Quả gì cũng cắm
Trào lưu cắm quả xuất hiện tại Hà Nội từ cách đây vài năm, ban đầu chỉ là cắm những cành quả cherry rừng (táo gai), me rừng, găng, táo mèo… mọc dại ven đường, sau này dần mở rộng ra nhiều loại quả khác.
Chị Lệ Giang, một người bán hoa online ở Q.Hà Đông (Hà Nội), cho hay: “Trào lưu này bắt đầu phổ biến khi dịch Covid-19 bùng phát, mọi người ở nhà nhiều hơn, càng có nhu cầu cắm hoa, quả cho đỡ buồn chán. Để phục vụ khách hàng, chúng tôi đi đi Sơn La, Yên Bái, Lạng Sơn… đặt mua cành hồng, cành táo mèo về dưới xuôi bán”.
Cắm cành chanh đào là thú chơi đang “sốt xình xịch” trên mạng xã hội |
T.Hằng |
Năm nay, trào lưu cắm quả trang trí chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí còn nở rộ hơn trước, đặc biệt là vào mùa thu. Để cạnh tranh, nhiều người bán hàng còn săn lùng các loại quả “độc, lạ” phục vụ khách hàng. Dần dần, trào lưu tiến tới cắm các loại quả trong vườn.
Không chỉ những loại quả đặc trưng của núi rừng Tây Bắc, nhiều người bán hoa online còn gom cành cà phê từ Tây nguyên, cành thanh long từ Bình Thuận… mang ra Bắc phục vụ thú chơi cũng lắm công phu của chị em.
Giá các loại cành quả cũng không hề rẻ, đơn cử cành táo mèo 85.000 - 115.000 đồng/bó; táo gai 100.000 đồng/bó; cành hồng từ 135.000 - 190.000 đồng/bó; cành thanh long 150.000 đồng/bó (4 - 5 cành); cành thị 100.000 - 200.000 cành; đắt nhất là cành na giá trung bình 175.000 - 200.000 đồng/bó (13 - 15 quả), cành to, quả to có giá lên đến 300.000 đồng/bó.
Chị T, một người bán hoa online ở Q.Thanh Xuân (Hà Nội), cho hay: “Phổ biến nhất và chơi bền nhất vẫn là cắm cành hồng. Dù loại quả này được chúng tôi bán từ mấy năm rồi giờ vẫn luôn cháy hàng. Trước chúng tôi phải cất công lùng mua hồng ở tận Sơn La, nhưng giờ đã tìm được mối mua hồng trồng trong vườn nhà ở Ninh Bình, Nam Định… Thường khách hàng phải đặt mua trước từ 2 - 3 ngày mới có hàng”.
Chị Ngọc Diệp, nhân viên văn phòng ở Q.Hoàng Mai (Hà Nội), chia sẻ: “Ngày xưa trong vườn nhà tôi có nhiều loại quả, nào ổi, na, hồng… Cứ đến mùa thu, các các loại quả trong vườn đua nhau chín. Giờ làm việc ở thành phố, sống trên chung cư xung quanh là tòa nhà kính, bê tông, mua cành quả hồng về cắm vừa để trang trí, tạo vẻ đẹp khác lạ, vừa gợi nhớ về ký ức tuổi thơ. Cành hồng bền nửa tháng, quả chín từ từ ăn cũng ngọt. Khi đăng ảnh trên mạng xã hội, bạn bè đều khen nức nở”.
Không nên cổ xúy trào lưu bẻ cành
Theo người bán hàng, để cành quả chơi được bền và lâu, nhiều nhà vườn chấp nhận cắt quả từ khi còn xanh, non. Tuy nhiên, không phải loại quả nào cắm cũng đẹp và nhận được hưởng ứng của mọi người.
Một trong những loại quả đang sốt “xình xịch” trên mạng xã hội thời gian gần đây là cành chanh đào. Nhiều người bán hàng quảng cáo cắm lên thơm nức nhà, chơi bền được nửa tháng, khi héo cắt quả ngâm mật ong chanh đào. Thế nhưng, thực tế không như lời quảng cáo.
Chị Thúy Hằng, nhân viên ngân hàng, kể: “Nghe người bán hàng giới thiệu, tôi cũng hăm hở mua một cành giá 350.000 đồng. Khi nhận hàng thì thực sự ngao ngán, chanh lèo tèo đếm được hơn chục quả, công đoạn cắt tỉa gai lá toét cả tay. Sau 2 ngày thì cành chanh rũ rượi, héo vàng, xác xơ, quả rơi, quả rụng, phải bỏ đi rất tiếc. Tự mình cảm thấy hối hận vì ham của lạ”.
Không ít người chơi “hệ quả” sẵn sàng chi tiền triệu để sở hữu những cành quả “khủng” cao 1 m để thỏa mãn thú chơi. Khi đăng hình lên mạng xã hội, đã có nhiều ý kiến lo ngại việc người lớn cắt cây, cắt cành sẽ làm gương xấu cho trẻ em.
GS Nguyễn Lân Hùng, chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, bày tỏ: “Truyền thống Việt Nam chỉ có cắm hoa, không có cắm quả và trên thế giới cũng không nơi nào làm như vậy. Cuộc sống hiện đại, ngày càng phát triển có thể xuất hiện những trào lưu mới, nếu chỉ trưng bày, trang trí một vài quả không sao, nhưng cắt cả cành to mang về cắm, lâu dài sẽ dẫn đến tàn phá cây xanh, cảnh quan môi trường. Quả chỉ đẹp khi ở trên cây, cha mẹ nên là tấm gương giáo dục trẻ em yêu thiên nhiên, yêu cây xanh”.
Nhìn nhận trào lưu cắm quả, chuyên gia cắm hoa Mi Anh (Trung tâm đào tạo cắm hoa chuyên nghiệp Mi Anh), cho rằng đây là một hình thức nghệ thuật mới của những người yêu thích hoa quả, trang trí nhà cửa. Về mặt lợi ích kinh tế, trừ một số loại quả có giá trị cao, người nông dân có khi bán quả chín chỉ thu bằng 1/10 so với bán cành quả xanh. Hơn nữa, chặt tỉa các cành cây già cũng việc nên làm sau mỗi mùa thu hoạch quả.
“Tuy nhiên, nếu chặt những cây trồng mới, cây tự nhiên lâu năm cũng cần phải lên án. Người bán và người chơi cũng cần nâng cao ý thức bảo vệ cảnh quan, môi trường, không phải quả gì cũng mang đi cắm”, chị Mi Anh chia sẻ.
Bình luận