Nỗi đau mang tên bụi phổi

Khánh Hoan
Khánh Hoan
14/08/2024 05:35 GMT+7

5 công nhân đã tử vong và nhiều công nhân khác làm việc cùng nhà máy chế biến bột đá ở tỉnh Nghệ An đang phải gánh chịu bệnh bụi phổi với nỗi khổ đau mang thương tật suốt đời.

Níu kéo sự sống

Từ nhiều tháng qua, chị Nguyễn Thị Nhật Tân (ngụ xóm 2, xã Nghi Hưng, H.Nghi Lộc, Nghệ An) phải bám bệnh viện (BV) để chăm chồng là anh Bùi Đình Bình (39 tuổi) bị bệnh bụi phổi rất nặng. Anh Bình là công nhân làm việc tại nhà máy chế biến bột đá của Công ty TNHH Châu Tiến đóng tại H.Nghi Lộc (5 công nhân từng làm việc ở nhà máy này đã tử vong và nhiều công nhân khác đang mắc bệnh bụi phổi). Anh Bình làm việc tại nhà máy này từ năm 2018. Đến năm 2022, thấy sức khỏe giảm sút rõ rệt, ho nhiều, anh Bình đi khám thì phát hiện đã bị bệnh bụi phổi nặng. "Bác sĩ nói bệnh quá nặng, bụi bám vào phổi quá nhiều nên không thể rửa phổi được nữa", chị Tân buồn bã nói.

Nỗi đau mang tên bụi phổi- Ảnh 1.

Anh Bùi Đình Bình đang điều trị tại bệnh viện với bệnh bụi phổi nặng

Khánh Hoan

Cuộc sống vốn khó khăn, từ khi anh Bình mắc bệnh, chị Tân phải chạy vạy để kiếm tiền chữa trị cho chồng và nuôi 2 con nhỏ. Thương vợ, anh Bình cố nín chịu, nhưng bệnh tình liên tục giày vò thân thể anh. Một ngày giữa tháng 5 vừa qua, bệnh anh Bình trở nặng, phải đến BV Phổi Nghệ An cấp cứu. Hơn 1 tuần sau, thương vợ, anh xin về nhà điều trị để đỡ chi phí. Từ đó, anh phải sống phụ thuộc vào bình ô xy. Cứ 3 - 4 ngày, chị Tân lại phải chạy xe máy chở bình ô xy vượt hơn 10 km đến BV để lấy ô xy cho chồng. Mỗi khi anh Bình trở nặng, người vợ này lại vội vã đưa chồng đến BV Phổi Nghệ An điều trị. Tuy nhiên, việc điều trị cũng chỉ để cầm cự, níu kéo sự sống cho anh Bình vì bệnh tình đã quá nặng. "Không thể hình dung được bệnh này nó tàn phá sức khỏe nhanh như thế. Anh ấy từng nặng hơn 80 kg, rất khỏe mạnh, nay chỉ còn chừng 40 kg, yếu lắm rồi", chị Tân nói.

Anh Bình là một trong 9 công nhân đầu tiên làm việc tại nhà máy sản xuất bột đá được phát hiện bị bệnh bụi phổi nặng. Đến nay, có 5 người tử vong. "Tháng 3 vừa rồi, anh ấy đi giám định thương tật để hưởng chế độ bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp theo hướng dẫn của ngành y tế. Nhưng đến nay, anh đã nằm liệt trên giường bệnh mà vẫn chưa thấy chế độ gì. Công ty cũng không quan tâm hỗ trợ gì cho vợ chồng em", chị Tân gạt nước mắt nói.

Từ khi phát hiện bị bệnh bụi phổi vào năm 2022, anh Bùi Chính Diện (40 tuổi, ngụ xã Nghi Đồng, H.Nghi Lộc) đã phải 4 lần đến BV điều trị dài ngày. Tháng 3 vừa qua, anh Diện được xác định bị tổn hại 87% sức khỏe.

Nỗi đau mang tên bụi phổi- Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Bình khóc khi kể về những ngày tháng chăm sóc chồng bị bệnh bụi phổi

Khánh Hoan

"Tỷ lệ thương tật của tôi tương đương với anh Bùi Đình Bình, nhưng bác sĩ nói tôi bị thể nặng hơn. Anh ấy đã nằm liệt giường, còn tôi may mắn hơn vẫn còn làm được công việc nhẹ, nhưng cũng chưa biết thế nào vì bác sĩ nói bệnh này khó thọ qua 50 tuổi", anh Diện lo lắng. Anh là trụ cột gia đình, nhưng sau khi bị bệnh, anh lại trở thành gánh nặng cho vợ con khi tiền thuốc men hằng tháng rất tốn kém.

Cùng cảnh ngộ, anh Dương Văn Chính (35 tuổi, ngụ xã Nghi Đồng), người bị tổn hại 61% sức khỏe vì bệnh bụi phổi cũng đang phải chống chọi với căn bệnh nguy hiểm này. Anh Chính vào làm ở nhà máy chế biến bột đá của Công ty TNHH Châu Tiến từ năm 2017. Đến năm 2022, thấy tức ngực, khó thở, anh Chính đi khám thì phát hiện bị bệnh bụi phổi nặng, phải nhập viện điều trị dài ngày.

"Chúng tôi phải làm việc trong môi trường bụi mịt mù nhưng công ty không trang bị bảo hộ lao động ngoài quần áo và đôi giày. Chúng tôi phải tự mua khẩu trang để đeo và không ai nghĩ nó lại nguy hiểm như vậy. Sự sống với tôi bây giờ cũng mong manh lắm. Sau khi bị bệnh, chỉ có công đoàn công ty đến thăm 1 lần, còn phía công ty thì không hỗ trợ gì", anh Chính nói.

Nỗi đau để lại

Trong căn nhà nhỏ ở xóm 2 (xã Nghi Hưng, H.Nghi Lộc), chị Bùi Thị Hương (44 tuổi) thở dài buồn bã khi kể lại quá trình chống chọi với bệnh bụi phổi của chồng chị là anh Trần Ngọc Hoa (46 tuổi, công nhân của Công ty TNHH Châu Tiến).

Nỗi đau mang tên bụi phổi- Ảnh 3.

Nhà máy sản xuất bột đá, nơi nhiều công nhân bị bệnh bụi phổi

CTV

Anh Hoa phát hiện mắc bệnh năm 2022, sau nhiều tháng trời chạy chữa, điều trị ở nhiều BV, anh đã qua đời vào tháng 10.2023. Chị Hương phải chạy vạy, bám BV chăm chồng khi đang mang thai và đứa con chào đời được chẩn đoán bị thiểu năng. Với chị, sau sinh là những ngày vô cùng gian nan, phải cố kìm nén nỗi đau, nuốt nước mắt vào trong. Đứa con phải cai sữa khi mới 7 tháng tuổi để chị bám BV chăm sóc chồng lúc anh đang ngày một yếu đi.

Năm ngoái, người con đầu lòng của vợ chồng chị trúng tuyển 4 trường đại học nhưng gia cảnh quá éo le khiến chị phải nuốt nước mắt nói với con chọn con đường lập nghiệp khác vì chị không thể lo được cho con theo học đại học. "Lúc đó, tôi chỉ biết ôm con khóc và xin lỗi nó vì lấy tiền đâu mà đi học, trong khi mỗi ngày phải mất gần 2 triệu đồng để lo thuốc điều trị cho chồng", chị Hương ứa nước mắt.

Cùng cảnh ngộ, bà Nguyễn Thị Bình (ngụ xã Nghi Hưng, H.Nghi Lộc) đã thành góa phụ ở tuổi 46 khi chồng bà là ông Hoàng Văn Sơn qua đời vào tháng 11.2023 sau hơn 1 năm chống chọi với bệnh bụi phổi. Ông Sơn vào làm việc ở nhà máy chế biến bột đá của Công ty TNHH Châu Tiến từ năm 2019 và 3 năm sau đó, ông được phát hiện bị bệnh phổi rất nặng do bị bụi hóa chất bám vào phổi quá nhiều. Chồng bị bệnh nặng, bà Bình phải tất tả ở BV để chăm chồng.

"28 tháng chạp, người ta đi mua sắm tết, còn mình phải chạy vạy cho được 1,2 triệu đồng để mua bình ô xy cho chồng sử dụng trong dịp tết", bà Bình buồn bã kể. Ông Sơn mất đi, gánh nặng gia đình đè lên vai người vợ góa này. Tháng 3 vừa qua, Công ty TNHH Châu Tiến đã hỗ trợ mỗi gia đình có công nhân tử vong vì bệnh bụi phổi 110 triệu đồng, trong đó có gia đình bà Bình.

Kết quả kiểm tra sức khỏe cho các công nhân từng làm việc tại Công ty TNHH Châu Tiến, cơ quan chức năng phát hiện 62 người mắc bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp, trong đó có 5 người đã tử vong, 19 người lao động bị mắc bệnh bụi phổi silic nặng, 25 người mức độ mắc bệnh trung bình, 13 người mức độ tổn thương trên phổi cần theo dõi.

Trước đó, năm 2023, UBND tỉnh Nghệ An đã thành lập đoàn kiểm tra tại nhà máy này và phát hiện nhiều sai phạm về quy định bảo vệ môi trường. Nhà máy này sau đó đã phải dừng hoạt động cho đến nay.

Một lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH tỉnh Nghệ An cho biết các công nhân của Công ty TNHH Châu Tiến bị suy giảm khả năng lao động, tổn thương cơ thể do bị bệnh bụi phổi đang được xác định, lập hồ sơ để giải quyết chế độ. Tuy nhiên, việc giải quyết bồi thường và trợ cấp bệnh nghề nghiệp cho một số công nhân gặp khó khăn do công nhân được phát hiện bệnh bụi phổi sau khi đã nghỉ việc ở Công ty TNHH Châu Tiến. Cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đang tìm phương án để tháo gỡ khó khăn này, đảm bảo quyền lợi cho các công nhân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.