, chạy nhảy, vui chơi bình thường, giờ muốn đi đâu, làm gì cũng phải dựa vào nạng. Có một thời gian em suy sụp, tuyệt vọng, tự ti. Nhưng nhờ có sự động viên của gia đình, bè bạn nên em đã vượt qua được", Duy kể lại.

Để chữa bệnh, Duy phải nghỉ học 2 năm. Gia đình vốn không mấy khá giả nay lại càng kiệt quệ hơn vì chi phí chạy chữa cho Duy. Không có tiền dành dụm, cha mẹ Duy phải vay ngân hàng để điều trị cho con, đến nay vẫn chưa thể trả hết.

Nỗ lực để vào đại học của cậu học trò bị ung thư xương - Ảnh 2.

Bằng nghị lực của mình, Duy đã vượt qua bệnh tật để học tốt

Đức Nhật

Sau khi lành bệnh, vì muốn tiếp tục học tập, Duy đã xin chuyển sang học tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên H.Đăk Hà. Để không phụ lòng cha mẹ, Duy luôn cố gắng học tập và là học sinh khá của lớp. Ở lớp, dù được thầy cô, bạn bè quan tâm giúp đỡ, nhưng Duy luôn muốn tự làm mọi việc. Cậu muốn tự đứng lên bằng chính bên chân còn lại của mình, không muốn dựa dẫm vào ai.

"Năm nay em thi tổ hợp khoa học xã hội và dự định sẽ nộp hồ sơ vào ngành sư phạm. Thế nhưng đấy chỉ là dự định thôi, vì gia đình khó khăn quá, chẳng biết lấy đâu ra tiền cho em tiếp tục đi học", Duy tâm sự.

Thầy Hoàng Văn Thảo, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên H.Đăk Hà, cho biết gia đình Duy có hoàn cảnh khó khăn, trước đây đã phải vay mượn nhiều nơi để chữa trị cho Duy. Nắm được hoàn cảnh của cậu, Huyện đoàn Đăk Hà đã phát động mô hình rửa xe gây quỹ để hỗ trợ thí sinh. Qua đó, đơn vị này đã hỗ trợ Duy 700.000 đồng, đồng thời Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên H.Đăk Hà cũng đã hỗ trợ 500.000 đồng để cậu tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Mọi sự đóng góp, ủng hộ giúp Nguyễn Đức Ngọc Duy, lớp 12A, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên H.Đăk Hà, quý độc giả vui lòng gửi về: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 10006868 - Eximbank - chi nhánh Sài Gòn hoặc số tài khoản 6868866868 tại Vietcombank - chi nhánh Tân Định. Nội dung ghi: Giúp đỡ em Nguyễn Đức Ngọc Duy; hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển đến em Nguyễn Đức Ngọc Duy trong thời gian sớm nhất.

Nỗ lực để vào đại học của cậu học trò bị ung thư xương - Ảnh 3.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.