Nỗi lo chung của phương Tây và Ukraine: Đạn pháo

Nỗi lo chung của phương Tây và Ukraine: Đạn pháo

03/08/2023 19:29 GMT+7

Đài CNN dẫn lời các quan chức Mỹ và phương Tây một lần nữa cảnh báo nguồn cung vũ khí cho Ukraine đang ngày thêm cạn kiệt, bởi năng lực sản xuất không đuổi kịp tốc độ các lực lượng Kyiv sử dụng trên chiến trường.

CNN dẫn báo cáo từ Lầu Năm Góc cho biết Mỹ đến nay đã gửi Ukraine hơn 2 triệu viên đạn pháo 155 mm. Bộ Quốc phòng Mỹ đã đặt mục tiêu sản xuất 70.000 quả đạn pháo mỗi tháng, song hiện chỉ xuất xưởng chưa tới 30.000 quả đạn mỗi tháng.

Một số quan chức Lầu Năm Góc hy vọng Kyiv sẽ ít phụ thuộc vào pháo binh hơn vào thời điểm thiếu hụt vũ khí này và tập trung nhiều hơn vào việc phối hợp nhiều loại vũ khí, một chiến thuật chiến đấu hiệu quả hơn mà Mỹ đã huấn luyện lực lượng Ukraine trong nhiều tháng. Tuy nhiên, Ukraine vẫn đang đốt cháy nguồn cung sẵn có.

Lý do là bởi Nga đã rải mìn khắp vùng đất mà Ukraine muốn giành lại. Điều này làm chậm quá trình phản công và buộc Kyiv phải sử dụng pháo binh để tiêu diệt các mục tiêu từ xa hơn. Quân đội Ukraine hiện đang bắn từ 2.000 đến 3.000 quả đạn pháo mỗi ngày nhằm vào lực lượng Nga, một quan chức quốc phòng Mỹ nói với CNN.

Nỗi lo chung của phương Tây và Ukraine - Ảnh 1.

Lực lượng Ukraine bắn đạn pháo D-20 vào lực lượng Nga, tại vùng Donetsk, ngày 11.7.2023

REUTERS

Mặc dù cho biết Mỹ có một mức đạn dược nhất định trong các kho dự trữ trên khắp thế giới, các quan chức quốc phòng nước này cho hay Washington đã tiến gần đến ranh giới cạn kiệt đạn pháo 155 mm. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói rằng đạn này sẽ mất “nhiều năm” để sản xuất hàng loạt đến mức “có thể chấp nhận được”.

Thiếu các loại pháo đã dẫn đến việc Tổng thống Mỹ Joe Biden đã quyết định gửi cho Kyiv các loại bom, đạn chùm gây nhiều tranh cãi. Động thái này gây rủi ro về mặt chính trị và có nguy cơ khiến Mỹ bị các đồng minh châu Âu xa lánh, bởi nhiều nước đã cấm các loại vũ khí này vì nguy cơ chúng gây ra cho dân thường.

Ukraine tổn thất gần 20% vũ khí NATO viện trợ

Trong khi đó, một nguồn tin chính phủ Đức nói với CNN rằng Berlin đang nỗ lực tăng dự trữ đạn dược. Nguồn tin tiết lộ đạn dược dùng cho cho xe tăng Gepard do Thụy Sĩ sản xuất mà Đức gửi cho Ukraine hiện được sản xuất tại Đức, và dự kiến được chuyển giao vào mùa hè này. Điều này cho phép Berlin tự do vận chuyển các loại đạn của riêng mình vì Thụy Sĩ vẫn do dự việc gửi vũ khí cho Ukraine.

Trong khi đó, theo một tài liệu quốc phòng Anh, nước này sẽ đầu tư 2,5 tỉ bảng (76 nghìn tỉ đồng) vào các kho dự trữ và đạn dược, cũng như tập trung vào năng lực phục hồi và khả năng sẵn sàng của cơ sở hạ tầng vũ khí nước này.

Nỗi lo chung của phương Tây và Ukraine - Ảnh 2.

Quân nhân Ukraine sửa chữa xe chiến đấu bộ binh BMP-1, ở vùng Donetsk (Ukraine), ngày 11.6.2023

REUTERS

Bên cạnh đó, NATO cũng đang nỗ lực xây dựng lại quan hệ với các nhà thầu vũ khí nhằm tăng cường các thiết bị mà liên minh ít mua trong những năm trước đó, đặc biệt là đạn pháo 155 mm.

Về phía Ukraine, theo tờ The Kyiv Independent, nước này hiện đối mặt 2 vấn đề lớn liên quan vũ khí phương Tây.

Một là sự thiếu thống nhất về vũ khí trên toàn Liên minh châu Âu (EU). Nhiều loại đạn dược từ các nhà sản xuất khác nhau với các loại nòng khác nhau được gửi đến Ukraine. Điều này không giúp ích nhiều cho các lực lượng Kyiv. Theo lời các binh sĩ, họ tốn rất nhiều thời gian để phân loại đạn dược, hay thậm chí phải xử lý để chúng vừa khớp với các bệ phóng.

Vấn đề thứ hai là thiếu đạn dược ở tiền tuyến. Chính sách thắt lưng buộc bụng khiến Ukraine phải tiết kiệm đạn dược trong cả phòng thủ và tấn công.

Trong khi Kyiv và phương Tây không thể lập tức củng cố kho dự trữ, Nga đang cố gắng làm gián đoạn quá trình sản xuất của Ukraine và phá hủy nhiều kho đạn dược của nước này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.