Sáng mùng 1 tết đòi bố mẹ đến xem trường
Anh Q.T (ở Q. Tây Hồ, Hà Nội) kể con gái anh năm nay vào lớp 1 nhưng từ đầu năm vẫn chưa một lần đến trường, chưa từng gặp cô giáo và các bạn. Mùng 1 tết Nguyên đán vừa qua, cháu dậy rất sớm và đề nghị điểm “du xuân” đầu tiên là bố mẹ cho đến trường tiểu học để xem trường ra sao, vì hết 1 học kỳ con vẫn chưa biết trường mình nằm ở đâu, trông như thế nào…
“Nghe con nói thế mà tôi nghẹn lại vì thương con, thương “lứa” HS lớp 1 năm nay bị thiếu vắng niềm vui được đi học”, anh Q.T nói.
HS lớp 1 học trực tuyến từ đầu năm học đến nay |
Phan Hậu |
Chị P.H (ở Q.Thanh Xuân) cũng cho hay: “Cháu nhà chị năm nay vào lớp 1 Trường tiểu học Đặng Trần Côn. Cả mùa hè năm trước cháu háo hức với sách vở, đồng phục để chuẩn bị cho việc lần đầu tiên đi được đi học đọc, học viết,… nhưng rồi gần 1 năm qua cháu vẫn chỉ ở nhà học qua màn hình máy tính. Cả một tháng đầu năm học ngày nào cháu cũng hỏi bao giờ con được đi học? Giờ thì có vẻ “chán chẳng buồn hỏi” nữa nhưng thỉnh thoảng cũng đòi bố mẹ đưa qua trường để được nhìn vào sân trường”.
Nhiều phụ huynh đều có chung tâm trạng rất thương con tuổi thích chạy nhảy, thích được chơi đùa với bạn bè mà phải ở nhà suốt thời gian đằng đẵng. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến lo ngại tình hình dịch bệnh tại Hà Nội phức tạp, trong khi các con chưa được tiêm vắc xin, nếu đi học cũng nhiều bất an, lo lắng.
Do vậy, giải pháp của các gia đình là khi hết giãn cách xã hội thì xin phép cho con đến nhà cô để cô trò biết mặt nhau; con được gặp cô ở “ngoài đời”; hoặc cho con đến trường để con biết trường mình thế nào, khác với trường mầm non ra sao…
Năm học “đáng nhớ nhất”
Cô Đào Thu Thủy, giáo viên (GV) dạy lớp 1 Trường tiểu học Tràng An (Q.Hoàn Kiếm), tâm sự: “Giáo viên lớp 1 chúng tôi gọi năm học này là năm học “đáng nhớ nhất” vì bắt đầu năm học bằng hình thức trực tuyến và không ai nghĩ hình thức dạy học này sẽ kéo dài cho đến tận bây giờ, khi chỉ còn vài tháng nữa là kết thúc năm học. Không chỉ HS háo hức được gặp cô giáo, bạn bè đâu, mà GV cũng khao khát được đứng trong lớp học của mình, cảm nhận những ánh mặt ngây thơ, đáng yêu của học trò đón nhận từng lời nói, cử chỉ của cô”.
Những ngày đầu, cả phụ huynh và GV đều rất lo lắng với hình thức dạy học trực tuyến. Có phụ huynh cũng là GV nhưng khi chia sẻ với GV của con thì không giấu nổi băn khoăn, rằng không biết trẻ chưa biết đọc, biết viết mà phải học trực tuyến sẽ thế nào… Do vậy, cô phải có buổi gặp trực tuyến nhưng với từng phụ huynh và HS với các khung giờ khác nhau để lắng nghe những băn khoăn, thắc mắc của từng học sinh, từng bậc cha mẹ. 31 học sinh/lớp học là 31 buổi gặp trực tuyến trao đổi tỉ mỉ. Nhờ vậy, phụ huynh vững tâm hơn, GV cũng tự tin là mình sẽ dạy học được dù trực tuyến.
Một GV Trường tiểu học Quang Trung (Q.Đống Đa), nói gần 1 năm dạy học trực tuyến, GV gặp nhau mà đầy tâm trạng, ai cũng “già sọm” đi.
“Tôi rất buồn khi có quan chức ngành GD-ĐT nói có tâm lý GV ngại quay trở lại dạy trực tiếp vì vất vả hơn, nhưng có ai hiểu rằng việc dạy trực tuyến vất vả hơn rất nhiều. Dạy trên lớp, GV giảng bài đến đâu là cảm nhận được HS của mình tiếp thu đến mức độ nào, chỗ nào cần dừng lại lâu hơn, chỗ nào chỉ cần lướt qua… Tuy nhiên, dạy trực tuyến một câu thôi GV cũng phải nói đi nói lại nhiều lần vì không kiểm soát được HS của mình đang tham gia lớp học ra sao, nói đến khản tiếng nhưng chất lượng, hiệu quả đến đâu lại không đong đếm được”, GV này nói, và bày tỏ mong ước lớn nhất là dịch bệnh được kiểm soát, trường học mở cửa, HS được đến trường…
Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội, cũng trầm ngâm trước thực tế có thể HS lớp 1 sẽ không được đi học trực tiếp, không biết trường mình ra sao cho đến hết năm học này.
Theo ông Khang, hiện nay chưa có vắc xin cho trẻ em, việc tiêm phòng mới là kế hoạch. Nếu theo lý thuyết là phải tiêm vắc xin xong mới cho trẻ đến trường thì có thể lúc đó cũng gần hết năm học.
Ông Khang cũng chia sẻ: “Tôi biết nhiều phụ huynh vẫn cho con qua trường để con biết trường mình thế nào. Do vậy, tôi có nói với bộ phận bảo vệ nhà trường nếu các cháu đến cứ mở cổng cho các cháu vào chạy chơi trong sân trường, cho các cháu trai được vào sân bóng để các cháu bớt bí bách khi ở nhà quá lâu”.
Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), chia sẻ trong các văn bản của Bộ về việc dạy học linh hoạt, thích ứng với dịch bệnh, Bộ luôn đề nghị các địa phương ưu tiên cho HS đầu cấp, cuối cấp được đến trường học trực tiếp, đặc biệt với HS lớp 1 khi các em cần uốn nắn từ tư thế ngồi, cách cầm bút đến nề nếp,cách thức thức học tập…
“Do vậy, mong muốn của Bộ là sau thời gian dài học trực tuyến, nếu trường học mở cửa và HS trở lại, các trường tiểu học cần có hình thức để kiểm tra mức độ tiếp nhận chương trình của học sinh, đảm bảo HS lớp 1 lên lớp 2 không có em nào quá bỡ ngỡ, chưa biết đọc, biết viết do học trực tuyến kéo dài”, ông Tài nói.
Bình luận (0)