Nobel Hòa bình vinh danh hoạt động vì phụ nữ và chống buôn người
05/10/2018 16:23 GMT+7
Bác sĩ phụ khoa Denis Mukwege người Cộng hòa Dân chủ Congo và nhà hoạt động Nadia Murad người Yazidi ở Iraq đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2018.
Tự động phát
Theo Viện Hàn lâm khoa học Hoàng gia Thụy Điển ngày 5.10, giải Nobel Hòa bình năm nay được trao cho bác sĩ phụ khoa Denis Mukwege người Cộng hòa Dân chủ Congo và nhà hoạt động Nadia Murad người Yazidi ở Iraq.
Ông Mukwege, còn có biệt danh là “bác sĩ kỳ diệu” đã tận tụy suốt 2 thập niên giúp hồi phục nhiều phụ nữ từng là nạn nhân của bạo lực và hãm hiếp tại vùng xung đột phía đông Công hòa Dân chủ Congo.
Còn Nadi Murad (25 tuổi) là người từng bị tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bắt cóc năm 2014 và làm nô lệ tình dục suốt 3 tháng trước khi trốn thoát. Từ tháng 9.2016, cô trở thành Đại sứ thiện chí cho Liên Hiệp Quốc và tuyên truyền chống lại hoạt động buôn người.
Những người được vinh danh sẽ chia nhau số tiền thưởng 9 triệu krona Thụy Điển, tương đương 25 tỉ đồng.
Năm ngoái, giải Nobel hòa bình thuộc về Chiến dịch quốc tế hủy bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) – liên minh gồm các tổ chức phi chính phủ tại khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu – nhờ nỗ lực đánh động sự chú ý về hậu quả thảm khốc đối với nhân loại của vũ khí hạt nhân nhằm cấm loại vũ khí hủy diệt này dựa trên một hiệp ước quốc tế.
Giải Nobel Y Sinh năm nay được trao cho hai nhà miễn dịch học, James P Allison (Mỹ) và Tasuku Honjo (Nhật Bản) nhờ công trình nghiên cứu công trình nghiên cứu tận dụng năng lực của hệ miễn dịch để tấn công tế bào ung thư.
Giải Nobel Vật lý được trao cho các nhà khoa học Arthur Ashkin (Mỹ), Gérard Mourou (Pháp) và Donna Strickland (Canada). Giáo sư Ashkin nhận phân nửa giải thưởng nhờ vào phát minh kìm quang học, cho phép sử dụng ánh sáng để thao tác với các hạt siêu nhỏ.
Trong khi đó, các chuyên gia Gérard Mourou và Donna Strickland đã mang đến tia laser xung động ngắn nhất và mạnh nhất từng được tạo ra trong lịch sử loài người. Kỹ thuật này mở ra các lĩnh vực mới trong nghiên cứu, cho phép ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực công nghiệp và y khoa.
Giải Nobel Hóa học vinh danh những nỗ lực giúp con người có thể nắm quyền kiểm soát quá trình tiến hóa và sử dụng các cơ chế thay đổi, chọn lọc gien để tạo ra năng lượng xanh cũng như chữa ung thư di căn.
Nhà khoa học Frances H. Arnold (Viện Công nghệ California - Mỹ) sẽ nhận phân nửa giá trị giải thưởng và phần còn lại chia đều cho hai nhà khoa học George P. Smith (Đại học Missouri - Mỹ) và Gregory P. Winter (Phòng thí nghiệm Sinh học Phân tử MRC ở Cambridge - Anh).
Giải Nobel Kinh tế năm nay sẽ được công bố vào ngày 8.10.
[VIDEO] Ai là người lớn tuổi nhất từng nhận giải Nobel?
|
Bình luận (0)