Nơi độc nhất ở Sài Gòn 7 năm đi chợ nấu cơm miễn phí người nghèo

01/04/2017 09:16 GMT+7

Các ngày thứ ba, năm, bảy hàng tuần, dù đi bán vé số ở đâu thì ông Viện cũng canh giờ trưa mà về trụ sở ban điều hành khu phố 5 (phường Bình Trưng Đông, quận 2, TP.HCM) để dùng cơm... miễn phí.

Đúng 10 giờ trời nắng chang chang, ông Nguyễn Văn Viện ngụ tại khu phố 1, P. Bình Trưng Đông cưỡi chiếc xe đạp cà tàng, tay cầm xấp vé số đến đến trụ sở ban điều hành khu phố 5 nhận cơm trưa miễn phí.
Đỡ lo chạy ăn từng bữa
Chị Võ Thị Kim Phụng - bếp trưởng (bếp cơm Q.2) cho biết, gia đình ông Nguyễn Văn Viện là hộ nghèo trong phường, nhà có 6 nhân khẩu, bản thân ông lại cụt tay do tai nạn, các con đang đi học, vợ thì đau ốm liên miên nên thu nhập chính của gia đình trông cậy hết vào nguồn thu từ xấp vé số của ông.
VIDEO: Nơi độc nhất ở Sài Gòn 7 năm đi chợ nấu cơm miễn phí cho người nghèo
"Nhà tôi chạy cơm ngày 2 bữa đã khó, công việc bán vé số bấp bênh, bữa được bữa không, sao lo nổi 6 miệng ăn”, ông Viện nói. Các ngày thứ ba, năm, bảy hàng tuần, dù đi bán vé số ở đâu, ông Viện cũng canh giờ trưa mà đạp xe về trụ sở ban điều hành khu phố 5 phường Bình Trưng Đông, Q.2 để nhận cơm miễn phí. Ở đây có hội nấu cơm phục vụ người nghèo suốt nhiều năm.
“Tôi đến nhận cơm ở đây cũng hơn 2 năm rồi, nhờ bếp cơm tình thương này cũng như ban vận động và các nhà hảo tâm giúp đỡ cho những người nghèo, tật nguyền,… có được bữa cơm ngon. Hi vọng có nhiều nhà hảo tâm quyên góp để duy trì bếp cơm này”, ông Viện chia sẻ.
Đến 10 giờ 30, trụ sở ban điều hành khu phố 5 bắt đầu đông đúc hẳn lên, mọi người xếp hàng trật tự, trên tay cầm phiếu nhận cơm miễn phí được phường phát. Trong số đó có anh Nguyễn Khoa Huân ngồi trên chiếc xe lăn, trên tay cầm xấp vé số chờ đến lượt. Được biết anh Huân quê ở Phú Yên vào Sài gòn lập nghiệp, trong một lần tai nạn, anh bị liệt một chân, từ đó anh chuyển sang bán vé số.
Cầm 2 hộp cơm trên tay với vẻ mặt phấn khởi, anh nói: “Đi bán tranh thủ ghé vào đây lấy cơm về ăn, hôm nay tôi lấy 2 hộp, một hộp ăn trưa còn một hộp để dành chiều ăn. Tôi nhận cơm ở đây cũng 3 năm rồi, anh chị ở đây nhiệt tình lắm, cơm thì ngon đầy đủ có canh, món xào, đồ mặn. Đến đây nhận cơm đã như một thói quen của bà con nghèo ở đây, không còn lo chạy cơm từng bữa”.
Các ngày thứ ba, năm, bảy, những đứa trẻ bán vé số, lượm ve chai,… đúng giờ trưa lại đến đây ăn cơm
Làm từ thiện phải tinh tế
0 đồng; 2000 và 3000 đồng
Mỗi buổi bếp nấu mỗi buổi 400 suất. Phường tìm hiểu xem hộ nào nghèo, bệnh tật,.. thì phát cho mỗi hộ một vé nhận cơm miễn phí, còn những trường hợp khác thì thu mỗi người 3.000 đồng/hộp cơm, ngoài ra dành 60 suất để bệnh viện quận 2 hỗ trợ cho bệnh nhân khó khăn với mức 2.000 đồng/hộp.
Chị Võ Thị Kim Phụng - bếp trưởng, cho biết: Nơi đây vừa là trụ sở ban điều hành khu phố vừa là nơi nấu nướng và phát cơm, nhưng chỉ vỏn vẹn khoảng 120 mét vuông. Bếp ăn này được thành lập năm 2010, từ sáng kiến của mấy chị em phụ nữ, mấy bà nội trợ ở khu phố 5, phường Bình Trưng Đông. Lúc bếp cơm mới thành lập chỉ có 6 thành viên góp tiền lại, cộng với việc vận động xin ve chai bán để duy trì hoạt động. Tính đến nay, bếp cơm tồn tại cũng gần 7 năm.
“Hồi đó, mấy chị rủ nhau thứ bảy, chủ nhật hàng tuần quét dọn trụ sở khu phố, đồng thời xin ve chai của các hộ dân trong khu vực đem bán lấy tiền gây quỹ. Ngày đó kinh phí chỉ đủ nấu cháo dinh dưỡng đem tặng người nghèo, người già, người bệnh, mấy em nhỏ suy dinh dưỡng. Rồi từ bếp cháo nâng cấp thành bếp cơm từ thiện”, chị Phụng chia sẻ.
Sau 2 năm hoạt động, ban lãnh đạo P. Bình Trưng Đông nhận thấy bếp cơm rất ý nghĩa, giúp được rất nhiều hộ gia đình khó khăn trên địa bàn, nên đã quyết định quyên góp, vận động các nhà hảo tâm ủng hộ, từ đó chuyển sang làm cơm mặn, lúc đầu kinh phí còn hạn chế nên mỗi ngày chỉ được 150 suất, nhưng đến nay đã tăng lên 400 suất. Phường tìm hiểu xem hộ nào nghèo, bệnh tật,.. thì phát cho mỗi hộ một vé nhận cơm miễn phí, còn những trường hợp khác thì thu mỗi người 3.000 đồng/hộp cơm.
“Mỗi ngày bếp nấu 400 suất cơm, trong đó bệnh viện Q.2 nhận 60 suất cơm để phát cho bà con nghèo trong bệnh viện, mỗi suất 2.000 đồng. Ngoài những hộ nghèo được phát phiếu nhận cơm miễn phí thì học sinh, sinh viên và những người bán vé số, lượm ve chai,… đến đây ăn cơm thì hội lấy họ 3.000 đồng/hộp để có tiền mua họp bao nilon, vừa để họ không cảm thấy ngại khi đến ăn”, chị Phụng chia sẻ.
Chị Võ Thị Thanh Huyền, hội trưởng Hội phụ nữ phường Bình Trưng Đông, trực tiếp điều hành bếp ăn này, cho biết: Chị em ở đây rất nhiệt tình, làm không lương mà phải vừa lo việc nhà vừa lo việc của hội, cho đến nay bếp cơm hoạt động cũng được gần 7 năm, với 30 thành viên đều là chị em phụ nữ trong phường. Tất cả đều được học lớp vệ sinh an toàn thực phẩm nên đảm bảo vệ sinh. Các chị em làm 3 ca (mỗi ca đều có bếp chính, bếp phụ) thứ ba, năm, bảy, mỗi ca 7 hoặc 8 người thay phiên nhau.
Chị Huyền đảm nhận nhiệm vụ đi chợ. Sau đó, mỗi người một việc, người nhặt rau, người thái thịt tất bật, nhưng chẳng ai tỏ ra mệt mỏi mà ngược lại, bếp ăn luôn ngập tràn tiếng cười. “Quán” mở cửa các ngày thứ ba, năm, bảy thì các ngày nghỉ, các chị đã đi chợ chọn thực phẩm, sơ chế thịt cá, rau củ bỏ tủ lạnh cho tươi sống. Bà con ở chợ biết chị Huyền mua thức ăn về nấu từ thiện nên cũng ủng hộ bằng cách bớt chút tiền con cá, mớ rau,…
“Chúng tôi sơ chế thức ăn vào hôm trước, sau đó cho vào tủ lạnh đến 4 giờ sáng hôm sau chúng tôi bắt đầu nấu món ăn, chị em ở đây rất nhiệt tình có người đến rất sớm để chuẩn bị các thứ”, chị Huyền nói.
Lúc đầu bếp cơm còn thiếu thốn nhiều thứ như: thau, nồi,… thì chị em ở đây nhà ai có gì thì đem vô ủng hộ cái đó, số tiền 3.000 đồng thu của một số khách đến ăn có bao nhiêu gom vào mua thức ăn chứ không dùng sắm sửa dụng cụ bếp núc…
"Lúc trước chúng tôi nấu bằng nồi cơm điện, mỗi lần được 7 kg gạo nên nấu 5 nồi vẫn không đáp ứng đủ, sau này chính quyền thấy khó khăn nên quyên góp ủng hộ được tủ áp suất một lần nấu được khoảng 50 kg gạo nên cũng đỡ", chị Huyền cho hay.
Phát xong hàng trăm phần cơm miễn phí, đến 11 giờ “quán” bắt đầu phục vụ cơm tại chỗ. Những bộ bàn ghế vốn dành để hội họp khu phố được xoay, ghép thành bàn ăn. Những bác thợ hồ, chị công nhân vệ sinh, em bé bán vé số ghé ngang, lần túi lấy ra 3.000 đồng vuốt cho phẳng phiu rồi mang đến đây đổi một suất cơm có đủ món: canh, xào, mặn, tráng miệng, trà đá.

tin liên quan

Ấm áp tình thương trong ngôi nhà bán trú
Nhóm Thiện nguyện Sài Gòn phối hợp Hội LHTN VN tỉnh Nghệ An vừa bàn giao ngôi nhà bán trú cho học sinh Trường tiểu học Na Ngoi 1 (H.Kỳ Sơn, Nghệ An), giúp hàng chục học sinh miền núi nghèo khó có nơi trú ngụ để học hành.
Từ thành công của bếp cơm nghĩa tình phường Bình Trưng Đông, UBND quận 2 “khai trương” thêm một bếp cơm tình thương nữa của quận. Bếp nấu vào các ngày thứ hai, tư, sáu hằng tuần, cung cấp 2 bữa cơm sáng/chiều cho những hộ gia đình khó khăn trong quận.
Bên căn bếp nhỏ nóng bức, nhưng đầy tình yêu thương, chưa bao giờ thấy vơi những tiếng cười đùa của những đứa trẻ đến lấy cơm và các cô dì trong bếp vừa làm, vừa trò chuyện rôm rả.
Những phần cơm lúc nào cũng đầy ấp và nóng hổi
Bếp cơm dành riêng 200 suất, mỗi suất 2.000 đồng cho các người nghèo đang điều trị tại bệnh viện Q.2
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.