Xuất khẩu gần 7 tấn vàng nhưng vẫn kêu lỗ, vẫn nợ gần 300 tỉ đồng tiền thuế, nợ các doanh nghiệp (DN) đối tác hàng trăm tỉ đồng, Công ty Besra VN gây bức xúc cho rất nhiều người khi đóng cửa nhà máy để gây áp lực với cơ quan thuế của tỉnh khi đơn vị này tiến hành cưỡng chế thuế. Không chỉ yêu cầu tháo bỏ lệnh cưỡng chế thuế, công ty này còn cho biết, họ sẽ chỉ trả các khoản nợ khi 2 mỏ vàng mà họ tự đóng cửa trước đó hoạt động trở lại. Yêu sách này đã không được Cục Thuế Quảng Nam chấp thuận vì vi phạm nghiêm trọng quy định thuế VN. Cục Thuế Quảng Nam cũng khẳng định, họ nắm trong tay các thông tin, chứng cớ cho thấy, Besra VN có dấu hiệu cố tình không thực hiện nghĩa vụ với ngân sách.
Quyết định của Cục Thuế Quảng Nam là đúng đắn bởi nếu đòi hỏi trên được chấp thuận, nó sẽ tạo ra sự bất bình đẳng cực lớn trong môi trường đầu tư của VN. Trong đó, thiệt thòi, bất công thuộc về DN nội. Họ chỉ nợ vài triệu tiền thuế cũng bị cưỡng chế thì không có lý do gì Besra VN nợ tới vài trăm tỉ đồng tiền thuế lại được hưởng ngoại lệ. Trong khi DN trong nước thua lỗ, phải chấp nhận phá sản thì không có lý do gì DN nước ngoài thua lỗ lại được ưu đãi để sống. Nếu công ty này thực sự thua lỗ, hãy để họ đóng cửa như hàng trăm ngàn DN trong nước đã ngưng hoạt động trong mấy năm qua. Nếu họ tiếp tục chây ì thuế, chúng ta hoàn toàn có thể rút giấy phép hoạt động của họ. Thực tế cho thấy, việc đóng cửa các công ty này không gây ảnh hưởng đến nền kinh tế.
"Đào mỏ vàng lên bán cũng kêu lỗ", câu chuyện ngạo ngược của Công ty Besra VN một lần nữa cảnh báo tình trạng khai thác, xuất khẩu tài nguyên quý thiếu hiệu quả. Đặc biệt là tình trạng xuất khẩu tài nguyên thô, vốn được ví như "ăn thịt chính mình". Bởi đằng sau những việc khai thác các tài nguyên quý như vàng, đồng, chì, kẽm, sắt, mangan, crom, titan, wolfram, bauxite… còn là những vùng đất chết, vấn đề ô nhiễm môi trường, những cánh rừng bị tàn phá. Những diện tích cà phê, cao su... đã phải nhường chỗ cho các công trường khai khoáng. Đặc biệt, việc xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản thô không gắn với phát triển công nghiệp đi kèm sẽ khiến chúng ta phải trả giá đắt bởi khi ngành công nghiệp trong nước phát triển thì tài nguyên đã không còn. Tại một cuộc hội thảo về vấn đề này được tổ chức trước đây, các chuyên gia đã viện dẫn ngành công nghiệp chế biến gỗ là như một ví dụ điển hình. Trong suốt thập niên 1980 và những năm đầu thập niên 1990, VN xuất khẩu ồ ạt nguyên liệu gỗ. Mỗi năm, hàng triệu mét khối gỗ tròn và gỗ xẻ đã được đưa xuống tàu để xuất khẩu. Giờ đây, khi ngành công nghiệp sản xuất đồ gỗ phát triển thì nguồn gỗ nội địa cũng không còn. Điều này cũng đang xảy ra với nhiều loại tài nguyên khác. Tương tự với vàng, dù VN không phải quốc gia có trữ lượng vàng lớn, chỉ khoảng 154 tấn nhưng việc khai thác, xuất khẩu vàng thiếu hiệu quả trong khi hằng năm chúng ta vẫn phải bỏ rất nhiều ngoại tệ để nhập khẩu chính kim loại quý này để phục vụ nhu cầu trong nước vẫn là nghịch lý nhức nhối.
Vì thế, lại càng không thể có sự nhân nhượng trước những yêu sách của Besra VN, công ty đang được quyền khai thác 2 mỏ vàng lớn nhất VN.
Nguyên Khanh
>> Quảng Nam: Công ty vàng Bồng Miêu ra yêu sách với tỉnh
>> Công ty vàng Bồng Miêu bị xử lý do gây ô nhiễm
>> Công ty vàng bị cưỡng chế thuế: Bị đòi nợ ngay buổi họp báo
>> Không đồng ý tháo dỡ cưỡng chế nợ thuế đối với 2 công ty vàng
>> Sẽ cưỡng chế nợ thuế của công ty vàng Phước Sơn
>> Công ty vàng “trừ nợ” nhà thầu do bị chặn đường
Bình luận (0)