Nỗi lo cồng chiêng mất 'thiêng'

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
13/04/2021 06:18 GMT+7

15 năm sau khi được UNESCO ghi danh, di sản văn hóa phi vật thể không gian văn hóa cồng chiêng vẫn còn đối mặt nhiều thử thách.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia) không khỏi tâm tư khi nhà rông làng Mơ Hra (xã Kông Lơng Khơng, H.Kbang, Gia Lai), nơi ghi hình tư liệu cồng chiêng Bahnar phục vụ cho hồ sơ trình UNESCO, bị mất chỗ. “Cuối năm 2017, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Tuệ, Trưởng phòng Di sản Sở VH-TT-DL Gia Lai, cho biết ngôi nhà trong hồ sơ UNESCO bị đẩy vào trong và thay thế bằng nhà rông văn hóa mái tôn rồi”, ông Hiền chia sẻ tại hội thảo về thực trạng công tác bảo vệ và quản lý phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng. Hội thảo do Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL) tổ chức trong các ngày 12 - 13.4 tại TP.Kon Tum, nhân 15 năm di sản được UNESCO vinh danh.
Ông Hiền cho biết thêm một bên là già làng muốn giữ nguyên trạng nhà với không gian sân đất cổ truyền; bên kia là trưởng thôn muốn đặt “nhà rông văn hóa” bê tông vào trung tâm. “Chúng ta cam kết bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên ư? Điểm tựa linh thiêng của cồng chiêng làng Mơ Hra đã bị hành xử thô bạo như vậy đó!”, ông Hiền nói.
Nỗi lo cồng chiêng mất 'thiêng'1

Nhà rông trong hồ sơ bị đẩy vào trong, nhường chỗ cho nhà rông văn hóa bằng bê tông

Ảnh: Tư liệu ông Bùi Trọng Hiền

Nhà nghiên cứu văn hóa Tây nguyên - bà Linh Nga Niêkdam cho hay việc xây dựng nông thôn mới cũng gây ra bất cập cho bảo tồn không gian văn hóa. “Tiêu chí “có nhà văn hóa đạt chuẩn” đã khiến một số nhà rông ở một số vùng Tây nguyên phải nhường chỗ cho nhà văn hóa xây gạch, chỉ có một công năng làng dùng đến lúc hội họp”, bà phân tích. Cũng theo bà Linh Nga Niêkdam, việc truyền dạy cồng chiêng ở Tây nguyên, dẫu là tự phát hay có kinh phí nhà nước, thực chất phần lớn chỉ để tham gia các liên hoan văn hóa cồng chiêng được địa phương tổ chức và để phục vụ khách du lịch, khi có đơn vị nào đó thuê. “Nó không phục vụ đích thực cho đời sống tinh thần của cộng đồng, như đã từng từ thuở xa xôi”, bà nói.
Du lịch cộng đồng đáng lẽ là một hướng để có thể phát huy không gian văn hóa cồng chiêng nhưng cũng chưa ổn. “Đa số cảnh quan thiên nhiên đều nằm trong tay công ty du lịch. Khi du khách có nhu cầu thưởng thức văn hóa bản địa, họ thuê các nhóm nghệ nhân cư trú cận kề hoặc đã có thâm niên biểu diễn, trả thù lao. Việc cộng đồng dân cư tổ chức khai thác và hưởng lợi ở 5 tỉnh Tây nguyên chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay”, bà Linh Nga phân tích.
Trong khi đó, ông Bùi Trọng Hiền đề nghị cần nghiên cứu biên chế các dàn cồng chiêng cũng như đo đạc chính xác mẫu thang âm của nó. “Hiện tượng sử dụng bộ chiêng cải tiến theo hệ bình quân Do, Re, Mi... cùng thẩm mỹ nhạc mới là nguy cơ cao khiến các thang âm cổ truyền có thể mất vĩnh viễn theo sự ra đi của lớp nghệ nhân già cuối cùng. Khi bảo tồn được mẫu các thang âm cồng chiêng, việc hiệu chỉnh lại các bộ chiêng sai tiếng hay bộ chiêng mới là điều hoàn toàn có thể làm được”, ông Hiền cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.